1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Thống đốc NHNN: “Tôi không thể hứa gì về việc xử lý nợ xấu”

(Dân trí) - “Với tư cách là Thống đốc NHNN, tôi không thể hứa gì về việc xử lý nợ xấu. Nhưng theo đề án 254 đã được Chính phủ thông qua, đến năm 2015 sẽ đưa nợ xấu của hệ thống ngân hàng dưới 3% theo đúng thông lệ và chuẩn mực quốc tế”.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã bày tỏ trước Quốc hội như vậy trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội chiều nay 30/10.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình tại hành lang Quốc hội ngày 30/10 (Ảnh: Việt Hưng)
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình tại hành lang Quốc hội ngày 30/10 (Ảnh: Việt Hưng)

Nợ xấu là con số biến động theo thời gian

Đề cập tới ý kiến của các đại biểu Quốc hội về con số nợ xấu, Thống đốc Bình cho rằng: Nợ xấu không phải con số cố định mà biến động theo thời gian. Mặc dù tiêu chí xác định nợ xấu của Việt Nam được đánh giá là phù hợp với các tiêu chí quốc tế nhưng ngay cả ở Việt Nam và quốc tế thì cũng không có một bộ qui định thống nhất nào về việc xác định nợ xấu. Do đó, con số nợ xấu bên cạnh yếu tố định lượng thì còn có định tính. Do vậy, con số nợ xấu có thể khác nhau giữa các tổ chức đánh giá. Chúng ta đã thống nhất và thế giới ghi nhận là con số đánh giá của cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đó thường được sử dụng là con số tham khảo có giá trị nhất. Do vậy, con số xác định nợ xấu mà NHNN đưa ra là con số có cơ sở nhất.

Từ đầu năm đến nay, diễn biến của nợ xấu trong hệ thống ngân hàng theo đánh giá của ông Bình là phù hợp diễn biến kinh tế vĩ mô. Theo dõi thấy, tỷ lệ nợ xấu tăng trong những tháng đầu năm nhưng từ tháng 6 trở lại đây tốc độ tăng đã chậm hẳn lại.

Về xử lý nợ xấu, theo khẳng định của Thống đốc Nguyễn Văn Bình “là công việc không phải chỉ phụ thuộc ý chí của hệ thống ngân hàng là đủ, mà phải coi đây là một nội dung của cả nền kinh tế. Phải có sự phối hợp đồng bộ của tất cả các cơ quan, lĩnh vực mới có thể xử lý được nợ xấu”. Bởi nợ xấu nếu chỉ là của ngân hàng và doanh nghiệp thì thông qua hoạt động sản xuất kinh doanh, trước tiên ngân hàng phải có trách nhiệm xử lý cùng doanh nghiệp. Nhưng chúng ta thấy rằng riêng hàng tồn kho lớn thì đấy cũng là nợ xấu.

Về ý kiến của đại biểu rằng đem thế chấp hàng tồn kho để được vay mới của hệ thống ngân hàng, Thống đốc Bình cho biết là ngay hàng tồn kho đó cũng là hàng thế chấp với khoản vay đó rồi. Do vậy, vấn đề xử lý hàng tồn kho cũng là đóng góp rất quan trọng đối với việc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Hay nợ đọng trong xây dựng cơ bản hiện nay mà theo số liệu báo cáo ban đầu vẫn còn khoảng trên 90.000 tỷ thì nếu xử lý được khoản này của chính quyền địa phương các cấp thì chúng tqa cũng xử lý được một khối lượng nợ xấu rất lớn. Hay chúng ta cũng thấy một khối lượng lớn nợ xấu nằm trong bất động sản. Nếu chúng ta có những giải pháp để khai thông được thị trường bất động sản thì cũng góp phần xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng.

Do vây, để xử lý nợ xấu ngân hàng, Thống đốc Bình kêu gọi cần phải có quyết tâm và ý chí chính trị thống nhất trong hệ thống chính trị. “Còn với tư cách là thống đốc NHNN, tôi cũng không thể hứa gì về việc xử lý nợ xấu này. Vì như tôi đã nói ở trên đây phải là một quyết tâm chính trị của cả hệ thống chúng ta. Do vậy, chúng ta không thể đơn phương. Thế nhưng theo đề án 254 chúng tôi đã trình và được Chính phủ thông qua thì đến năm 2015 sẽ đưa nợ xấu của hệ thống ngân hàng dưới 3% theo đúng thông lệ và chuẩn mực quốc tế”, Thống đốc nhấn mạnh.

Đã thanh tra 26 tổ chức tín dụng

Trả lời đại biểu Quốc hội về vấn đề tái cấu trúc, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết: Chính phủ đã có Quyết định 254 thông qua đề án tái cấu trúc ngân hàng, NHNN đang chỉ đạo thực hiện quyết liệt, vạch ra công thực thực hiện cho từng năm một.

Theo Quyết định này, việc xử lý ngân hàng yếu kém, sáp nhập, hợp nhất ngân hàng chỉ là 1 nội dung, ngoài ra còn có việc làm lành mạnh hệ thống, bao gồm hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng, ban hành các văn bản quy phạm mới đáp ứng cho sự phát triển của hệ thống.

Hiện tại, Chính phủ đã lập ban chỉ đạo liên ngành gồm 1 phó thủ tướng làm trưởng ban, Thống đốc làm Phó trưởng ban thường trực và đại diện của các Bộ, ban ngành khác về xử lý ngân hàng yếu kém. Với từng ngân hàng thương mại, cũng có ban chỉ đạo xử lý, do vậy, quá trình xử lý các ngân hàng thương mại không chỉ có riêng ý kiến của NHNN mà còn những đánh giá của các cơ quan khác, đảm bảo tính công khai, minh bạch.

Ngoài ra, trong các văn bản pháp luật cũng có đầy đủ bộ tiêu chí đánh giá như thế nào là ngân hàng thuộc diện phải xử lý. Đồng thời, quá trình xử lý ngân hàng yếu kém là rất nhạy cảm và có thể gây ra tranh chấp, vì vậy để có đủ cơ sở để xử lý một ngân hàng thì NHNN tiến hành đồng thời 2 việc: một mặt tiến hành thanh tra tại chỗ, một mặt mời kiểm toán độc lập quốc tế. Trong thời gian qua, qua quá trình đánh giá, các tổ chức thuộc diện phải xử lý là rất xứng đáng và phù hợp.

Thời gian qua, một số đề án phải tôn trọng tính tự nguyện của các đối tượng tham gia nên hiện nay đang trong giai đoạn cuối cùng để thống nhất với các đối tượng này về con số, sau khi thống nhất và có phương án xử lý cuối cùng, NHNN sẽ công bố rộng rãi công chúng.

Năm nay, NHNN cũng tiến hành thanh tra trên diện rộng với 26 tổ chức tín dụng, khi có kết quả thanh tra, NHNN sẽ được lần lượt công bố rộng rãi với công chúng.

Nguyễn Hiền