1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Thống đốc NHNN: Đã trích lập dự phòng 67.000 tỷ đồng xử lý nợ xấu

(Dân trí) - Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, đến cuối tháng 5/2012, các tổ chức tín dụng đã tiến hành trích dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu được khoảng 67.000 tỷ đồng.

Sáng nay 7/7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức hội nghị Sơ kết hoạt động ngành ngân hàng và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2012.
 
Tín dụng đã tăng trở lại.
Tín dụng đã tăng trở lại.
 
Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, đến cuối tháng 5/2012, tổng nợ xấu của toàn hệ thống chiếm 4,47% tổng dư nợ tín dụng cho nền kinh tế (cuối năm 2011 là 3,07%). Nợ xấu tăng lên so với đầu năm phát sinh từ các khoản nợ trước đây, mà thời gian qua do điều kiện thị trường không thuận lợi, hàng tồn kho tăng cao, tình hình tài chính vủa bên vay ngày một yếu đi, không có khả năng trả nợ cho ngân hàng.

Tuy nhiên, theo số liệu giám sát của cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, 84% nợ xấu của hệ thống ngân hàng được đảm bảo bằng tài sản thế chấp và tổng giá trị của các tài sản thế chấp này bằng 135% giá trị nợ xấu.

“Đến cuối tháng 5/2012, các tổ chức tín dụng đã tiến hành trích dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu được khoảng 67.000 tỷ đồng”, Thống đốc cho biết.
 
Thông tin từ NHNN cho hay, sau hơn 6 tháng quyết liệt triển khai cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, rủi ro hệ thống từng bước được kiểm soát, nguy cơ đổ vỡ hệ thống từng bước được đẩy lùi. Đến nay, 3 ngân hàng Sài Gòn, Đệ Nhất, Tín Nghĩa đã được hợp nhất và tiếp tục được cơ cấu lại. 6 ngân hàng yếu kém còn lại đã hoàn  tất quá trình thanh tra, kiểm  toán toàn diện và xây dựng phương án cơ cấu lại để trình NHNN thông qua.

Hiện tại, NHNN đã phê duyệt, trình Thủ tướng cho phép triển khai phương án cơ cấu lại 2/6 ngân hàng và đang khẩn trương xem xét phương án cơ cấu lại của 4 ngân hàng còn lại để trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến.

Theo đánh giá của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, tín dụng 6 tháng đầu năm tăng trưởng ở mức thấp nhưng cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, cũng như giảm dần tỷ trọng dư nợ đối với các lĩnh vực không khuyến khích.

Tính đến ngày 30/6, tín dụng toàn hệ thống tăng trưởng 0,76% so với cuối năm 2011. Nếu tính cả số dư vào trái phiếu doanh nghiệp và ủy thác thì mức tăng khoảng 1,4%.

Cụ thể, đến 31/5, tín dụng xuất khẩu tăng 12,63%; nông nghiệp nông thôn tăng 3%; công nghiệp hỗ trợ ước tăng 7,13%.

Riêng tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ giảm 13,69%. Dư nợ đối với lĩnh vực không khuyến khích chiếm 52,5% so với tổng dư nợ cho vay, giảm 5,91% so với tỷ trọng cuối năm 2011.

Theo đánh giá từ NHNN, tín dụng tăng thấp nhưng khả năng mở rộng tín dụng trong thời gian tới vẫn rất khó khăn. Tín dụng giảm do nhiều nguyên nhân như: Cầu tín dụng ở mức thấp, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, hàng tồn kho lớn nên hạn chế khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp. Khả năng trả nợ ngân hàng của doanh nghiệp và hộ dân suy giảm trong điều kiện khó khăn về đầu ra, thị trường bất động sản thanh khoản kém gây khó khăn cho hoạt động của các tổ chức tín dụng do phần lớn tài sản thế chấp các khoản vay có nguồn gốc bất động sản. Đây cũng chính là lý do khiến các tổ chức tín dụng có xu hướng quy định các điều kiện cho vay chặt chẽ hơn để hạn chế rủi ro và đảm bảo an toàn tín dụng.

Nói về khả năng khó hấp thụ vốn ngân hàng từ doanh nghiệp, Thống đốc Bình cho biết: “Dư luận xã hội, cộng đồng doanh nghiệp thắc mắc lãi suất cho vay còn cao. Chúng ta phải bàn xem lãi suất có cao không? Nếu cao phải giảm xuống để tiếp cận với doanh nghiệp. Hàng tháng tổ chức tín dụng phải kiểm điểm xem đã hết long với doanh nghiệp hay chưa?”.

Một số liệu đáng chú ý được NHNN công bố sáng nay là thanh khoản của toàn hệ thống được đảm bảo và có xu hướng cải thiện so với cuối năm 2011, mà nguyên nhân là do huy động vốn tăng cao. Cụ thể, số dư tiền gửi bình quân của các tổ chức tín dụng tại NHNN tăng dần qua các tháng, tỷ lệ tín dụng/huy động vốn giảm dần qua các tháng từ các mức 103,23% cuối năm 2011 xuống còn 90,33% đến ngày 30/6/2012. Còn lãi suất thị trường liên ngân hàng giảm mạnh, dư thừa thanh khoản.

“Thanh khoản bằng ngoại tệ của toàn hệ thống ngân hàng vẫn đảm bảo được mức dư thừa và có xu hướng cải thiện so với những tháng cuối năm. Hầu hết các tổ chức tín dụng đều có tỷ lệ tín dụng/huy động vốn trong và ngoài nước dưới 100%”, NHNN nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, số liệu tiền tệ cũng cho thấy huy động ngoại tệ và cho vay ngoại tệ đều giảm hơn huy động cho vay bằng đồng Việt Nam. Tính đến 30/6, huy động vốn tăng 6,49%; trong đó huy động vốn VND tăng 8,62%, còn ngoại tệ giảm 2,2%. Hệ thống các tổ chức tín dụng mua được một lượng lớn ngoại tệ từ tổ chức kinh tế và dân cư để bán cho NHNN, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước ở mức lớn (tăng gấp 2 lần so với cuối năm 2011).

Nguyễn Hiền