1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Thị trường Việt Nam chỉ cần 5 ngân hàng lớn!?

(Dân trí) - Các nước trên thế giới có ngân hàng thành công chỉ có 1- 2 ngân hàng ở mỗi quốc gia, mà Việt Nam thì hiện có quá nhiều ngân hàng. Do đó, đại diện Ernst & Young cho rằng, Việt Nam chỉ cần 5 ngân hàng trụ cột là đủ.

Ngành ngân hàng Việt Nam đang trong giai đoạn nước rút của quá trình tái cơ cấu. Theo đánh giá của ông Keith Pogson, lãnh đạo cấp cao về Dịch vụ tài chính ngân hàng của Ernst & Young (EY) khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, thị trường Việt Nam thì chỉ cần 5 ngân hàng quy mô lớn mới có thể cạnh tranh được với ngân hàng trong khu vực.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

“Động thái của Ngân hàng Nhà nước trong việc xây dựng những ngân hàng ngang tầm khu vực là đúng đắn. Tôi cho rằng Việt Nam vẫn còn thời gian để cho các ngân hàng nỗ lực bởi còn 5 năm nữa Cộng đồng kinh tế ASEAN mới thực sự mở cửa”, ông Keith Pogson cho hay.

Tuy nhiên, ông Keith cũng cho rằng, bên cạnh việc xây dựng 5 ngân hàng quy mô tầm khu vực, Việt Nam cũng cần duy trì thêm vài ngân hàng nhỏ cho thị trường ngách và có vài ngân hàng nước ngoài.

“Các nước trên thế giới có ngân hàng thành công chỉ có  1- 2 ngân hàng ở mỗi quốc gia, mà Việt Nam thì hiện có quá nhiều ngân hàng. Một số nước ở châu Á có ngân hàng lớn và khá thành công như MayBank của Malaysia, UOB của Singapore…”, vị đại diện EY nói.

Hay như tại Malaysia, các ngân hàng cũng phải trải qua các cuộc M&A khốc liệt. Trước đây, Malaysia có 54 ngân hàng và sau nhiều lần thực hiện M&A, hiện nước này còn 10 ngân hàng. Để thành công, các ngân hàng này phải đầu tư vào công nghệ, con người để nâng cao hiệu quả lợi nhuận.

Thị trường ngân hàng Việt Nam nóng chuyện M&A (ảnh minh hoạ).
Thị trường ngân hàng Việt Nam "nóng" chuyện M&A (ảnh minh hoạ).

Theo đánh giá của ông Keith, do Việt Nam có nhiều ngân hàng nhỏ, quy mô nhỏ nên khó đầu tư công nghệ. “Tôi thấy Việt Nam cũng đang cạnh tranh công nghệ, nhưng xét trên bình diện thế giới thì các ngân hàng Việt Nam còn cách khá xa trong việc cạnh tranh công nghệ với thế giới. Hơn nữa, thời gian qua các ngân hàng chủ yếu đầu tư để nâng cao lợi nhuận nhưng lại chưa chú trọng về công nghệ”, ông bình luận.

Do đó, ông Keith gợi ý, trong 5 năm tới, khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN hội nhập sâu rộng, Việt Nam cần phải có ngân hàng đủ mạnh để hỗ trợ các doanh nghiệp đi ra “biển lớn”.

“Trong vòng 5 - 10 năm tới, nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng của thế giới rất cao, nếu Việt Nam thiếu những ngân hàng thực sự lớn có thể đầu tư cho vay hạ tầng lớn thì sẽ thiệt thòi bởi sẽ rất là khó đáp ứng nhu cầu này. Theo tính toán của cá nhân tôi, để duy trì GDP 6,2% thì tăng trưởng tín dụng phải 15% trong thời gian tới, có nghĩa tín dụng phải khoảng 1 - 1,5% so với hiện nay”, ông Keith nhấn mạnh thêm.

Đề cập tới yếu tố giúp quá trình M&A ngân hàng ở Việt Nam thành công, ông Keith cho biết: Những nhân tố làm nên thành công trong các thương vụ M&A của ngân hàng cần có cả vĩ mô, vi mô. Chính phủ cần phải có những yếu tố kỹ thuật để hỗ trợ cho quá trình này.

Theo ông, Chính phủ cần phải hỗ trợ những văn bản pháp quy cho việc sáp nhập dễ dàng hơn như thuế, công đoàn, lao động. Đặc biệt, ngân hàng cần sự hỗ trợ của Chính phủ để khách hàng là khách hàng của ngân hàng bị sáp nhập đương nhiên trở thành khách hàng của ngân hàng mới mà không cần phải đi xin với nhiều thủ tục mới có thể có tài khoản ở ngân hàng mới.

“Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có sự hỗ trợ tích cực cho quá trình tái cơ cấu của Việt Nam, tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc trong quá trình này”, ông Keith cho hay.

Bên cạnh đó, quá trình sáp nhập cần phải được các ngân hàng tham gia vào quá trình này phải hiểu rõ, đó là xác định được những yếu tố quan trọng làm nên thành công.

Yếu tố thứ nhất, đó là xác định thương hiệu của ngân hàng. Cần phải biết, nên chọn thương hiệu nào, hay là duy trì song song 2 thương hiệu. Việc này rất quan trọng, nếu chúng ta có chiến lược sai lầm sẽ dẫn đến việc mất khách hàng rất nhanh.

Một yếu tố nữa mà ngân hàng cần phải xác định, đó là sẽ giữ lại bao nhiêu % nhân sự sau khi thực hiện sáp nhập. Khách hàng cũng vậy, cần phải có một chiến lược hành động cụ thể để khách hàng khi đến giao dịch không cảm thấy bị tác động và ảnh hưởng gì đến họ.

Theo đó, những giấy tờ cho vay sẽ phải thống nhất theo một thương hiệu. Việc huy động của ngân hàng cũng vậy. Hay là cây ATM cũng vậy, cần phải làm rõ nên duy trì song song 2 thương hiệu hay hợp nhất thành 1. Ngày đầu tiên sáp nhập, giao dịch ATM, huy động, cho vay sẽ như thế nào…

Việc thành công của sáp nhập ngân hàng nằm ở 3 yếu tố, đó là văn hóa, quan điểm và kỷ luật. Thực tế, sự bất đồng về quan điểm sẽ rất rủi ro, có thể sẽ dẫn tới việc sáp nhập khó thành công.

Bình luận về việc Ngân hàng Nhà nước quốc hữu hóa ngân hàng Xây dựng hồi đầu năm 2015, ông Keith nói: “Quyết định của Ngân hàng Nhà nước trong việc quốc hữu hóa một số ngân hàng yếu kém là phù hợp với Việt Nam, vì đặc thù của Việt Nam là tiền gửi của người dân vào ngân hàng lớn, nhưng niềm tin với hệ thống ngân hàng lại không cao. Nếu cho ngân hàng phá sản thời điểm này thì niềm tin của người dân vào ngân hàng càng giảm sút. Bởi vậy, theo tôi, bước quốc hữu hóa ngân hàng là đúng đắn.

Tuy nhiên, việc làm này chỉ nên thực hiện trong thời gian đầu, sau khi hệ thống ngân hàng đi vào ổn định thì phải siết lại”.

 Nguyễn Hiền


Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”