1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Thị trường tiêu dùng sau tết khởi động chậm

Sau tết, giá cả một số loại thực phẩm tại Hà Nội tăng khá mạnh, nhất là các loại rau, cá nước ngọt, thịt lợn… Tuy nhiên, thị trường dường như vẫn chưa lấy lại sự sôi động khi khá thưa vắng cả người mua lẫn người bán.

Giá chợ tăng

Khảo sát qua một số chợ trên địa bàn Hà Nội cho thấy, không chỉ có khu vực nội thành, mà cả khu vực ngoại thành các loại thực phẩm đều tăng giá.
 
Thị trường tiêu dùng sau tết khởi động chậm  - 1
Để giữ ổn định giá sau Tết, các siêu thị giữ nguyên giá bán
để thu hút khách hàng.

Trong đó các loại cá nước ngọt đều tăng khoảng 15 - 20 nghìn đồng/kg. Chẳng hạn như cá chép tại nhiều chợ ngoại thành, trước tết có giá bán khoảng 30 - 35 nghìn đồng/kg, thì hôm qua lên đến hơn 50 nghìn đồng.

Cùng với cá, thịt lợn cũng tăng giá mạnh: 1kg thịt thăn có giá bán khoảng 100 nghìn đồng, tăng 20 - 25 nghìn đồng so với những ngày áp Tết. Các loại rau cũng tăng 2 - 3 nghìn đồng 1 mớ so với trước tết, như: rau cần, rau muống có giá bán 4 - 5 nghìn đồng/mớ…

Theo các bà, các chị nội trợ, sở dĩ giá cả một số loại thực phẩm, nhất là các loại rau, cá sau mấy ngày tết có xu hướng tăng mạnh là do nhiều tiểu thương chưa bán hàng trở lại, trong khi sau mấy ngày tết, hầu hết các gia đình đều đã ăn quá nhiều thịt gà, bò nên muốn đổi món để thay đổi khẩu vị, nhất là rau xanh, cá nước ngọt, bởi vậy cung không đủ cầu. Cũng theo nhiều người nội trợ, không loại trừ khả năng nhiều tiểu thương lợi dụng ép giá để kiếm lời.

Siêu thị giữ khách

Mở cửa sớm nhất trong số các siêu thị tại Hà Nội là hệ thống siêu thị của Hapro Mart. Hệ thống các siêu thị Hapro Mart vẫn duy trì nguồn hàng phong phú, đủ cả từ nhóm hàng tiêu dùng, đồ uống đến thực phẩm... Đặc biệt, giá của tất cả các nhóm hàng vẫn được giữ ổn định như trước tết.

Mở cửa từ mồng 4 tết, siêu thị Unimart cũng đã tăng cường nhóm hàng thực phẩm để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của bà con. Ông Lê Ngọc Dũng, Phó Giám đốc siêu thị khẳng định: "Giá thực phẩm, rau củ của siêu thị những ngày sau tết rẻ hơn thị trường tự do. Riêng nhóm hàng hải sản có tăng giá đôi chút so với ngày bình thường do nguồn cung không dồi dào trong khi sức tiêu dùng tăng".

Để giữ giá dịp sau tết ổn định, thậm chí còn rẻ hơn từ 10-20% so với thị trường tự do, các siêu thị phải kiên trì đàm phán với các nhà cung cấp, nhưng sức tiêu dùng năm nay không mạnh.

Giới kinh doanh thương mại dự đoán, thị trường tự do chỉ tăng giá vài ngày sau tết do nhu cầu làm cơm hóa vàng, liên hoan… nhưng sau đầu tuần tới (tức là từ mồng 9 - 10 tết) khi nguồn hàng thực phẩm, rau củ… từ các địa phương cung cấp cho thị trường Hà Nội trở lại bình thường, giá cả sẽ sớm ổn định trở lại chứ không tăng mạnh như mọi năm.

Để giữ ổn định giá sau Tết, các siêu thị giữ nguyên giá bán để thu hút khách hàng.

Dịch vụ tranh thủ "chém"

Thời tiết Hà Nội những ngày sau tết vẫn còn rét buốt, nhiều gia đình chọn taxi để đi lại chúc tết, lễ chùa nên dịch vụ taxi tương đối đắt hàng. Hầu hết các hãng taxi đều "mở hàng" trong ngày đầu năm, nhiều hãng còn tăng cường thêm xe nhưng tình trạng "cháy" xe vẫn diễn ra.

Đắt hàng không kém là các hàng ăn uống đường phố phục vụ thực khách các món bình dân như bún riêu, bún ốc, bánh cuốn…

Trong khi các hàng ăn uống đường phố mở hàng từ rất sớm, thậm chí từ mồng 1 tết thì nhiều nhà hàng tại Hà Nội lại nghỉ tết khá dài. Nhiều đấng mày râu tìm đỏ mắt cũng không thấy quán nhậu vì các địa điểm có tiếng với không gian rộng như Hải Xồm, Lan Chín… cho đến mồng 4 tết vẫn đóng cửa im ỉm.

Phần vì nhu cầu của người dân tăng, phần vì ăn theo tết nên giá cả của các loại hình dịch vụ tăng chóng mặt. Bún ốc, bún riêu, những món ăn bình dân thường ngày chỉ từ 10.000 - 15.000 đồng/bát thì dịp sau tết tăng gấp đôi, từ 20.000 - 25.000 đồng/bát, nộm bò khô từ 10.000 đồng tăng lên 20.000 đồng/bát…

Nhưng "chặt chém" mạnh tay nhất là các điểm dịch vụ trông giữ xe tự phát. Giá gửi xe máy theo quy định của thành phố là 2.000 đồng/lần nhưng chẳng mấy điểm trông giữ xe thu tiền theo quy định.

Giá gửi xe tại các đền, chùa, trung tâm thương mại, điểm vui chơi giải trí trung bình từ 5.000 đến 10.000 đồng, có những nơi còn "hét" giá tới 20.000 đồng cho một lần gửi xe máy…

Anh Nguyễn Văn Mạnh bức xúc: Tôi gửi xe máy để đi lễ tại phủ Tây Hồ vào mùng 2 tết phải trả tiền 10.000 đồng, trong khi đó, giá ghi trên vé thì chỉ có 2.000 đồng.

Đây không phải là năm đầu tiên xảy ra tình trạng này, mà năm nào cũng vậy, cứ sau tết là giá cả một số loại thực phẩm, dịch vụ đều có xu hướng tăng mạnh. Dự báo, có thể việc tăng giá thực phẩm trên địa bàn Hà Nội còn kéo dài qua rằm tháng Giêng.

Theo Hà Nội mới/TTXVN