1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Thị trường ngoại tệ có biểu hiện căng thẳng trở lại

(Dân trí) - “Khoảng 3 tuần nay, thị trường ngoại tệ có biểu hiện căng thẳng trở lại, nhu cầu mua ngoại tệ vượt khả năng có ngoại tệ để bán của các ngân hàng thương mại. Doanh nghiệp rất khó khăn để mua được ngoại tệ và phải mua với mức tỷ giá cao hơn mức trần”.

Thị trường ngoại tệ có biểu hiện căng thẳng trở lại - 1
Tâm lý găm giữ USD xuất phát từ lo ngại VND mất giá (ảnh: N Hiền).
 
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã cho biết như vậy về diễn biến trên thị trường ngoại tệ hiện nay.
 
Theo phó thống đốc, NHNN luôn theo dõi sát mọi diễn biến trên thị trường ngoại tệ trong và ngoài nước. Thị trường ngoại tệ có biểu hiện căng thẳng trở lại; chỉ sau gần một tháng NHNN mở rộng biên độ giao dịch từ +/- 3%, lên +/- 5%, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã phải niêm yết tỷ giá mua vào lẫn bán ra ở mức tỷ giá trần.
 
Đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng căng thẳng về ngoại tệ trong thời gian gần đây, khi Việt Nam xuất siêu sau nhiều năm nhập siêu, cán cân thương mại và cán cân vãng lai đều thặng dư?
 
Số liệu thống kê cho thấy, quý I/2009 kim ngạch xuất khẩu đạt 14,14 tỷ USD (theo giá FOB) tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2008; kim ngạch nhập khẩu đạt 11,81 tỷ USD, giảm 41,3% so với cùng kỳ năm 2008.
 
Do vậy, cán cân thương mại thặng dư 2,32 tỷ USD trong khi cùng kỳ năm 2008 thâm hụt 6,95 tỷ USD. Cán cân vãng lai quý I/2009 thặng dư ở mức 2,6 tỷ USD, ngược hẳn với mức thâm hụt 6,1 tỷ USD của cùng kỳ năm 2008. Nếu đứng trên phương diện phân tích vĩ mô một số cân đối lớn của cán cân thanh toán thì tình hình được cải thiện hơn rất nhiều so với quý I/2008.
 
Qua phân tích, đánh giá một cách toàn diện, chúng tôi cho rằng những diễn biến gần đây trên thị trường ngoại hối trong nước có một số nguyên nhân chủ yếu sau đây:
 
Yếu tố tâm lý: Doanh nghiệp và người dân đều nhận thức sâu sắc rằng, năm 2009 nền kinh tế nước ta vẫn tiếp tục phải đương đầu với những khó khăn, thách thức của cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu.
 
Xuất khẩu, đầu tư nước ngoài cả trực tiếp lẫn gián tiếp, kiều hối, du lịch, khả năng vay vốn nước ngoài… hay nói một cách khác các nguồn cung ngoại tệ cho nền kinh tế đều giảm sút và thậm chí một số lĩnh vực còn giảm sút rất mạnh. Từ suy nghĩ đó đã tạo ra tâm lý lo ngại sự mất giá mạnh của VND dẫn đến găm giữ ngoại tệ.
 
Theo số liệu thống kê của NHNN, số dư tiền gửi ngoại tệ của các tổ chức kinh tế tăng liên tục trong suốt 4 tháng đầu năm 2009. Tiền gửi ngoại tệ của cả nền kinh tế tăng 3,35%. Đây là hiện tượng không bình thường.
 
Hàng năm, số dư tiền gửi của tổ chức kinh tế lên xuống khá mạnh theo chu kỳ xuất, nhập khẩu, tạo ra sự lưu thông của nguồn ngoại tệ nhằm tự điều tiết cung - cầu ngoại tệ trên thị trường. Bốn tháng đầu năm nay số ngoại tệ này hầu như đóng băng.
 
Thị trường ngoại tệ có biểu hiện căng thẳng trở lại - 2

Phó thống đốc Nguyễn Văn Bình.

Bên cạnh đó, hoạt động đầu cơ trên thị trường chợ đen cũng thừa cơ trỗi dậy. Nắm được tâm lý của doanh nghiệp và người dân, giới đầu cơ chủ động đưa ra các tin đồn thất thiệt, thậm chí còn tự tạo ra các đợt sóng trên thị trường ngoại tệ để mua bán kiếm lời với thủ đoạn ngày càng tinh vi.
 
Yếu tố khách quan: Từ cuối năm 2008 đến nay, Chính phủ đã đưa ra các gói gồm nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm hạn chế đến mức tối đa các tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu, duy trì tăng trưởng hợp lý, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội; trong đó có nhóm giải pháp hỗ trợ 4% lãi suất vay vốn ngân hàng bằng VND cho cả ba kỳ hạn: ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
 
Những chỉ số kinh tế vĩ mô của quý I và 4 tháng đầu năm 2009, cũng như tốcđộ tăng trưởng tín dụng tăng đều qua các tháng là minh chứng cho sự đúng đắn và kịp thời của các giải pháp nêu trên, được dư luận xã hội đánh giá rất tích cực.
 
Tuy nhiên, cũng có một thực tế là khi ta tiến hành hỗ trợ lãi suất vay VND 4% đã đưa mặt bằng lãi suất vay VND thực tế của các doanh nghiệp và dân cư xuống 5% - 6% (trong một số trường hợp còn thấp hơn). Mặt bằng lãi suất này bằng mặt bằng lãi suất cho vay ngoại tệ hiện hành của hệ thống NHTM.
 
Điều này vô hình chung đã khuyến khích các doanh nghiệp có nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tiến hành vay vốn bằng VND để mua ngoại tệ của các NHTM thay vì vay vốn bằng ngoại tệ (hiệu quả kinh tế như nhau lại không bị rủi ro về biến động tỷ giá).
 
Thậm chí nhiều doanh nghiệp đang có số dư vay vốn ngân hàng bằng ngoại tệ cũng tìm mọi cách vay VND mua ngoại tệ để trả nợ trước hạn vốn vay ngoại tệ cho ngân hàng.
 
Số liệu thống kê cho thấy 4 tháng đầu năm 2009 tăng trưởng tín dụng nói chung của cả nền kinh tế là 11,6%, trong khi đó tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ lại giảm 2,5%. Thực tế này đã làm tăng đột biến nhu cầu mua ngoại tệ trong nền kinh tế thay vì nhu cầu đó được giải quyết hài hòa qua các kỳ hạn khác nhau trong cả năm, thậm chí cho cả các năm tiếp theo.
 
Như đã nói ở trên, tiền gửi ngoại tệ trong hệ thống NH vẫn tiếp tục tăng lên, trong khi tín dụng bằng ngoại tệ lại giảm, dẫn đến tình trạng hệ thống ngân hàng “thừa” ngoại tệ để cho vay nhưng lại thiếu ngoại tệ để bán cho doanh nghiệp.
 
Ngoài ra, cũng còn phải kể đến một hiện tượng rất phổ biến là hiện nay nhiều doanh nghiệp và người dân có nguồn thu ngoại tệ, thay vì trước đây để phục vụ cho sản xuất kinh doanh trong nước của mình họ bán ngoại tệ cho hệ thống NHTM lấy VND, thì nay dùng ngoại tệ để thế chấp vay VND.
 
Theo tính toán gửi ngoại tệ tại ngân hàng để lấy lãi suất 2% đến 3%, vay VND sau hỗ trợ phải trả từ 5% đến 6%, thì thực tế phải trả lãi vốn vay ngân hàng ở mức 2% - 3%. Do vậy, theo tính toán của họ đi vay ngân hàng không những không phải trả lãi mà còn được hưởng lãi...
 
Có thể nói rằng, nguyên nhân dẫn đến sự căng thẳng trên thị trường tiền tệ đã được NHNN xác định rõ, vậy đâu là giải pháp trong thời gian tới, thưa thống đốc?
 
Trong y học, khi đã xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh thì sẽ có biện pháp điều trị phù hợp. Tuy nhiên, để giải pháp điều trị đạt kết quả như mong muốn rất cần đến sự hợp tác về mọi mặt của người bệnh.
 
Nói một cách khác, để các giải pháp của NHNN phát huy được tác dụng, bình ổn được thị trường ngoại hối trong nước, chúng ta rất cần đến sự hợp tác, sự đồng thuận của doanh nghiệp và người dân.
 
Căn cứ vào các nguyên nhân nêu trên, chúng tôi xác định phải tiến hành đồng bộ theo 3 nhóm giải pháp chính là: Thông tin tuyên truyền; Sử dụng các công cụ kinh tế và chấn chỉnh thị trường, chống đầu cơ.
 
Về nhóm giải pháp thông tin, tuyên truyền, NHNN sẽ kịp thời cung cấp một cách công khai, minh bạch các thông tin cần thiết để giúp doanh nghiệp và người dân hiểu đúng, hiểu đầy đủ bản chất của mọi diễn biến trong nền kinh tế nói chung và thị trường ngoại tệ nói riêng và trên cơ sở đó có ứng xử phù hợp.
 
Với nhóm sử dụng các công cụ kinh tế, hiện NHNN tiến hành hoán đổi ngoại tệ trên quy mô lớn với các NHTM. Đây là biện pháp tạo thêm nguồn vốn VND để các NHTM cấp tín dụng cho nền kinh tế theo các chương trình hỗ trợ của Chính phủ, giải quyết bài toán “thừa” ngoại tệ để cho vay của các NHTM.
 
Nhằm chống đầu cơ, trong hệ thống ngân hàng, NHNN cũng có nhiều biện pháp nghiệp vụ kể cả tiến hành thanh tra tại chỗ hoạt động mua bán ngoại tệ của các NHTM, xử lý nghiêm khắc các hành vi cố tình mua bán ngoại tệ vượt trần qui định...
 
Xin cám ơn phó Thống đốc!
 
Nguyễn Hiền