1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tăng lương: Vẫn còn những lo âu!

(Dân trí) - Nhiều người lo ngại “kịch bản” tăng lương sẽ lại bị "khớp" trước diễn biến giá cả thị trường. Hiện những doanh nghiệp gặp khó khăn đang tìm cách “hóa giải” quyết định của Chính phủ.

Tăng lương: Vẫn còn những lo âu! - 1
Giá cả thị trường thường tăng mạnh sau mỗi đợt rục rịch tăng lương (ảnh minh họa).
 
Lo âu đến trước
 
Kể từ khi có thông tin từ 1/5 mức lương tối thiểu sẽ tăng 20%, chị Nga và nhiều đồng nghiệp ở Nhà máy dệt 8/3 tỏ vẻ lo lắng nhiều hơn là vui mừng. Họ lo ngại lại xảy ra tình cảnh đồng lương “lẽo đẽo” chạy theo giá cả tăng vọt của thị trường. Trên thực tế, đây là “kịch bản” đã từng diễn ra khi chuẩn bị điều chỉnh lương.
 
Cùng chung tâm trạng, hai vợ chồng bà Vũ Thị Quyến là giáo viên nghỉ hưu (ở tập thể Đại học Hà Nội - Thanh Xuân) cho rằng, đáng lẽ lương hưu cũng nên tăng ở mức 15 - 20% là phù hợp, chứ không nên ở mức 5% như hiện nay!
 
Về vấn đề này Bộ trưởng Lao động Thương binh xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Chính sách tăng lương từ 540.000 lên 650.000 (dành cho cán bộ công nhân viên chức làm việc trong khối doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước) nhằm bù đắp tỷ lệ trượt giá diễn ra từ năm 2008.
 
Có khoảng 4 triệu người được hưởng mức lương mới này, tuy nhiên so với 46 triệu người lao động Việt Nam còn lại không hưởng chế độ lương khối hành chính, sự nghiệp, thì vấn đề tăng lương cơ bản không ảnh hưởng đến giá cả thị trường.
 
Đối với khối nhận lương nghỉ hưu, sở dĩ mức tăng lương lần này chỉ điều chỉnh 5% là do 8 tháng trước Chính phủ đã tăng trước ở khối này 15%. Như vậy, đến cùng thời điểm này cả người nhận lương hưu và người nhận lương làm việc cùng được tăng 20%.
 
Bà Ngân cũng cho hay, việc điều chỉnh lương cơ bản nằm trong lộ trình dự kiến của Chính phủ nên đã được chuẩn bị chu đáo về nguồn ngân sách.
 
Theo ông Phạm Minh Huân, Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương (Bộ LĐ-TB-XH), trong thời điểm khó khăn như hiện nay, mức tăng 20% lương tối thiểu có ý nghĩa rất lớn đối với công tác bảo đảm an sinh xã hội, ổn định cuộc sống cho người lao động. Chính sách này cũng có thể coi là việc thực hiện kích cầu của Chính phủ.
 
Tăng khoản này thì giảm khoản kia?!
 
BS Trần Quốc Việt, Phó Giám đốc BV Phụ sản TW cho biết, việc tăng theo quyết định của Chính phủ không ảnh hưởng nhiều. Bởi viện hiện đang hoạt động tự chủ, tự thu chi nên quỹ lương chi trả sẽ được lấy từ khoản thu viện phí.
 
Như vậy, có thể trong thời gian tới giá dịch vụ khám chữa bệnh có thể tăng để bù đắp cho quỹ lương. Đây cũng là cách làm của nhiều bệnh viện khác đang hoạt động tự chủ tại Hà Nội. Và dĩ nhiên người phải trả thêm tiền chính là bệnh nhân.
 
Ông Việt cũng cho hay, hiện nay cán bộ, nhân viên làm việc tại Viện này nhận mức thu nhập từ các khoản thu nhập khác cao gấp đôi so với lương cơ bản.
 
Không có nguồn thu lớn như BV Phụ sản TW, một doanh nghiệp đóng tại Khu công nghiệp Sài Đồng B bày tỏ: Ảnh hưởng của việc tăng lương tối thiểu sẽ rất lớn. Lương tăng đồng nghĩa với vấn đề chi phí đầu vào, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đội lên.
 
Cán bộ hành chính một doanh nghiệp hoạt động tại Giảng Võ cho biết, do nguồn chi của doanh nghiệp chỉ gói gọn trong một “cục” nên lương cơ bản điều chỉnh tăng thì những phần thu nhập khác (trong đó có phụ cấp) sẽ giảm.
 
P. Thanh