1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Số liệu mới nhất về nợ công bình quân đầu người: 36,71 triệu đồng

Mộc An

(Dân trí) - Báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2021 cho thấy nợ công bình quân đầu người là 36,71 triệu đồng/người. Năm 2020, nợ công là 35,1 triệu đồng/người.

Tại phiên làm việc sáng 24/5, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Tổng kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn báo cáo tóm tắt báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2021.

Nợ công bằng 42,65% GDP

Tổng kiểm toán cho biết, dư nợ công đến 31/12/2021 là hơn 3,61 triệu tỷ đồng (số cụ thể 3.616.484 tỷ đồng) tăng 2,72% so với năm 2020, bằng 42,65% so với GDP.

Nợ công bình quân đầu người là 36,71 triệu đồng/người (năm 2018 là 31,69 triệu đồng/người; năm 2019 là 33,62 triệu đồng/người; năm 2020 là 35,1 triệu đồng/người).

Qua kiểm toán cho thấy trong năm 2021 có 3 khoản vay ngân quỹ Nhà nước của ngân sách Trung ương đến hạn trả nợ nhưng phải gia hạn nợ 198.864 tỷ đồng. Một số chỉ tiêu nợ công phản ánh trên các báo cáo tại Kho bạc Nhà nước và Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) còn chưa thống nhất.

Trong phần chi đầu tư phát triển, Kiểm toán Nhà nước cũng lưu ý tỷ lệ giải ngân vốn ngoài nước bằng 36,53% kế hoạch giao. Trong đó một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân rất thấp, thậm chí không giải ngân; số vốn nước ngoài năm 2021 bị hủy khá lớn (trên 20.000 tỷ đồng vốn ODA các bộ, địa phương đề nghị trả lại), ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn vay.

Ngoài ra, theo báo cáo của Bộ Tài chính, các khoản giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ năm 2019 trở về trước đối với nguồn vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi chưa được hạch toán vào ngân sách Nhà nước là 3.465,904 tỷ đồng.

Số liệu mới nhất về nợ công bình quân đầu người: 36,71 triệu đồng - 1

Tổng kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn (Ảnh: Quốc hội).

Bội chi ngân sách Nhà nước thấp hơn dự toán

Dự toán bội chi ngân sách Nhà nước Quốc hội quyết nghị đầu năm là 343.670 tỷ đồng, bằng 4% GDP. Quyết toán là 214.053 tỷ đồng, bằng 2,52% GDP thực hiện. Số liệu báo cáo cho thấy bội chi ngân sách Trung ương là 211.650 tỷ đồng, giảm 107.220 tỷ đồng (33,6%) so với dự toán (318.870 tỷ đồng), bội chi ngân sách địa phương là 2.403 tỷ đồng, giảm 22.397 tỷ đồng (90,3%) so với dự toán (24.800 tỷ đồng).

Về thu ngân sách Nhà nước, quyết toán hơn 1,59 triệu tỷ đồng, bằng 117,2% (tương ứng vượt 233.327 tỷ đồng) so với dự toán giao. Trong đó thu nội địa vượt 15,9% dự toán giao; thu xuất nhập khẩu vượt 19,7% dự toán giao; thu dầu thô vượt 92,4% dự toán giao. Việc hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, tính thiếu thuế cũng như các khoản thu khác được Kiểm toán Nhà nước phát hiện qua kiểm toán, đối chiếu, từ đó đã kiến nghị tăng thu ngân sách là 4.641,3 tỷ đồng.

Về chi ngân sách, chi đầu tư phát triển quyết toán 540.046 tỷ đồng bằng 112,6% dự toán giao, chiếm 21,8% tổng chi cân đối ngân sách Nhà nước và 31,6% chi ngân sách Nhà nước.

Quyết toán chi thường xuyên là hơn 1,06 triệu tỷ đồng, bằng 101,2% dự toán (tăng 12.141 tỷ đồng), chiếm tỷ trọng 42,72% tổng chi cân đối ngân sách Nhà nước, 62,13% chi ngân sách Nhà nước, cao hơn năm 2020, đảm bảo tỷ trọng bình quân nhưng chưa đảm bảo mức phấn đấu theo định hướng Nghị quyết số 23/2021 của Quốc hội.

Tổng chi chuyển nguồn là 776.351 tỷ đồng, bằng 31,2% tổng chi cân đối ngân sách nhà nước, số chuyển nguồn tiếp tục tăng cao cả về số tương đối và số tuyệt đối so với những năm gần đây.

Với thu, chi viện trợ, Kiểm toán nhà nước cho biết một số đơn vị chưa tổng hợp, báo cáo kịp thời để trình bổ sung dự toán và quyết toán kinh phí viện trợ hàng năm đối với một số khoản kinh phí viện trợ đã tiếp nhận, sử dụng trong năm 2021 và các năm trước.

Nhiều bộ ngành bị nhắc nhở

Trong báo cáo, Kiểm toán Nhà nước có nhắc cụ thể trách nhiệm của các bộ ngành trong thu chi ngân sách Nhà nước.

Cụ thể, đối với thu ngân sách Nhà nước, kết quả chọn mẫu, kiểm toán việc khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp còn tình trạng không đúng quy đinh. Ví dụ như khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp cho các chi nhánh không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh trong khi các công ty mẹ của các chi nhánh này vẫn đang hoạt động hoặc tạm nghỉ kinh doanh có thời hạn là chưa phù hợp quy định (Tổng cục Thuế); khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp cho người nộp thuế vẫn còn đang hoạt động hoặc tạm nghỉ kinh doanh, khoanh nợ tiền thuế nhưng không có thông tin người nộp thếu trên sổ nợ thuế hoặc khoanh cao, thấp hơn số nợ theo dõi trên sổ nợ thuế (Tổng cục Hải quan).

Với chi ngân sách, số liệu tổng hợp nợ đọng xây dựng cơ bản đến hết năm 2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trên hệ thống thông tin giám sát về đầu tư công 4.465 tỷ đồng còn chênh lệch lớn so với số liệu tổng hợp từ kết quả kiểm toán tại 5 bộ, cơ quan Trung ương và 43 địa phương (23.608,9 tỷ đồng).

Về quyết toán ngân sách Nhà nước, Tổng Kiểm toán cho biết một số đơn vị chậm gửi báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách về Bộ Tài chính.

Cá biệt, Bộ Y tế chậm gửi báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2021 đến 3 tháng. Bộ Tài chính chậm thẩm định, thông báo thẩm định quyết toán ngân sách năm 2021, quyết toán theo niên độ vốn đầu tư nguồn ngân sách Trung ương của một số bộ, ngành theo quy định.