1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Sợ cảnh bị “móc túi”, người dân nghỉ lễ tại nhà

Kinh tế khó khăn, giá cả các mặt hàng tăng cao, nhiều gia đình quyết định ở nhà nghỉ lễ để tiết kiệm chi phí.

Tiền đâu mà đi du lịch?

 

Khác với mọi năm, cứ đến dịp Lễ Tết được nghỉ dài ngày, dân công chức lại tất bật lên kế hoạch chuẩn bị cho những chuyến đi du lịch cùng gia đình. Thì năm nay, dường như nhiều người lại ngao ngán: “Nghỉ tới 4 ngày, không biết đi đâu, làm gì cho hết thời gian”.

 

Câu chuyện tưởng chừng như vô lý này lại đang được dân công chức bàn tán rôm rả mấy ngày. Lý do “đi đâu làm gì giờ cũng phải tiêu tiền, thời lạm phát, giá cả tăng, ra đường là như bị “móc túi”, nên ở nhà cho lành”.
 
Sợ cảnh bị “móc túi”, người dân nghỉ lễ tại nhà

 

Vợ chồng chị Mộc Miên đều làm việc trong cơ quan nhà nước, hầu như không có thu nhập gì ngoài lương. May mắn được bố mẹ chồng để lại cho căn nhà ở Pháo Đài Láng (Đống Đa, Hà Nội) nên thu nhập của hai vợ chồng chị cũng đủ trang trải sinh hoạt cho gia đình.
 

Mọi năm, đến ngày nghỉ lễ 30/4, 1/5, vợ chồng chị thường tổ chức đi du lịch ở một số nơi gần Hà Nội như Hòa Bình, Vĩnh Phúc… Tất nhiên, để tiết kiệm chi phí, chị Miên thường chuẩn bị đầy đủ thức ăn và nước uống cho cả gia đình, nên chi phí của chuyến đi chỉ mất tiền thuê xe, tiền vé vào cổng các khu vui chơi, giải trí.

 

Năm nào gia đình chị cũng cố tổ chức ít nhất một lần đi chơi như vậy để cả nhà được thư giãn, nghỉ ngơi sau những ngày làm việc vất vả.

 

Thế nhưng năm nay, do giá cả tăng cao, trong khi đồng lương của hai vợ chồng gần như vẫn vậy. Vì thế, chị quyết định cả gia đình sẽ ở nhà nghỉ ngơi thay vì đi đến một khu du lịch nào đó.

 

Chị Miên nhẩm tính, thu nhập của 2 vợ chồng chị chưa đến 6 triệu đồng/tháng, trong khi anh chị phải lo ăn, lo mặc, lo học hành cho con cái và còn chung tay lo việc lớn của 2 bên họ hàng nội ngoại nữa.

 

Đã gần 1 năm nay, hầu như vợ chồng chị không để dành được khoản nào, thậm chí còn chi lạm cả số tiền đã tiết kiệm từ mấy năm trước. Nếu chị quyết tâm tổ chức một chuyến đi nho nhỏ cho gia đình, chi phí ít nhất cũng tầm vài triệu đồng, tức là coi như mất luôn 1 tháng lương của hai vợ chồng.

 

“Chi tiêu cái gì giờ cũng phải đắn đo. Lo cho sinh hoạt gia đình hàng ngày đã khó khăn lắm rồi, lấy tiền đâu để đi du lịch. Cân đong đo đếm mãi, cuối cùng tôi quyết định dịp nghỉ này cả nhà sẽ cùng ở nhà nghỉ ngơi”, chị Miên nói.

 

Sợ bị chặt chém

 

Giống như gia đình chị Miên, do lo sợ chặt chém, nhiều gia đình ở Hà Nội cũng lựa chọn phương án ở nhà cho đỡ tốn kém. 

 

Mới đây, theo công bố của nhiều bến xe, mức tăng giá vé dịp nghỉ lễ năm nay từ 40-60%. Cước vận chuyển tăng cao đã khiến cho nhiều người dân có tâm lý lo sợ, không dám đi đâu xa.

 

Anh Thành, một lái xe ở bến xe Lương Yên (Hà Nội) cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp lễ tết là giá vé tàu xe lại tăng vọt. Năm nay, giá xăng tăng cao nên rất có thể cước vận chuyển sẽ còn đắt đỏ nữa. Các nhà xe lại luôn thống nhất các mức tăng chung, đã tăng thì phải tăng đồng loạt thì mới có hiệu quả".

 

Huy Nam, sinh viên năm thứ nhất Đại học kinh tế quốc dân Hà Nội cho biết, nghỉ lễ 30/4 năm nay lớp Nam định tổ chức một chuyến đi du lịch lên Sa Pa, nhưng chắc phải gác lại do giá vé xe tăng gấp 3 lần so với dự kiến ban đầu.

 

“Sinh viên không có nhiều tiền, nên đi đâu cũng phải tính toán kỹ lưỡng. Một phần vì 30/4 là thời điểm cuối tháng, bạn nào cũng gặp khó khăn về kinh tế, phần khác vì chi phí đi lại tăng cao quá, nên cả lớp đành bó tay, đợi dịp khác đi vậy”, Nam cho biết.

 

Cùng với việc giá cả tăng cao, nhiều người dân lại lo lắng bị chặt chém nên đã chọn giải pháp an toàn là ở nhà nghỉ ngơi thay vì xách ba lô về quê, đi chơi, đi du lịch.

 

Theo Ngọc Vy

VTC News