1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

SHB hậu sáp nhập đã thu hồi gần 500 tỷ đồng nợ xấu

Một tháng sau cuộc “hôn nhân” với Habubank, đến 28/9, tổng tài sản của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) tăng 3,6%. Đặc biệt, SHB đã thu hồi 448 tỷ đồng nợ xấu tại các đơn vị trước đây của Habubank.

Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cập nhật về các chỉ tiêu tài chính một tháng sau khi nhận sáp nhập Habubank, tổng tài sản của ngân hàng tăng 3,6%, tổng nguồn vốn huy động tăng 3,9% và dư nợ cho vay tăng 1,2% so với số liệu hợp nhất tại thời điểm sáp nhập.

Tính lũy kế từ thời điểm sáp nhập 28/8 - 28/9/2012, số lượng khách hàng cá nhân tại SHB tăng thêm là 9.611 khách hàng; số lượng khách hàng tổ chức tăng thêm là 182 khách hàng; số lượng tài khoản cá nhân tăng thêm là 115.592 tài khoản và tăng thêm 2.713 tài khoản của các tổ chức kinh tế. Điều này cho thấy hoạt động kinh doanh tại SHB vẫn diễn ra ổn định, các chỉ tiêu tăng trường tốt. Nhờ vào bề dày lịch sử của SHB và uy tín trên thị trường cùng với các công tác tư tưởng từ phía Ngân hàng Nhà nước, các khách hàng - kể cả khách hàng từ Habubank - vẫn tin tưởng và duy trì gửi tiền tại SHB.

Vấn đề thu hút sự quan tâm trong thương vụ sáp nhập giữa SHB và Habubank là tiến độ xử lý thu hồi nợ xấu. Đây cũng là vấn đề “nóng” mà các cổ đông, nhà đầu tư đặc biệt quan tâm khi đề án sáp nhập được đưa ra lấy ý kiến tại Đại hội đồng cổ đông của cả hai ngân hàng. Từ thời điểm 28/8/2012 đến 28/9/2012, SHB đã thu hồi được 448 tỷ đồng nợ xấu tại các đơn vị của Habubank cũ. Với việc phân loại các nhóm nợ và tiến hành trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ cộng với việc đẩy mạnh công tác thu hồi nợ, mục tiêu đưa nợ xấu đến cuối năm 2012 của các đơn vị thuộc Habubank cũ xuống dưới 10%, nợ xấu của toàn hệ thống SHB xuống dưới 5% là có khả thi.

Người dân gửi tiền tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB).
Người dân gửi tiền tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB).

Nhìn lại quá trình sáp nhập Habubank vào SHB có thể thấy rõ sự khác biệt với việc hợp nhất 3 ngân hàng đã diễn ra trước đó vài tháng và vì quyền lợi của nhiều bên. Trước hết, SHB và Habubank là hai ngân hàng đã niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, nên với Habubank, lựa chọn sáp nhập là giải pháp tối ưu vì lợi ích của các cổ đông, các nhà đầu tư, các khách hàng và cả cán bộ nhân viên.

Qua đó, quy mô của SHB tăng lên, mạng lưới chi nhánh được mở rộng nhưng ngân hàng không phải bỏ thêm chi phí do đây không phải là chuyện “SHB mua lại HBB”. Mỗi cổ đông SHB được nhận thêm 21% cổ phiếu thưởng - chính là cổ tức cho năm 2012 - một tỷ lệ khá cao. Ngược lại, cổ đông Habubank cũng nhận được 0,75 cổ phiếu SHB khi hoán đổi và đây là con số được đánh giá là hấp dẫn trong lúc thị trường chứng khoán diễn biến không mấy khả quan. Về phía Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ, do đây là hai trường hợp sáp nhập tự nguyện nên Nhà nước không phải chi phí tài chính để tái cấu trúc các ngân hàng.

SHB và Habubank đến với nhau hoàn toàn tự nguyện trên cơ sở tìm hiểu về lợi thế mà mỗi bên có nên những xung đột về lợi ích riêng đã không xảy ra. Đây cũng là ý kiến mà ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đưa ra khi đánh giá về thương vụ này. Theo ông Kiêm: “Vấn đề bây giờ SHB phải có kế hoạch cụ thể xử lý những tồn tại của Habubank và công khai kế hoạch đó. Sau đó là xây dựng một chiến lược kinh doanh mới dựa trên công nghệ hiện đại, nhân sự tinh thông nghiệp vụ và quản trị rủi ro chặt chẽ trên toàn hệ thống”.

Thùy Nhung