1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Sếp doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc bị tố ưu ái công ty “bồ nhí”

(Dân trí) - China Resources, một doanh nghiệp quốc doanh “cỡ bự” của Trung Quốc, bị nghi đã trao nhiều thương vụ béo bở cho các công ty nơi “bồ nhí” của Chủ tịch tập đoàn này làm việc. Chủ tịch China Resources bị bắt hồi tuần trước trong một vụ điều tra chống tham nhũng.

Chủ tịch China Resources, ông Song Lin, đã bị bắt vào tuần trước - Ảnh: Getty.
Chủ tịch China Resources, ông Song Lin (Tống Lâm), đã bị bắt vào tuần trước - Ảnh: Getty.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* Doanh nghiệp gạo đã ế còn bị cấm xuất khẩu

* NHNN yêu cầu triển khai sản phẩm tín dụng liên kết 4 nhà

* Nỗi đau “ba không” về đất đai

* Nhật chi 10 triệu USD xây công ty hóa chất tại Đồng Nai

Theo tờ Financial Times, từ năm 2009-2012, ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sỹ là một trong những nhà tư vấn được chọn nhiều nhất cho các thương vụ mua lại và các hoạt động trên thị trường vốn của Tập đoàn Tài nguyên Trung Quốc (China Resources) cũng như các công ty con của tập đoàn này. Khoảng thời gian trên cũng chính là thời kỳ mà một phụ nữ có tên là Yang Lijuan - còn được gọi là Helen Yang và bị nghi là “bồ nhí” của Chủ tịch China Resources Song Lin - làm việc tại Credit Suisse.

Điều đáng nói là, kể từ khi cô Yang rời khỏi Credit Suisse và chuyển sang làm việc cho một ngân hàng Thụy Sỹ khác là UBS vào năm 2012, Credit Suisse không còn là nhà tư vấn cho bất kỳ một thương vụ nào của China Resources - theo dữ liệu của Dealogic, một công ty chuyên nghiên cứu về các thương vụ mua bán và sáp nhập.

Tương tự, trước khi cô Yang gia nhập UBS vào năm 2012, China Resources chỉ thuê ngân hàng này tư vấn về một vụ phát hành cổ phiếu nhỏ vào năm 2004, một vụ mua lại nhỏ vào năm 2010 và một vụ bán trái phiếu vào năm 2011.

Ngược lại, trong 2 năm kể từ khi cô Yang tới UBS làm việc, ngân hàng này được China Resources thuê bảo lãnh phát hành trong hai vụ phát hành trái phiếu lớn và đóng vai trò nhà tư vấn chính trong hai vụ mua lại lớn nhất từ trước tới nay của China Resources - công ty có 400.000 nhân viên và tài sản hơn 120 tỷ USD.

Tổng giá trị của ba thương vụ của China Resources mà UBS tư vấn trước khi cô Yang làm việc cho ngân hàng này đạt chưa đầy 850 triệu USD. Trong khi đó, các thương vụ mà UBS được chọn để tư vấn cho China Resources sau khi Yang làm việc cho ngân hàng này có tổng trị giá lên tới hơn 7,7 tỷ USD. Với giá trị thương vụ lớn như vậy, chắc chắn UBS được nhận từ China Resources những khoản phí béo bở.

Vào tuần trước, Chủ tịch Song của China Resources đã bị bắt giữ. Giới chức chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố, ông Song đang bị điều tra vì “bị tình nghi vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng và pháp luật”.

Vụ bắt giữ ông Song diễn ra vài ngày sau khi một nhà báo của Tân Hoa Xã công khai mối nghi ngờ cho rằng ông này đã sử dụng “bồ nhí” là cô Yang như một kênh để nhận những khoản hối lộ lớn và rửa tiền. Viết trên mạng xã hội Weibo, nhà báo có tên Wang Wenzhi còn nghi ngờ ông Song dùng ảnh hưởng của mình để cô Yang được vào làm việc tại hai ngân hàng Thụy Sỹ Credit Suisse và UBS.

Trước khi bị bắt giữ, ông Song đã phủ nhận tất cả những cáo buộc nói trên bằng một tuyên bố đăng trên website của China Resources. Tuy nhiên, sau vụ bắt giữ, tuyên bố này đã bị gỡ bỏ cùng với hầu như tất cả những thông tin có liên quan tới ông Song trong thời gian gần 3 thập kỷ ông làm việc tại tập đoàn này. Tất cả các thông tin về ông Song cũng đã bị gỡ bỏ khỏi Ủy ban độc lập về chống tham nhũng của Hồng Kông, tổ chức mà ông này là một thành viên.

Nhân viên hiện tại và nhiều người từng làm việc cho UBS nói họ hiện không rõ cô Yang đang ở đâu. Cả Credit Suisse và UBS đều chưa đưa ra bình luận gì về vụ việc này.

Phương Anh
Theo Financial Times

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước