1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Sẽ trình Thủ tướng về lập "siêu ủy ban" vào cuối tháng này

(Dân trí) - Theo ông Phan Đức Hiếu, Viện Phó Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) sẽ chính thức trình Thủ tướng Chính phủ đề án lập "siêu ủy ban" quản lý vốn Nhà nước vào cuối tháng này.

Thông tin trên được ông Hiếu nêu ra tại buổi làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng về việc thực hiện chỉ đạo, kết luận chỉ đạo của Thủ tướng do Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Tổ trưởng tại Bộ KH&ĐT hôm qua (25/8).


Chủ trương xây dựng Nghị định về lập cơ quan chuyên trách quản lý vốn và tài sản Nhà nước tách vai trò sở hữu và quản lý của các Bộ, ngành sẽ được trình lên Thủ tướng vào cuối tháng này

Chủ trương xây dựng Nghị định về lập cơ quan chuyên trách quản lý vốn và tài sản Nhà nước tách vai trò sở hữu và quản lý của các Bộ, ngành sẽ được trình lên Thủ tướng vào cuối tháng này

Theo ông Hiếu, vừa qua Bộ KH&ĐT đưa ra dự thảo Nghị định về thành lập cơ quan chuyên trách có tên là Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp. Quá trình đưa ra dự thảo Nghị định này, Bộ KH&ĐT đã giao cho CIEM làm nhiệm vụ thu thập các ý kiến, quan điểm của các Bộ, ban ngành chức năng. Đến nay trong các bộ, đã có 6 bộ có tiếp nhận ý kiến, song mới có một mình Bộ Nội vụ có ý kiến gửi cho CIEM.

Cũng nói về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nói: "Việc lập ủy ban là việc rất lớn, động chạm đến rất nhiều Bộ, ban ngành và quản khối tài sản lớn của Nhà nước. Chúng tôi đã rất nghiêm túc và cầu thị lắng nghe ý kiến của nhiều Bộ, ngành và chuyên gia"

Nói thêm về điều này, ông Phan Đức Hiếu cho biết: "Phản biện xung quanh vấn đề này rất nhiều, chúng tôi chỉ đạo lấy ý kiến bằng văn bản của các Bộ, ngành hẳn hoi chứ không phải chỉ dựa vào hội thảo họp hành hay phương tiện báo chí nói qua nói lại, không đủ thẩm quyền, căn cứ rồi đến khi các đồng chí có trách nhiệm không cho biết ý kiến, lại lệch lạc vấn đề".

"Chúng tôi yêu cầu họp bàn với các chuyên, học giả và công bố cho dư luận là một vế còn về chính tắc phỉa có văn bản cụ thể. Đến nay, chúng tôi đã gửi xin ý kiến hơn 1 tháng rồi, và chắc đây là vấn đề còn khó và vướng mắc nên các Bộ vẫn chưa trả lời kịp", ông Dũng cho hay.

Việc đưa ra dự thảo Nghị định thành lập cơ quan chuyên trách có tên là Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản Nhà nước tại DNNN mà nhiều người hay là "siêu ủy ban" vào tháng 7/2016 đã gây ra có nhiều ý kiến khác nhau.

Trong đó, nhiều chuyên gia cho hay, việc lập ủy ban phải làm rõ lấy từ mô hình nào phù hợp; hoạt động theo kiểu cơ quan Nhà nước, dồn vốn tất cả vào 1 cơ quan quản lý là không ổn. Quan trọng, khi quản lý tài sản lớn, việc xây dựng kế hoạch giám sát ủy ban này ra sao, nhân sự ở đâu, bộ máy như nào... cũng là câu hỏi lớn đặt ra.

Nhiều học giả trong nước và quốc tế cho hay, việc xây dựng mô hình ủy ban tương tự với Sasac (của Trung Quốc) áp dụng là không nên bởi, mô hình này đang được đánh giá không thành công. Trong khi đó, việc xây dựng cơ quan này theo mô hình quỹ đầu tư như Temasek tương tự như Singapore đang áp dụng.

Tại một hội nghị mới đây, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cho rằng: Chúng ta có đầy đủ hành lang chính sách, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định, Quyết định của Thủ tướng, của Chính phủ như Nghị quyết số 19, Nghị quyết số 35.... Điều quan trọng là có chấp nhận làm hay không. Tên gọi ủy ban, quỹ hay giới báo chí và dư luận đang gọi là siêu ủy ban, siêu bộ là cách hiểu, cách nghĩ của mỗi người. Tuy nhiên, gọi là siêu bộ hay siêu ủy ban là chưa đúng vì chúng tôi không biến cơ quan này thành cơ quan hành chính Nhà nước và quản lý theo kiểu nhà nước như SCIC là thất bại.

Còn nếu coi tài sản 5 triệu tỷ đồng là quá lớn, phải chia các Bộ quản lý như hiện nay thì không ổn và không hiệu quả. Chúng ta phải so sánh với tài sản của các tập đoàn, công ty đa quốc gia và lấy đó là cơ sở so sánh và học cung cách quản lý.

Tại hội thảo với các chuyên gia quốc tế từ Ngân hàng Thế giới (WB) Ts Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh: Việt Nam kêu gọi vốn FDI và vay ODA, vốn viện trợ khác để phát triển, trong khi một nguồn vốn rất dồi dào, rất lớn và chiếm rất nhiều tài sản trong nước lại bỏ qua, không phát huy được đó là vốn Nhà nước nằm ở các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Lâu nay, các DNNN vẫn trực thuộc quản lý của các Bộ chuyên ngành, các Bộ vừa có chức năng chủ sở hữu và cử người làm đại diện phần vốn Nhà nước tại DN, vừa cử người quản lý vốn, điều hành DN.

Bên cạnh đó, các bộ có quyền lực là được xây dựng chính sách, trong đó đặc biệt là xây dựng Thông tư (hiện nay theo quy định của Thủ tướng, các Bộ không được phép làm Thông tư nữa). Do đó, nảy sinh thực tế, Bộ vừa làm luật, vừa có người đứng ra lo quản lý khối tài sản Nhà nước, điều này làm nảy sinh chính sách của Bộ, ngành phục vụ lợi ích cục bộ cho DN thuộc ngành đó, không có lợi cho thị trường, thậm chí méo mó thị trường, dẫn đến khu vực DNNN nhiều nơi phát triển quy mô lớn nhưng hiệu quả kém và hiệu suất đầu tư (ICOR) cao gấp từ 3 - 4 lần so với khu vực tư nhân mà không tạo được hiệu ứng lan tỏa và giá trị gia tăng.

Nguyễn Tuyền