1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Sẽ ngừng sản xuất sản phẩm điện không đạt chuẩn

(Dân trí) - Từ năm 2014, những sản phẩm điện nào có kết quả kiểm định không đạt chuẩn tiết kiệm năng lượng (TKNL), không được dán nhãn xác nhận TKNL sẽ phải ngừng sản xuất, lưu thông.

Từ khuyến khích đến bắt buộc

Ngày 17/8, tại hội thảo Dán nhãn năng lượng trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ông Đặng Hải Dũng, Phó trưởng phòng Tiêu chuẩn chất lượng, Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết: “Từ năm 2006, Bộ khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất thiết bị điện dán nhãn năng lượng cho sản phẩm (công bố hiệu suất sử dụng điện năng trên sản phẩm). Sắp tới, việc này sẽ bắt buộc”.

Sẽ ngừng sản xuất sản phẩm điện không đạt chuẩn - 1
Các sản phẩm điện tiết kiệm năng lượng ngày càng được người dân quan tâm (ảnh: Khách tham quan tại triển lãm Enertec Expo 2011)

Theo ông Dũng, khi quy định bắt buộc dán nhãn năng lượng có hiệu lực, tất cả các sản phẩm điện gia dụng, văn phòng, thương mại và thiết bị công nghiệp sử dụng điện đều phải có nhãn này khi lưu thông trên thị trường để người dân tham khảo và lựa chọn.

Sau đó, Bộ sẽ áp dụng mức chuẩn TKNL, tức là mức hiệu suất sử dụng năng lượng thấp nhất mà thiết bị phải đạt được. Nếu thiết bị nào không đạt được mức chuẩn này thì buộc phải ngừng sản xuất, lưu thông trên thị trường.

Ông Đặng Hải Dũng cho biết: “Hiện Bộ Công thương đã lập dự thảo cuối cùng về lộ trình dán nhãn năng lượng, đang trình Chính phủ thông qua”.

Theo dự thảo trên, nhóm thiết bị gia dụng (đèn điện, máy điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, máy giặt, nồi cơm điện, quạt điện, máy thu hình…) sẽ bắt buộc dán nhãn năng lượng từ năm 2013, mức chuẩn TKNL sẽ áp dụng từ năm 2014; nhóm thiết bị công nghiệp (máy biến áp, động cơ điện) sẽ bắt buộc dán nhãn năng lượng từ năm 2013, mức chuẩn TKNL sẽ áp dụng từ năm 2015; nhóm thiết bị văn phòng và thương mại (máy photocopy, màn hình máy tính, máy in…) sẽ bắt buộc dán nhãn năng lượng từ năm 2014, mức chuẩn TKNL sẽ áp dụng từ năm 2015.

Ông Dũng cho biết thêm: “Nhóm phương tiện giao thông cũng được đưa vào dự thảo này và bắt buộc phải dán nhãn năng lượng từ năm 2015. Chúng tôi đang làm việc với Bộ Giao thông Vận tải để đưa ra mức chuẩn hiệu suất năng lượng cho nhóm này, tiến tới kiểm định xem sản phẩm nào đạt chuẩn mới cho sản xuất, lưu thông”.

Gắn sao cho sản phẩm điện

Cũng tại hội thảo này, ông Lương Văn Phan, Phó viện trưởng Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam cho biết: “Sau khi giai đoạn dán nhãn năng lượng xác nhận cho các sản phẩm đạt chuẩn, Bộ Công thương sẽ tiến tới việc dán nhãn so sánh”.

Theo ông Phan, nhãn so sánh là một dạng nhãn năng lượng được sử dụng để dán cho các sản phẩm có hiệu suất năng lượng tương ứng với các cấp 1, 2, 3, 4, 5 theo tiêu chuẩn quốc gia, thể hiện bằng số ngôi sao trên nhãn. Cấp 5 là cấp có hiệu suất năng lượng cao nhất, tốt nhất (ứng với nhãn 5 sao).

Sẽ ngừng sản xuất sản phẩm điện không đạt chuẩn - 2

Mẫu nhãn xác nhận TKNL và mẫu nhãn so sánh

Việc kiểm định hiệu suất năng lượng cho từng sản phẩm phải thực hiện tại các cơ sở thí nghiệm uy tín do Bộ Công thương chỉ định. Sau khi có kết quả kiểm định đạt chuẩn, các sản phẩm trên mới được cấp phép dán nhãn năng lượng.

Việc dán nhãn trên sẽ giúp người tiêu dùng nhận biết, phân biệt được sản phẩm nào TKNL nhất, tạo nên thị trường cạnh tranh về phương diện sử dụng năng lượng, khuyến khích sản xuất và sử dụng hàng hóa có hiệu suất năng lượng cao.

Ông Lương Văn Phan cho rằng: “Tiết kiệm điện không có nghĩa là hạn chế dùng các thiết bị điện. Theo tôi, tiết kiệm là chúng ta thỏa mản được nhu cầu của mình với chi phí năng lượng thấp nhất. Có nghĩa là sử dụng sản phẩm có hiệu suất năng lượng càng cao thì càng tiết kiệm. Nếu cùng tính năng, giá thành mà sản phẩm nào TKNL hơn tất nhiên sẽ được người tiêu dùng lựa chọn”.

Tùng Nguyên