1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Sẽ mở rộng đối tượng bảo lãnh tín dụng

(Dân trí) - Bộ Tài chính đang xây dựng văn bản mới nhằm thay thế quy chế bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn của ngân hàng thương mại, theo đó, đối tượng được bảo lãnh sẽ rộng hơn nhưng điều kiện bảo lãnh lại cao hơn.

Theo Quyết định 14/2009/QĐ - TTg, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) có nghĩa vụ thực hiện bảo lãnh cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có vốn điều lệ tối đa 20 tỷ đồng hoặc sử dụng tối đa 1.000 lao động vay vốn của NHTM để thực hiện dự án đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh (vay vốn đầu tư tài sản cố định) và phương án sản xuất - kinh doanh (vay vốn lưu động).
 
Để được VDB bảo lãnh, doanh nghiệp chỉ cần chứng minh dự án đầu tư hoặc phương án sản xuất - kinh doanh hiệu quả; không có nợ quá hạn tại các tổ chức tín dụng (TCTD), không có nợ đọng thuế…
 
Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp có nợ quá hạn tại các TCTD hoặc nợ đọng thuế, nhưng có dự án đầu tư, phương án sản xuất - kinh doanh và cam kết trả được nợ quá hạn thì vẫn được VDB bảo lãnh vay vốn.
 
Còn hiện tại, Bộ Tài chính đang xây dựng văn bản mới nhằm thay thế Quyết định số 14/2009/QĐ-TTg và Quyết định số 60/2009/QĐ-TTg về Quy chế Bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn của ngân hàng thương mại (NHTM).
 
Cơ chế bảo lãnh tín dụng (BLTD) mới của Nhà nước sẽ được sửa theo hướng giảm dần sự hỗ trợ của Nhà nước. BLTD sẽ vận hành theo cơ chế thị trường, tức là cả 3 bên gồm VDB - NHTM - doanh nghiệp phải có trách nhiệm trong việc chia sẻ rủi ro, cũng như chia sẻ quyền lợi khi tham gia vào nghiệp vụ này.
 
Đồng thời, cơ chế bảo lãnh mới của Nhà nước sẽ xem xét mở rộng đối tượng được BLTD theo đúng tiêu chí phân loại doanh nghiệp: Siêu nhỏ - nhỏ - vừa được quy định cụ thể tại Nghị định 56/2009/NĐ - CP. Tuy nhiên, điều kiện để được bảo lãnh sẽ nâng lên theo nguyên tắc chỉ bảo lãnh cho các dự án, phương án sản xuất - kinh doanh có hiệu quả, có khả năng trả được nợ.
 
An Hạ