1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Sẽ mở rộng điều tra tội phạm chây ì nộp thuế

(Dân trí) - “Sau 4 năm triển khai quy chế phối hợp giữa Tổng cục Cảnh sát và Tổng cục Thuế, tình trạng chiếm đoạt tiền hoàn thuế đã được đẩy lùi một cách căn bản. Thời gian tới, chúng tôi sẽ mở rộng phạm vi phối hợp, đặc biệt là đối với nhóm tội phạm chây ì thực hiện nghĩa vụ thuế”.

Ông Nguyễn Văn Ninh - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thuế (Bộ Tài chính) đã cho biết bên lề của Hội nghị Sơ kết quy chế phối hợp phòng chống tội phạm về lĩnh vực thuế và hải quan.

Chiếm đoạt tiền thuế GTGT đã được đẩy lùi cơ bản

Thành công lớn nhất về sự phối hợp giữa lực lượng Tổng Cục Cảnh sát và Tổng Cục Thuế 4 năm qua là gì, thưa ông?

Có thể nói, sau 4 năm (từ năm 2003 đến nay) triển khai quy chế phối hợp giữa Tổng Cục Cảnh sát và Tổng Cục Thuế, các hành vi tội phạm về thuế đã được đẩy lùi. Có hai loại tội phạm tương đối điển hình là: chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT và lập doanh nghiệp “ma” để mua bán hoá đơn.

Cùng với kiến nghị Nhà nước sửa đổi, bổ sung Luật thuế GTGT, chúng ta đã phát hiện, ngăn chặn, đẩy lùi được một cách căn bản tình trạng lập hồ sơ khai khống hàng xuất khẩu, khai khống thuế GTGT đầu vào để chiếm đoạt tiền hoàn thuế Nhà nước.

Về doanh nghiệp “ma”, chúng ta đã tiến hành khởi tố, điều tra trên 100 vụ và truy thu cho Nhà nước khoảng 100 tỉ đồng. Số thu không phải là lớn nhưng góp phần quan trọng vào việc ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng thành lập doanh nghiệp chỉ để buôn bán hoá đơn.

Ông còn điều gì chưa hài lòng trong quy chế phối hợp hiện nay?

Phối hợp trong thời gian vừa qua, bên cạnh những ưu điểm, những thắng lợi ban đầu, cũng còn nhiều vấn đề chúng ta cần phải vạch ra. Chúng tôi và Tổng cục cảnh sát sẽ mở rộng thêm phạm vi phối hợp, sắp tới còn một loại tội nữa là chây ì thực hiện nghĩa vụ thuế. Điều này sẽ được bổ sung  trong quy chế trong thời gian tới.

Điều thứ hai là hành vi tội phạm của một số tổ chức cá nhân có thể nói là ngày càng phức tạp và tinh vi. Quy chế sắp tới sẽ sửa đổi theo hướng tăng cường sự phối hợp thường xuyên cả về nhân lực, kinh phí, nghiệp vụ điều tra, chứ không phải chỉ cung cấp thông tin như hiện nay.

Chây ì thuế lên đến 1.500 tỉ đồng

Việc chây ì nộp thuế của các doanh nghiệp đang diễn ra như thế nào? Sẽ có những giải pháp gì để chấm dứt tình trạng này, thưa ông?

Số tiền nợ đọng thuế do các tổ chức và cá nhân chây ì từ 1990 (thời điểm có Luật thuế) đến nay vào khoảng 1.500 tỉ đồng.

Trước đây chúng ta cũng đã phát hiện tình trạng này nhưng do vướng một số khó khăn. Do vậy mới chỉ tập trung vào các hành vi gian lận, trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế chứ chưa đi sâu vào hành vi chây ì nợ thuế.

Đến nay chế tài đã thuận hơn, chúng ta đã có Luật quản lý thuế và coi đó là một tội phạm về thuế. Trong Luật quản lý thuế và quy chế giữa hai Tổng cục sẽ đưa vấn đề này vào. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần có sự phối hợp giữa các cơ quan chính quyền.

Mới đây, Kiểm toán Nhà nước có công bố báo cáo phát hiện hơn 1.000 tỉ đồng nằm ngoài con số của ngành thuế đưa ra. Ông có thể giải thích gì về việc này?

Chúng tôi chưa được cung cấp tài liệu này, do đó chúng tôi sẽ cho kiểm tra và làm việc với Kiểm toán thì mới có thể trả lời được. Hiện nay việc nợ tiền sử dụng đất rất phức tạp.

Trong báo cáo của ngành thuế cũng có nhắc đến tình trạng trốn thuế thu nhập cá nhân. Hiện tượng này như thế nào và các ông sẽ xử lý thế nào?

Trốn thuế thu nhập cá nhân thường xảy ra với những người hành nghề như bác sĩ, ca sĩ, nghệ sĩ, vận động viên và những người làm tự do có thu nhập cao. Hiện việc quản lý  chưa thật tốt là vì môi trường chủ yếu là bằng tiền mặt không qua hệ thống tài khoản để Nhà nước có thể kiểm soát được.

Tới đây, khi xây dựng Luật thuế thu nhập cá nhân thì phải có một loạt các biện pháp chặt chẽ, bởi nếu chỉ dựa trên kê khai thì sẽ có sự kê khai không chính xác. Còn đối tượng ở các cơ quan, tổ chức chi trả thu nhập thì chúng ta làm tốt hơn do áp dụng phương pháp khấu trừ tại nguồn.

Truy cứu trách nhiệm hình sự tội trốn thuế

Ngành Thuế và Bộ Tài chính đang hoàn tất Thông tư về xử lý nợ đọng thuế và cưỡng chế thuế, điểm mới của Thông tư này là gì, thưa ông?

Đó là chúng ta sẽ có một loạt các biện pháp để cưỡng chế như: Phong tỏa tài khoản, rút đăng ký kinh doanh, đình chỉ việc bán hóa đơn, kê biên tài sản và tổ chức bán đấu giá để thu hồi tiền thuế cho Nhà nước.

Ngoài ra còn có một số biện pháp khác để buộc các cá nhân, tổ chức phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Nếu áp dụng các chế tài trên mà người nộp thuế vẫn không thực hiện thì sẽ tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn thuế.

Chính phủ mới có quy định là từ đầu năm 2008 sẽ trả lương cho công chức qua tài khoản, tuy nhiên vẫn còn những khoản thu nhập khác ngoài tài khoản. Vậy ngành Thuế có biện pháp gì để kiểm soát được?

Vấn đề này Chính phủ đang giao cho hệ thống ngân hàng xây dựng chế độ thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam. Chỉ khi nào chúng ta làm được việc này thì chúng ta mới tạo được môi trường quản lý thuế thuận lợi với mỗi cá nhân.

Ngoài ra phải xây dựng hệ thống thông tin từ người nộp thuế đến cơ quan thuế và từ các tổ chức, cá nhân có liên quan. Hiện chúng tôi đang xây dựng hệ thống kết nối thông tin nhiều chiều đối với tất cả các tổ chức cá nhân có liên quan, để có điều kiện và kết luận việc kê khai có đúng không.

Xin cám ơn ông!

An Hạ (ghi)