1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Sẽ điều chỉnh cách tính giá xăng dầu

(Dân trí) - Thời gian qua, do bị lỗ nên các doanh nghiệp buộc phải giảm chiết khấu hoa hồng cho các đại lý, tổng đại lý xuống quá thấp làm ảnh hưởng đến hệ thống phân phối xăng dầu của doanh nghiệp, mất tính ổn định và luôn bị xáo trộn.

Sẽ điều chỉnh cách tính giá xăng dầu

Nghị định 84 còn "gợn" về vấn đề tính giá (ảnh minh họa).
 
Bộ Công thương mới đây đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ xung quanh việc thực hiện Nghị định 84.

Theo đánh giá của Bộ, từ khi Nghị định 84 ra đời vào hiệu lực thi hành thì về cơ bản được thực hiện tốt song vẫn chưa vận hành tốt ở Điều 27 về giá bán xăng dầu nên có một số bất cập.

Theo đó, việc điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trên thị trường đã thay đổi chậm hơn so biến động của giá thế giới, giá bán lẻ thấp hơn giá cơ sở là nguyên nhân gây lỗ tích lũy cho doanh nghiệp.

Khó khăn do bị lỗ nên doanh nghiệp buộc phải giảm chiết khấu hoa hồng cho các đại lý, tổng đại lý xuống quá thấp làm ảnh hưởng đến hệ thống phân phối xăng dầu của doanh nghiệp, mất tính ổn định và luôn bị xáo trộn.

Bản báo cáo cũng nêu rõ, do một số yếu tố cấu thành giá cơ sở lạc hậu, như chi phí định mức được tính toán theo các yếu tố đầu vào từ năm 2009 nay đã tăng lên đáng kể cộng với chi phí tiền lương, nguyên vật liệu, tài chính… khiến giá bán lẻ xăng dầu (được tính toán, điều hành theo giá cơ sở) ngày càng xa cách với giá thế giới.

Đó cũng chính là lý do Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng cho phép các bộ, ngành liên quan có đánh giá toàn diện Nghị định 84 và đề xuất những nội dung cần bổ sung, sửa đổi.
Trong đó, Bộ Tài chính sẽ tiến hành rà soát, điều chỉnh các yếu tố hình thành giá, chi phí bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế.

Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa cho biết, Nghị định 84 có hai vế: Ở vế thứ nhất, nếu tình hình bình thường, trong 10 ngày giá cơ sở tăng đến 7% thì doanh nghiệp được điều chỉnh giá. Nhưng vế thứ 2, trong tình hình giá tăng cao, ảnh hưởng kinh tế xã hội, kiềm chế lạm phát thì Nhà nước sẽ can thiệp bằng chính sách. Như vậy, trước nay Việt Nam vẫn thực hiện theo Nghị định 84 song chưa thật sự trọn vẹn.

Theo ông Thỏa cho hay thì hiện tại, Thủ tướng đang giao cho 2 Bộ Tài chính và Công thương cùng các doanh nghiệp nghiên cứu, sửa đổi, đảm bảo thị trường xăng dầu được cạnh tranh hơn. Các điều kiện sẽ cần được tính toán lại cho phù hợp hơn với thực tiễn.

Về cơ bản, giá thì vẫn kiên định giá thị trường. “Những gì 84 còn “gợn”, đặc biệt là về giá thì sẽ sửa” – lãnh đạo Cục Quản lý giá khẳng định. Sắp tới, Bộ Tài chính sẽ cùng cho ý kiến với Bộ Công thương và hình thành một tổ cùng ngồi lại với nhau đưa ra các bước sửa đổi cụ thể.
 
Tại thời điểm điều chỉnh giá, doanh nghiệp không lỗ

Lý giải cho việc điều chỉnh giá bán lẻ khi giá xăng dầu thế giới bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt, ông Thỏa khẳng định, tại ngày tính toán điều chỉnh – tức ngày 20/4, tất cả các loại xăng dầu thành phẩm đều đã tăng so với 30 ngày trước đó, và không thể coi việc giá giảm chỉ trong vòng vài ngày để làm căn cứ.

Thêm vào đó, theo ông Thỏa còn cần phải xác định rõ cụ thể từng loại xăng dầu, trong trường hợp này là xăng dầu thành phẩm chứ không tính đến dầu thô.

Trên thực tế, trước thời điểm Bộ Tài chính cho phép tăng giá xăng dầu 1 tuần thì giá các hợp đồng dầu thô giao tương lai trên thế giới đều giảm, tuy nhiên ông Thỏa cho biết, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu ký giao dịch theo hợp đồng giao ngay. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu cũng mới chỉ dám “chốt” với đối tác về lượng, còn về giá thì ít “dám” mà chờ đến lúc giao dịch mới tính toán với nhau.
 
Ông Thỏa cũng cho rằng, việc điều chỉnh giá hiện nay đang được thực hiện theo Nghị định 84 ( tính bình quân 30 ngày) do đó không căn cứ giá tính trong riêng 1 tuần hay 10 ngày. Ông cũng cho biết, với việc điều chỉnh giá lên như vừa rồi thì thì tại thời điểm điều chỉnh giá doanh nghiệp có thể hòa vốn.

“Đúng là ngày hôm đó điều chỉnh giá lên, tính 30 ngày, bỏ sử dụng quỹ bình ổn giá thì bù được chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán hiện hành. Còn lỗ hay lãi nó là câu chuyện sản xuất kinh doanh” – theo ông Thỏa.

 
5.000 tỷ đồng lỗ kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp chưa có hướng xử lý

 
Theo đánh giá trong bản báo cáo trình lên Thủ tướng của Bộ Công thương, hiện chưa có quy định cụ thể để bù đắp lại những chi phí hợp lý cho doanh nghiệp khi tham gia bình ổn giá, dẫn đến số dư Quỹ bình ổn của các doanh nghiệp bị âm hơn 2.300 tỷ đồng. Khoản lỗ kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp luỹ kế hơn 5.000 tỷ đồng đến nay vẫn chưa có hướng xử lý.
Những khoản lỗ lớn trong kinh doanh xăng dầu đã gây khó khăn về tài chính cho các doanh nghiệp, làm cho vốn của chủ sở hữu đã ít (khoảng 9.000 tỷ đồng vào năm 2010 và khoảng 14.000 tỷ đồng năm 2011) càng bị áp lực do khoản vay tín dụng ngày một tăng.

Riêng trong năm 2010, các doanh nghiệp xăng dầu đã phải vay tín dụng khoảng 17.000 tỷ đồng, tương đương 189% vốn chủ sở hữu. Năm 2011, con số đã tăng lên gần 27.000 tỷ đồng, tương đương 193% vốn chủ sở hữu.

Bích Diệp