1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

“Sẽ có thêm nhiều doanh nhân sở hữu máy bay”

Sau sự kiện các doanh nhân Đoàn Nguyên Đức và Trần Đình Long mua tàu bay riêng, giờ đây chắc hẳn có nhiều doanh nhân khác cũng đang tính tới kế hoạch này. Làm sao để sở hữu được một chiếc tàu bay tư nhân là câu hỏi được đặt ra đối với các chuyên gia hàng không.

Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng, khâu khó nhất để một cá nhân sở hữu tàu bay tư nhân tại Việt Nam chính là thủ tục. Ông có đồng tình với điều này?
 
“Sẽ có thêm nhiều doanh nhân sở hữu máy bay” - 1

Ông Võ Huy Cường - Trưởng
ban Vận tải Hàng không 
(Cục Hàng không Dân dụng
Việt Nam)
: Một cá nhân hoàn
toàn có thể tự mua với thực hiện
các thủ tục để tàu bay riêng cất cánh
.

Hệ thống Luật Hàng không dân dụng Việt Nam hiện hành quy định rất rõ ràng điều kiện, trình tự thủ tục về việc đăng ký quốc tịch tàu bay, các quyền đối với tàu bay trong đó có quyền sở hữu tàu bay. Mọi tổ chức, cá nhân có nhu cầu đều có thể tiếp cận thông tin chi tiết về các thủ tục này tại địa chỉ www.mt.org.vn của Bộ Giao thông vận tải hoặc liên hệ trực tiếp với Cục Hàng không Việt Nam.
 
Tuy nhiên, người mua tàu bay đã qua sử dụng cần đặc biệt lưu ý về quy định tuổi tàu bay tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm nhập khẩu vào Việt Nam: tàu bay để kinh doanh vận chuyển hành khách không quá 10 năm; tàu bay để kinh doanh vận chuyển hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện và kinh doanh hàng không chung không quá 15 năm; các trường hợp khác không quá 20 năm. Người mua tàu bay cũng cần phải nắm bắt thông tin liên quan đến các loại thuế, thủ tục nhập khẩu trước khi mua tàu bay.
 
Vậy theo ông, đâu là vướng mắc lớn nhất với cá nhân hay doanh nghiệp muốn sở hữu tàu bay riêng?
 
Tôi nghĩ, điều các cá nhân hay doanh nghiệp muốn sở hữu tàu bay buộc phải tính đến chính là vấn đề chỗ đỗ tàu bay.
 
Hiện nay, tại các sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Nội Bài… đều đang ở tình trạng thiếu không gian dành cho đỗ tàu bay do hạ tầng mặt bằng sân bay bị giới hạn. Trong khi đó, số lượng tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam đang tăng nhanh và mạnh trong những năm tới; nhu cầu mua tàu bay của các doanh nghiệp hay cá nhân cũng tăng sẽ càng làm vấn đề thêm nghiêm trọng.
 
Hiện tại, hai cá nhân sở hữu tàu bay riêng tại Việt Nam đều có chỗ đỗ tàu bay ổn định. Ông Đoàn Nguyên Đức thuê đỗ dài hạn tại sân bay Tân Sân Nhất, ông Trần Đình Long cho Công ty bay Dịch vụ miền Bắc thuê tàu bay của mình và không phải lo thu xếp chỗ đỗ.
 
Với tình trạng nêu trên, có thể thấy các cá nhân có ý định mua tàu bay riêng trong thời gian tới cần phải tính đến vấn đề chỗ đỗ tàu bay trong quyết định của mình.
 
Một khó khăn khác là, ngoài Công ty Dịch vụ kỹ thuật máy bay chủ yếu phục vụ nhu cầu sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay của Tổng công ty Hàng không Việt Nam, chúng ta chưa có doanh nghiệp chuyên thực hiện bảo dưỡng, sữa chữa lớn cho tàu bay trong khi ở các nước láng giềng như Malaysia, Singapore… đều có các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng đối với hầu hết các loại tàu bay thông dụng trên thị trường.
 
Thực tế, hiện tại phần lớn tàu bay của tổ chức, cá nhân Việt Nam phải đưa ra nước ngoài để thực hiện lịch bảo dưỡng, sửa chữa. Về chính sách chúng tôi khuyến khích phát triển dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay ở Việt Nam.
 
Gần đây hãng Eurocopter có tổ chức khảo sát nhu cầu thị trường và bày tỏ ý định thành lập một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng đối với các loại tàu bay trực thăng tại Việt Nam. Tuy nhiên cho đến nay chúng tôi vẫn chưa có thông tin chính thức về dự án đầu tư này.
 
Rõ ràng, việc bao giờ xuất hiện doanh nghiệp chuyên bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay còn là một câu hỏi khó. Nhưng với vấn đề chỗ đỗ thì khác. Nếu đã lường trước nhu cầu thực tế, Cục Hàng không dân dụng hẳn phải có trách nhiệm hóa giải bài toán này, thưa ông?
 
Ngành hàng không Việt Nam đã có Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng tới năm 2030, trong đó có kế hoạch về sân đỗ tàu bay.
 
Hiện tại, chúng tôi đã yêu cầu các hãng hàng không Việt Nam báo cáo trước ngày 31/8/2010 về kế hoạch phát triển đội tàu bay, khai thác tới các cảng hàng không, sân bay đến năm 2015 và nhu cầu về sử dụng chỗ đỗ tàu bay qua đêm tại các cảng hàng không, sân bay.
 
Trên cơ sở này, căn cứ vào kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng cảng hàng không, Cục Hàng không Việt Nam tiến hành quy hoạch, quản lý và phân bổ hợp lý giờ cất hạ cánh, chỗ đỗ tàu bay cho các doanh nghiệp; đồng thời có định hướng cho các tổ chức, cá nhân Việt Nam có nhu cầu sở hữu tàu bay riêng về lựa chọn sân bay.
 
Hiện nay, Luật Hàng không không quy định cá nhân hay doanh nghiệp phải báo cáo trước khi mua tàu bay. Tuy nhiên, nếu được thông báo trước, Cục có thể cung cấp thông tin giúp cá nhân hay doanh nghiệp lựa chọn sân bay có khả năng đáp ứng về chỗ đỗ làm sân bay căn cứ phục vụ cho hoạt động lâu dài sau này. Đây cũng là một cách “mua hàng thông minh” có lợi.
 
Thưa ông, ngoài tình hình chỗ đỗ, mức phí đỗ tàu bay tư nhân đã được quy định rõ ràng?
 
Hiện nay đã có quy định rất rõ biểu giá đậu lại áp dụng với từng loại tàu bay. Mức giá thường được căn cứ vào mức trọng lượng cất cánh tối đa của tàu bay và thời gian lưu lại ở sân đỗ. Ví dụ, tàu bay khai thác theo lịch không phải trả phí đậu lại nếu lưu lại tối đa 2 giờ.
 
Theo sự tìm hiểu của tôi, cùng là tàu bay tư nhân nhưng vẫn có sự khác biệt trong quy định xin phép cất và hạ cánh. Ông có thể lý giải gì về điều này?
 
Thủ tục cấp phép bay và hạ cánh cho tàu bay tư nhân không có sự khác biệt lớn; chỉ có sự khác biệt cơ bản là tàu bay hoạt động trong đường hàng không hay hoạt động ngoài đường hàng không với trần bay thấp.
 
Cụ thể: nếu tàu bay hoạt động trong đường hàng không, đi đến các sân bay mở ra cho hoạt động bay dân dụng thì thủ tục cấp phép bay được thực hiện nhanh. Nếu sự phối hợp, hiệp đồng giữa các cơ quan quản lý vùng trời, cung cấp dịch vụ không lưu và cấp phép bay nhanh, kịp thời thì có thế cấp phép bay theo đề nghị của người sử dụng ngay trong ngày. Hiện nay tàu bay của ông Đoàn Nguyên Đức thuộc loại này.
 
Theo quy định của pháp luật người xin phép bay cho chuyến bay bằng tàu bay trực thăng phải xin phép trước ngày dự định thực hiện chuyến bay 03 ngày. Hiện tàu bay của ông Trần Đình Long thuộc loại này.
 
Nhân đây, tôi cũng giải đáp thắc mắc của nhiều người, với cùng loại tàu bay nhưng được mua nhằm phục vụ mục đích kinh doanh như vận chuyển hàng không và mua với mục đích cá nhân hoạt động hàng không chung như du lịch, không vì mục đích thương mại…, thủ tục bay và hạ cánh không hề khác nhau.
 
Hiện nay, cả hai doanh nhân tậu tàu bay riêng đều mua thông qua các công ty chuyên dịch vụ tư vấn, mua tàu bay tại Việt Nam. Vậy, một cá nhân có thể tự mua và thực hiện các thủ tục từ A - Z không?
 
Tôi khẳng định, một cá nhân hoàn toàn có thể tự mua và thực hiện các thủ tục được quy định để tàu bay riêng cất cánh. Nhưng nếu xét về bài toán kinh tế và kinh nghiệm với các thủ tục liên quan, việc tự mua như trên không hề đơn giản.
 
Thưa ông, ông có thể phác thảo chung về đối tượng khách hàng của dịch vụ tư vấn mua, cho thuê và quản lý tàu bay tư nhân mà công ty đang triển khai?
 
“Sẽ có thêm nhiều doanh nhân sở hữu máy bay” - 2

Ông Trần Long - Tổng Giám đốc
Công ty cổ phần cho thuê máy
bay Việt Nam (VALC):
Chi phí
liên quan đến hoạt động của một
chiếc tàu bay tư nhân dao động
trong khoảng từ một vài trăm nghìn
cho tới hàng triệu USD/năm.

Việt Nam đang nổi lên một bộ phận các doanh nhân thành đạt. Tuy nhiên, theo đánh giá của tôi, mặc dù nhiều doanh nhân có đủ khả năng để mua tàu bay riêng nhưng không phải doanh nhân nào cũng sẵn sàng cho việc sử dụng tàu bay riêng vì sự đắt đỏ của nó.
 
Ông có thể đưa ra một con số về chi phí hàng tháng cần bỏ ra để “nuôi” một chiếc tàu bay tư nhân? Đó thông thường bao gồm những khoản chi gì, thưa ông?
 
Chi phí liên quan đến hoạt động của một chiếc tàu bay tư nhân phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như loại tàu bay, chất lượng của tàu bay, thời gian đã sử dụng, nhu cầu sử dụng của khách hàng… theo đó, chi phí sẽ dao động trong khoảng từ một vài trăm nghìn cho tới hàng triệu USD trong một năm. Thông thường đó là chi phí nhiên liệu, lương phi công, chi phí bảo dưỡng tàu bay, chi phí phục vụ mặt đất, xin cấp phép bay…
 
Đó rõ ràng là con số không nhỏ khiến các doanh nhân phải cân nhắc kỹ nếu quyết định mua. Vậy ông có thể đưa ra tư vấn gì?
 
Khi cần đi lại bằng tàu bay, hầu hết mọi người đều nghĩ đến việc sử dụng dịch vụ của các hãng hàng không. Chưa tính đến chi phí phải bỏ ra, nhiều doanh nhân nghĩ việc sở hữu, sử dụng tàu bay riêng sẽ rất phức tạp.
 
Tuy nhiên, sau khi tiếp xúc với chúng tôi, được tư vấn tận tình về hiệu quả, tiện ích của việc sở hữu tàu bay, về chính sách hỗ trợ khách hàng trong thủ tục mua, đăng ký sở hữu cũng như quản lý, vận hành tàu bay… trên cơ sở cân đối với chi phí bỏ ra, nhiều doanh nhân đã thay đổi quan niệm của mình và đang mong muốn được sử dụng dịch vụ này.
 
Công ty sẽ hỗ trợ khách hàng như thế nào để họ có thể sở hữu tàu bay và được phép bay?
 
Chúng tôi chú trọng vào khâu tư vấn hỗ trợ khách hàng trong lựa chọn loại tàu bay, kết nối khách hàng và nhà sản xuất, hỗ trợ khách hàng tính toán cân đối nhu cầu, chi phí và hỗ trợ kết nối với ngân hàng cung cấp tín dụng trong trường hợp cần thiết.
 
Bên cạnh đó, các thủ tục xin cấp phép bay, thủ tục cấp chứng chỉ bay… cũng được VALC hỗ trợ nhằm giúp cho khách hàng nhận được tàu bay sớm nhất, đưa vào vận hành an toàn, hiệu quả.
 
Trong trường hợp tàu bay được mua, được thuê gặp trục trặc, quyền lợi của khách hàng sẽ được công ty đảm bảo thế nào, thưa ông?
 
Chúng tôi cam kết luôn song hành cùng khách hàng trong suốt thời gian khách hàng khai thác và sử dụng tàu bay thương gia tại Việt Nam. Dựa trên nền tảng hợp tác chiến lược toàn diện với nhà khai thác, nhà sản xuất, VALC đảm bảo tàu bay của khách hàng được khai thác, quản lý và bảo dưỡng theo đúng quy trình của nhà sản xuất.
 
Mặc dù vậy, trong trường hợp gặp trục trặc, VALC sẽ đại diện cho khách hàng liên hệ về việc sửa chữa, tiến hành các thủ tục bảo hiểm… tuân thủ các quy định nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn của hàng không quốc tế, của Việt Nam cũng như của nhà sản xuất.
 
Đánh giá của VALC về dịch vụ tư vấn mua, cho thuê và quản lý tàu bay tư nhân tại thị trường Việt Nam trong giai đoạn tới như thế nào?
 
Theo đánh giá của chúng tôi, dịch vụ tàu bay tư nhân là rất tiềm năng và hiện mới đang trong giai đoạn bắt đầu. Đối với các doanh nhân thành đạt, thời gian còn quý hơn cả tiền bạc, việc đi lại của họ chủ yếu bằng đường hàng không trong khi đó khả năng đáp ứng của các hãng hàng không trong nước còn hạn chế do chưa thuận tiện về giờ bay, mất nhiều thời gian làm thủ tục sân bay…
 
Trong khi đó những lợi ích và hiệu quả từ việc sử dụng máy bay tư nhân đã và đang được kiểm chứng trên thực tế nên trong thời gian tới sẽ có nhiều doanh nhân tiếp tục sở hữu máy bay.
 
Xin cảm ơn các ông đã tham gia cuộc trao đổi này!
 
Theo Vệ Thủy
Doanh nhân