1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Sẽ có cơ quan “cảnh báo” chứng khoán

Ông Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước, đã trao đổi về chỉ đạo của Thủ tướng xây dựng đề án thành lập Ủy ban giám sát tài chính quốc gia.

Giám sát dòng vốn vào ra thị trường chứng khoán

Là chuyên gia ngân hàng, xin ông cho biết sự cần thiết phải thành lập Ủy ban giám sát tài chính quốc gia?

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, tự do hóa tài chính, trong nền kinh tế thị trường hiện đại, việc thành lập Ủy ban giám sát tài chính để giám sát chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm là việc hết sức bình thường.

Với thị trường mới nổi như Việt Nam, luồng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào đang rất lớn, đặc biệt có sự tham gia của nhiều tập đoàn tài chính khổng lồ. Đằng sau họ là những khách hàng đầu tư lớn, có khả năng tác động mạnh tới thị trường tài chính Việt Nam.

Sẽ có dòng tiền lớn chảy vào chứng khoán. Cả cung và cầu sẽ có những đại gia tham gia. Thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục phát triển cả quy mô lẫn chiều sâu tài chính, vì vậy cần được giám sát tốt để không đột biến.

Hoạt động của thị trường tiền tệ bây giờ cũng liên quan đến thị trường chứng khoán và điều này buộc Nhà nước phải quan tâm. Vì bất kỳ một sự trục trặc nào của thị trường chứng khoán cũng ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường tiền tệ.

Ông hình dung Ủy ban này sẽ hoạt động như thế nào?

Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia mà chúng ta đang xây dựng không hoạt động như một cơ quan thanh tra. Mà đơn thuần đây là cơ quan giám sát vĩ mô, chủ yếu giám sát từ xa, giám sát để tư vấn, cảnh báo giúp Thủ tướng điều hành nền kinh tế.

Thứ nhất, giám sát ở đây là để biết được luồng vốn vào ra như thế nào, mức độ ngắn hạn, dài hạn ra làm sao, giám sát cả mức độ lành mạnh của thị trường, làm sao để tránh rửa tiền?

Giám sát để nắm được thị trường chứng khoán Việt Nam nóng lạnh ra sao, lành mạnh hay không lành mạnh, sự liên thông giữa thị trường chứng khoán với hoạt động tín dụng ngân hàng, có hay không sự liên thông giữa thị trường chứng khoán với thị trường bất động sản...?

Thứ hai, giám sát là nhằm tạo ra sự phối hợp thống giữa Ngân hàng Trung ương, Bộ Tài chính và các cơ quan khác nhằm làm cho thị trường tài chính phát triển ổn định và vững chắc.

Lâu nay chúng ta vẫn thường nói, chính sách của "ông" này đưa ra làm khổ "ông" kia. Nhiều khi chính sách của "ông" Chứng khoán với mong muốn làm cho thị trường phát triển nhanh lại làm khổ "ông" Ngân hàng. Rồi chính sách của Ngân hàng đưa ra, lại làm khổ "ông" Tài chính...

Giờ đây quy mô thị trường lên cao, tốc độ vốn vào ra nhanh như vậy, sự liên thông giữa các bộ, ngành đòi hỏi rất chặt chẽ. Chính vì vậy, mục tiêu của Ủy ban giám sát tài chính là giúp cho sự liên thông của nền kinh tế vận hành trôi chảy thống nhất.

Khi có một Ủy ban giám sát chung thì sẽ giúp nhìn nhận vấn đề tổng hợp hơn và có những giải pháp đồng bộ hơn giúp Thủ tướng đi đến những quyết định điều hành hữu hiệu toàn bộ thị trường tài chính nói chung.

Như vậy cơ quan này sẽ giúp Chính phủ hoạch định chính sách?

Đúng vậy. Ví dụ như thông qua giám sát, phân tích, nghiên cứu xem tình hình nợ xấu của Ngân hàng thương mại tối thiểu và tối đa là bao nhiêu; Lợi nhuận của các ngân hàng thương mại lãi ròng tính trên vốn tự có rồi tính trên tổng tài sản là bao nhiêu; Việc thanh khoản như thế nào là hợp lý; Xét về tốc độ tăng của thị trường chứng khoán như thế nào là hợp lý, là tốt; Lạm phát như thế nào là chấp nhận được; Cán cân vãng lai, cán cân vốn như thế nào thì có thể tạm yên tâm... ?

Nếu thấy có những dấu hiệu sai lệch về những chuẩn mực đó thì cơ quan này sẽ phát tín hiệu báo động. Bởi khi đã tự do hóa tài chính điều đó cũng có nghĩa sẽ có những phát sinh không thể ngờ tới được.

Phải chấp nhận các cú sốc tài chính

Ông có thể nói rõ hơn về những nguy cơ phát sinh không thể ngờ trong bối cảnh tự do hóa tài chính?

Nhớ lại cuộc khủng hoảng tài chính ở Thái Lan năm 1997, khi đó, tất cả các chỉ số kinh tế vĩ mô của nước này đều ngon lành. Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Thái Lan khi đó vào khoảng 7%, thâm hụt ngân sách không có, nợ nước ngoài dưới mức cho phép, lạm phát không có... Trời yên biển lặng như vậy xem ra không có gì bất ổn.

Chỉ có duy nhất ở chỗ chỉ số vãng lai, thâm hụt thương mại vào khoảng 12% GDP (gấp đôi so với bây giờ) và tỷ giá hối đoái của đồng Bath so với đồng USD cũng tăng khoảng 25 bath ăn 1 USD.

Chỉ có 2 vấn đề xem ra nho nhỏ như vậy thế mà các giáo sư kinh tế Hoa Kỳ cũng đã phát tín hiệu cảnh báo về một cuộc khủng hoảng tài chính khu vực sẽ xảy ra có thể bắt đầu từ Thái Lan.

Nhưng tiếc rằng, khi đó gần như tất cả các nhà kinh tế châu Á đã không tin. Và chỉ một thời gian rất ngắn sau đó, cuộc khủng hoảng tài chính đã diễn ra đúng như dự báo.

Điều đó cho thấy rằng khi đã toàn cầu hóa, tự do hóa tài chính, khi mà chúng ta chấp nhận một luồng vốn đầu tư tăng rất mạnh mẽ thì cũng giống như khi chúng ta chấp nhận việc chuyển từ chiếc xe đạp sang một chiếc xe máy. Cũng có nghĩa chúng ta phải chấp nhận trước việc va chạm với các cú sốc tài chính thường xuyên hơn.

Nhưng các cú sốc đó đồng thời cũng có ưu điểm là diễn ra rất nhanh, có khi không dự đoán được nhưng dập tắt cũng rất nhanh. Như khi lướt đi mà bất ngờ phát hiện ra một cái ổ gà, chưa kịp xử lý gì thì nó đã lướt qua mất rồi.

Hơn nữa với việc tự do hóa tài chính, nếu khủng hoảng tài chính diễn ra sẽ có nhiều khả năng lan tỏa, gây ảnh hưởng dây chuyền. Thập kỷ 90 của thế kỷ trước đã có 4 cuộc khủng hoảng diễn ra trên toàn cầu. Điều đó cũng buộc Chính phủ các nước phải quan tâm và phải hợp lực để tạo ra sức mạnh.

Cho nên rất cần một Ủy ban giám sát để có thể đưa ra những dự báo sát thực.

Để Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia hoạt động hiệu quả, theo ông Chính phủ cần phải quan tâm đến những vấn đề gì?

Cần chú trọng đầu tư chất xám cho Ủy ban này. Đó là phải tập hợp được các chuyên gia tài chính giỏi, sắc sảo có tầm phân tích tài chính vĩ mô rất tốt.

Từ đó họ có thể đưa ra được những dự báo, dự đoán về chiều hướng kinh tế sẽ xảy ra như vừa rồi tôi đã đề cập tới việc các giáo sư Hoa Kỳ phân tích và dự báo về cuộc khủng hoảng tài chính châu Á hồi cuối năm 1997.

Hiện nay việc triển khai đề án thành lập Ủy ban giám sát tài chính của chúng ta đã triển khai tới đâu rồi, thưa ông?

Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các cơ quan, đặc biệt Ngân hàng Trung ương xây dựng đề án thành lập Ủy ban Giám sát tài chính. Trong một cuộc họp mới đây, Thủ tướng đã đôn đốc phải trình đề án trong tháng 4 tới đây.

Xin cám ơn ông!

Theo Thu Hà
VTC News