1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Sau khi bị khởi tố, vợ đại gia Nguyễn Đỗ Lăng liên tục bán ra cổ phiếu

Mai Chi

(Dân trí) - Bị khởi tố và bắt tạm giam hồi cuối tháng 6 trong vụ án "thao túng thị trường chứng khoán" tại "họ" APEC, bà Huỳnh Thị Mai Dung hiện vẫn bán ra cổ phiếu CSC.

Bà Huỳnh Thị Mai Dung, vợ ông Nguyễn Đỗ Lăng - Phó chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty cổ phần Tập đoàn Cotana (mã chứng khoán: CSC), vừa báo cáo đã bán 976.000 cổ phiếu CSC trong khoảng thời gian 4/10-2/11.

Trước đó, bà Dung đăng ký bán 1 triệu cổ phiếu CSC nhưng không bán hết được số lượng cổ phiếu như đã đăng ký. Lý do được đưa ra là điều kiện thị trường chưa phù hợp. Sau giao dịch, sở hữu của vợ ông Nguyễn Đỗ Lăng tại Cotana giảm từ 5,13 triệu cổ phiếu (chiếm tỷ lệ 16,44%) xuống còn 4,15 triệu cổ phiếu (chiếm tỷ lệ 13,31% vốn điều lệ).

Sau khi bị khởi tố, vợ đại gia Nguyễn Đỗ Lăng liên tục bán ra cổ phiếu - 1

Diễn biến cổ phiếu CSC kể từ đầu năm tới nay (Nguồn: Tradingview).

Vợ chồng bà Huỳnh Thị Mai Dung, ông Nguyễn Đỗ Lăng cùng 3 bị can khác bị khởi tố, bắt tạm giam hồi cuối tháng 6 trong vụ án hình sự Thao túng thị trường chứng khoán. Vụ việc này xảy ra tại Công ty cổ phần Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương (Chứng khoán APEC - mã chứng khoán: APS), Công ty cổ phần Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương (mã chứng khoán: API) và Công ty cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam (mã chứng khoán: IDJ). Cơ quan An ninh điều tra - Công an TP Hà Nội đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án.

Sau vụ việc trên, các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái APEC đã đồng loạt lãnh đạo, Chứng khoán APEC cũng miễn nhiệm chức vụ Tổng giám đốc đối với ông Nguyễn Đỗ Lăng. Mặc dù vậy, tại Cotana, ông Lăng vẫn làm Phó chủ tịch HĐQT.

Bà Huỳnh Thị Mai Dung - vợ ông Lăng - đang là cổ đông lớn thứ 2 tại Cotana, chỉ sau ông Đào Ngọc Thanh - Chủ tịch HĐQT công ty này với sở hữu 24,1%. Trong khi đó, ông Lăng chỉ nắm tỷ lệ 0,07% vốn điều lệ. 

Sau khi bị khởi tố, vợ đại gia Nguyễn Đỗ Lăng liên tục bán ra cổ phiếu - 2

Hình ảnh ông Nguyễn Đỗ Lăng trên website của Cotana với cương vị Phó chủ tịch HĐQT (Nguồn: CSC).

Sau khi bị bắt, bà Dung từng đăng ký bán 1 triệu cổ phiếu CSC từ ngày 28/8 đến ngày 26/9 nhưng chỉ bán ra được 39.000 đơn vị (tương ứng tỷ lệ giao dịch thành công là 3,9%) cũng với lý do điều kiện thị trường không phù hợp.

Chiều ngược lại, Chứng khoán APEC, nơi ông Lăng làm Ủy viên HĐQT, lại đăng ký mua vào 2 triệu cổ phiếu CSC trong thời gian 11/10-9/11 với mục đích "đầu tư tự doanh".

Cotana vừa công bố báo cáo tài chính quý III với kết quả lợi nhuận giảm sốc 84,6% so với cùng kỳ, đạt hơn 23 tỷ đồng. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu CSC từng đạt đỉnh 41.200 đồng của năm nay vào hồi đầu tháng 8 nhưng sau đó liên tục lao dốc về dưới mốc 30.000 đồng.

Ông Nguyễn Đỗ Lăng đang sở hữu 11,87 triệu cổ phiếu APS, chiếm tỷ lệ 14,3% vốn điều lệ Chứng khoán APEC và cũng là cổ đông lớn nhất tại công ty này. Ngoài ra, ông Lăng còn sở hữu 13,74 triệu cổ phiếu API, chiếm tỷ lệ 16,34% vốn điều lệ; 2,26 triệu cổ phiếu IDJ, chiếm tỷ lệ 1,3% vốn điều lệ.

Đóng cửa phiên 8/11, cổ phiếu API có giá 6.000 đồng/cổ phiếu, thị giá APS là 7.100 đồng và IDJ là 6.200 đồng.