1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Sao phải tăng thuế khi lãng phí, thất thoát, trốn thuế vẫn còn nhiều?

(Dân trí) - Các đại biểu Quốc hội cho rằng, trong khi tăng thu ngân sách vẫn chủ yếu dựa vào đất và các nguồn thu không bền vững, cơ quan điều hành cần lưu ý đến việc chống thất thu, trốn thuế, đi cùng với đó là mở rộng cơ sở thu, chống thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước.

Vấn đề về cân đối ngân sách Nhà nước đang là mối quan tâm của nhiều ĐBQH (ảnh: BD)
Vấn đề về cân đối ngân sách Nhà nước đang là mối quan tâm của nhiều ĐBQH (ảnh: BD)

Thu vượt dự toán nhưng không bền vững

Việc cân đối cán cân ngân sách Nhà nước (NSNN) là một trong những vấn đề trọng tâm được các đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận tại phiên họp tổ chiều nay (25/5) liên quan đến nội dung kinh tế xã hội 2016, những tháng đầu năm 2017 và vấn đề quyết toán ngân sách năm 2015.

Theo báo cáo của Chính phủ, quyết toán thu NSNN năm 2015 đạt 998.217 tỷ đồng, vượt 9,6% (tương ứng 87.117 tỷ đồng) so với dự toán. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Vân Chi (đoàn Nghệ An) tỏ ra lo ngại khi tăng thu lại chủ yếu là từ nguồn thu sử dụng đất (gần 30.000 tỷ đồng) và thu từ cổ tức được chia và lợi nhuận còn lại của các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trên 25.000 tỷ đồng. Như vậy, thu tăng ở đây không chủ yếu đến từ sản xuất kinh doanh.

“Tôi lo ngại, số thu dù hoàn thành và vượt so với dự toán nhưng không an toàn, không bền vững”, bà Chi chia sẻ. Theo đó, vị đại biểu chỉ ra một loạt những khoản thu khác cũng quan trọng nhưng lại không đạt kế hoạch như thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), thu từ khối doanh nghiệp dân doanh.

Do đó, bà Chi đặt vấn đề: Nên chăng cần tập trung mở rộng cơ sở thuế hơn là dựa vào huy động thông qua tăng các loại thuế suất? Nhất khi việc tăng thuế thu nhập doanh nghiệp là rất khó trong tương quan so sánh với khu vực. Hơn nữa, tại kỳ họp này, Quốc hội lại đang bàn về việc thông qua hỗ trợ cho đối tượng các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Vị đại biểu tỉnh Nghệ An cho biết, thời gian trước đây, nhiều địa phương đã từng đưa ra những ưu đãi lớn nhằm thu hút đầu tư, trong đó có việc áp dụng ưu đãi về thuế. Mặc dù có thời hạn ưu đãi nhất định, nhưng trong nhiều năm vẫn xảy ra chênh lệch về mức ưu đãi giữa các địa phương. Có trường hợp, 1 pháp nhân, 1 doanh nghiệp nhưng có nhiều dự án tại những địa bàn khác nhau được áp dụng những mức thuế suất khác nhau, dẫn đến chuyển giá nội bộ, Nhà nước bị xói mòn về cơ sở thuế.

Chưa tính đến tăng thuế vẫn có thể tăng thu!

Bên cạnh đó, bà Chi cũng góp ý, cần mở rộng cơ sở thuế đến đối tượng là những hộ kinh doanh có điều kiện chuyển được sang doanh nghiệp, mở rộng thuế từ khu vực kinh doanh phi chính thức sang chính thức. Đây là cách để đảm bảo nguồn thu bền vững, lâu dài.

Hay như việc quản lý thuế giá trị gia tăng (GTGT) cũng cần chặt chẽ hơn. Mặc dù trong thời gian qua, nguồn thu thuế GTGT tăng lên nhưng phải xem liệu tốc độ tăng có tương ứng với tốc độ hoàn thuế GTGT cũng đang ở mức rất lớn.

Sao phải tăng thuế khi lãng phí, thất thoát, trốn thuế vẫn còn nhiều? - 2

“Luật hiện hành đã cho phép chuyển sang cơ chế doanh nghiệp được sử dụng hóa đơn tự tạo thay vì hóa đơn của Nhà nước nhưng sau nhiều năm thực hiện vẫn chưa có đánh giá nào về việc dùng hóa đơn tự tạo này có những hạn chế nào”, bà Chi đánh giá và đề nghị cần lưu ý thêm về vấn đề này để tránh gian lận, lợi dụng chính sách thuế GTGT để trốn thuế.

Một điểm nữa theo đại biểu Nguyễn Vân Chi mà các cơ quan Nhà nước cũng cần nghiên cứu đó là lấp đầy những “khoảng trống” về khung pháp lý để có thể thu được thuế những dịch vụ bán hàng hóa, dịch vụ qua biên giới, quảng cáo, giao dịch trên mạng.

“Đây là những cách có thể huy động được nguồn thu mà không cần tăng thuế, tăng gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp”, vị Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách góp ý.

Đồng quan điểm với đại biểu Chi, đại biểu Nguyễn Thanh Quang (Đà Nẵng) cũng đề nghị cần chống thất thu thuế tại các cơ sở kinh doanh, nhà hàng, khách sạn. Ông Thanh nói nôm na, chỉ cần 100 cán bộ thuế đến 100 nhà hàng, “không làm gì chỉ ngồi xem hóa đơn xuất thế nào” thì sẽ thấy doanh thu của những cơ sở này sẽ tăng gấp 2-3 lần. Do đó, quản lý được hóa đơn tại các khách sạn 3 sao, 5 sao thì sẽ chống thất thu ngân sách đáng kể.

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) đánh giá, nợ thuế, thất thu thuế đang vẫn rất trầm kha. Mặc dù cơ quan quản lý đã có nhiều cố gắng, song tỷ lệ nợ thuế, thất thu thuế vẫn cao. Trong đó, đáng chú ý là tình trạng thất thu thuế tại các tập đoàn FDI lớn: doanh thu lớn, thường xuyên mở rộng quy mô nhưng lại liên tục báo lỗ, là điều rất vô lý.

Ông Hiền cũng bày tỏ băn khoăn về vấn đề thất thoát vốn, tài sản Nhà nước trong quá trình cổ phần hóa DNNN, đặc biệt ở khâu tính giá quyền sử dụng đất, tình trạng cổ phần hóa không sử dụng đấu giá… Nợ đọng, thất thoát lãng phí trong xây dựng cơ bản, tình trạng trục lợi bảo hiểm xã hội vẫn xảy ra phổ biến “Có thanh tra, kiểm toán rồi, nhưng việc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm toán có tốt không, có nghiêm túc không? Tôi hết sức băn khoăn”, ông Hiền bày tỏ.

Nhìn chung, các đại biểu cho rằng, cùng với những giải pháp nhằm tăng thu, giảm chi như báo cáo của Chính phủ nêu thì một biện pháp quan trọng để đảm bảo cân đối cán cân ngân sách đó chính là kiểm soát chặt chẽ thu – chi, chống thất thu, trốn thuế song song với chống lãng phí, thất thoát tài sản Nhà nước.

Bích Diệp