1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Sàn Hà Nội “mệt mỏi”

(Dân trí)- “Trong bối cảnh doanh nghiệp ồ ạt lên sàn, hàng loạt công ty chứng khoán được lập mới, chúng tôi phải chịu sức ép rất nhiều, sức ép từ công ty niêm yết, từ công ty chứng khoán, từ cơ quan quản lý… trong khi nhân lực không tăng, thậm chí là có thể mất đi khi các công ty chứng khoán thành lập nhiều..."

Giám đốc Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HASTC) Trần Văn Dũng bày tỏ với báo giới như vậy về các hoạt động của sàn Hà Nội trong năm 2006.

 

Theo ông, đâu là điểm nhấn của sàn Hà Nội trong năm qua?

 

Thứ nhất, khi xây dựng Luật chứng khoán, cũng như trong kế hoạch 5 năm phát triển thị trường chứng khoán mà Bộ Tài chính ký ban hành đã đặt mục tiêu đến năm 2010 quy mô thị trường sẽ đạt 10 – 15% GDP. Và hiện nay thị trường chứng khoán đã đạt tối đa mục tiêu đó ngay trong năm đầu tiên thực hiện kế hoạch 5 năm.

 

Thứ hai, chất lượng của thị trường rất tốt, thể hiện ở cả hai khía cạnh: quy mô giao dịch và chất lượng các công ty niêm yết.

 

Về quy mô giao dịch, nếu năm 2005 chỉ khoảng 4 tỷ đồng và quý I/ 2006 là khoảng 6 - 7 tỷ đồng, thời điểm cao nhất khoảng 18 tỷ đồng thì đến tháng 12/2006 quy mô đó đã lên tới khoảng 100 tỷ đồng. Trong những ngày này duy trì ở mức độ trên 100 tỷ đồng.

 

Chất lượng của các công ty niêm yết cũng rất tốt, trước đây chỉ có ngành điện là đáng kể thì nay cũng đã đổi khác, đặc biệt là có sự tham gia của các công ty trong khối tài chính, ngân hàng như Ngân hàng Á Châu (ACB), 2 công ty chứng khoán hàng đầu Việt Nam là Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) và Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC).

 

Ngoài ra còn có các doanh nghiệp khác là: nhựa Tiền Phong, Công  ty Cổ phần Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico) và một loạt đơn vị thành viên của Vinaconex,  Sông Đà …

 

Thứ ba, là sự tăng trưởng của hoạt động đấu thầu. Trong nửa đầu năm 2006, hoạt động đấu thầu gặp nhiều khó khăn với đấu thầu diễn ra ở hai trung tâm là Hà Nội và TP.HCM nên khối lượng thắng thầu khá thấp, đạt khoảng trên 54% và lãi suất rất cao (lãi suất 6 tháng đầu năm ở khoảng 8,75%), khối lượng gọi đấu thầu không được nhiều.

 

Nhưng từ tháng 6/2006, Bộ Tài chính quyết định tập trung hoạt động này tại Hà Nội đã dẫn đến những đột biến.

 

Đó là những đột biến gì, thưa ông?

 

Đó là đột biến về thành viên tham gia, từ 26 lên 36 thành viên, trong đó là các ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính lớn và đặc biệt là các tổ chức tài chính nước ngoài.

 

Họ không những là thành viên mà còn tham gia đấu thầu rất tích cực. Theo đó, năm 2006 HASTC đã thực hiện đấu thầu xong khối lượng 4.260 tỷ cho 3 đơn vị là Kho bạc Nhà nước, UBND TP.Hà Nội và TP.HCM.

 

Điểm đặc biệt là huy động được số lượng theo kế hoạch để cho ngân sách chủ động và giảm được lãi suất. Lãi suất từ 8,75% được giảm xuống còn 8,24 – 8,26% trong khi lãi suất các ngân hàng vẫn tăng. Lãi suất đấu thầu giảm là một tín hiệu tốt đối với thị trường ngân hàng nói chung, mặt khác cũng làm giảm áp lực cho ngân sách phải trả sau này.

 

Trong năm 2006 và cả đầu năm 2007, những cuộc đấu giá lớn nhất đã tập trung ở sàn Hà Nội. Nhiều người cho rằng, đây là một sự quá tải với sàn Hà Nội, còn ý kiến của ông thì sao?

 

Trong 5 tổng công ty lớn của cả nước tiến hành cổ phần hóa thì 2 trong số đó, cũng là những tổng công ty đầu tiên, đều chọn sàn Hà Nội. Nếu năm 2005, mỗi cuộc đấu giá chỉ khoảng vài ba trăm người, đến năm 2006 lại quá đông. Về mặt bằng và nhân sự,  sàn Hà Nội đã quá tải, mà cuộc đấu giá cổ phần của Công ty Bảo hiểm Dầu khí (PVI) vừa qua là một điển hình. Sự quá tải đó cũng khiến chúng tôi khá mệt mỏi, có cuộc phải làm từ 8 giờ sáng cho đến 12 giờ đêm.

 

Trong bối cảnh doanh nghiệp ồ ạt lên sàn, hàng loạt công ty chứng khoán được lập mới, chúng tôi phải chịu sức ép rất nhiều, sức ép từ công ty niêm yết, từ công ty chứng khoán, từ cơ quan quản lý… trong khi nhân lực không tăng, thậm chí là có thể mất đi khi các công ty chứng khoán thành lập nhiều. Nhưng không phải vì những sức ép đó mà dễ dãi, chúng tôi phải kiên quyết từ chối những doanh nghiệp không đạt yêu cầu.

 

Xin cảm ơn ông!

 

An Hạ (ghi)