1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Rối quyết toán thuế chứng khoán

Hiện các văn bản hướng dẫn về thuế thu nhập cá nhân từ đầu tư chứng khoán không có quy định nào về cách hạch toán cho các khoản mua, bán cổ phiếu của nhà đầu tư.

Mặc dù còn lâu mới đến thời điểm phải quyết toán thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động đầu tư chứng khoán, nhưng nhiều chuyên gia đã đưa ra cảnh báo về kẽ hở, cũng như những vướng mắc có thể phát sinh khi quyết toán thuế.
 
Theo bà Nguyễn Hoàng Trang, Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn thuế Việt Nam (Vina Tax), hiện các văn bản hướng dẫn về thuế thu nhập cá nhân từ đầu tư chứng khoán không có quy định nào về cách hạch toán cho các khoản mua bán cổ phiếu của nhà đầu tư.
 
Cụ thể, nếu với mỗi loại cổ phiếu, nhà đầu tư chỉ mua một lần và bán một lần, thì không thành vấn đề, nhưng trong rất nhiều trường hợp, nhà đầu tư mua một cổ phiếu trong nhiều lần khác nhau và bán ra nhiều lần khác nhau.
 
Theo đó, với mỗi lần mua vào, giá mua vào cũng sẽ khác nhau và giá bán ra của mỗi lần bán ra cổ phiếu đó cũng không giống nhau. Do chưa có hướng dẫn cụ thể, nên có thể nhà đầu tư sẽ rất lúng túng trong việc kê khai thuế vào cuối năm.
 
Chẳng hạn, nhà đầu tư mua 100 cổ phiếu A với giá 20.000 đồng/cổ phần, lần sau lại mua thêm 200 cổ phiếu A với giá 25.000 đồng. Sau đó, nhà đầu tư này lại bán đi 100 cổ phiếu với giá 30.000 đồng… Vậy đến cuối năm, nhà đầu tư sẽ quyết toán thuế với giá mua của lần trước hay giá mua của lần sau?
 
Trong khi đó, rõ ràng, 2 trường hợp sẽ ra 2 kết quả hoàn toàn khác nhau. Bởi nếu lấy giá mua lần trước để tính thuế, thì số thuế phải nộp sẽ là (30.000 - 20.000) x 100 x 20% = 200.000 đồng. Trong khi lấy giá mua lần sau để tính thuế, thì mức thuế phải nộp là (30.000 - 25.000) x 100 x 20% = 100.000 đồng (chỉ bằng một nửa so với cách tính trước).
 
Trên đây chỉ là một ví dụ được đơn giản hoá. Trong thực tế, việc mua, bán của nhà đầu tư còn phức tạp hơn nhiều, có loại cổ phiếu, nhà đầu tư mua đi bán lại hàng chục lần, số lượng mỗi lần một khác… thì chắc chắn, sẽ còn rắc rối hơn.
 
Theo các chuyên gia về tài chính, trong hạch toán kinh doanh thông thường của các doanh nghiệp, có thể có 2 hình thức hạch toán đối với hàng hoá lưu kho là nhập trước – xuất trước (hàng vào trước tính xuất ra trước), hoặc nhập trước - xuất sau (hàng vào sau thì xuất ra trước).
 
Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp kinh doanh đều đã có chuẩn mực kế toán, cũng như hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp thực hiện và lựa chọn phương thức hạch toán.
 
Hơn nữa, các doanh nghiệp đều có một bộ máy kế toán chuyên nghiệp để thực hiện việc hạch toán cho công ty mình, trong khi đó, với nhà đầu tư cá nhân, đây có thể là một sự “đánh đố” không nhỏ, vì không phải nhà đầu tư nào cũng có khả năng và thời gian để ngồi tự hạch toán cho những khoản đầu tư rất rắc rối của mình.
 
Một số chuyên gia cho rằng, nếu không có sự chuẩn bị trước, nhà đầu tư có thể sẽ gặp xung đột về quan điểm với cơ quan thuế khi quyết toán thuế cuối năm.
 
Đưa ra lời tư vấn cho các nhà đầu tư, bà Trang cho biết, đối với những trường hợp có thể dẫn đến những cách hiểu khác nhau về sau, cách tốt nhất là trước khi kê khai thuế, nhà đầu tư nên có văn bản gửi cơ quan thuế đề nghị được hướng dẫn trước về những vấn đề mình chưa hiểu.
 
Sau đó, việc kê khai thực hiện theo hướng dẫn được cơ quan thuế trả lời, thì có thể tránh được những bất đồng về sau này.
 
Theo Hải Bằng
Báo Đầu tư