1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Phía sau người nổi tiếng: Vị Tổng giám đốc “mì gói”

Sinh năm 1969, tuổi Kỷ Dậu, Lê Hải Châu là người khá lận đận. Dấn thân vào con đường kinh doanh khi tuổi mới đôi mươi, không kinh nghiệm, không qua trường lớp, anh xác định mình vừa làm vừa học.

Anh tâm sự: Con người không sợ thất bại, chỉ sợ không có quyết tâm, không kiên trì. Vậy là vừa tự mày mò, vừa làm, Lê Hải Châu phát minh ra máy làm kem que, pháo hoa nhựa dùng trong lễ cưới, gạch không nung từ cát biển…
 
Đường giang hồ” dấn bước
 
Dấn thân “giang hồ” từ khi mới 9 tuổi, đó là Lê Hải Châu.

Phía sau người nổi tiếng: Vị Tổng giám đốc “mì gói” - 1

Còn nhớ ngày đó, không một đồng cắc trong người, cậu bé đã trốn bố mẹ, liều lĩnh nhảy tàu Bắc - Nam, ra Hà Nội chơi với bà cô ở phố Phùng Hưng. Thời bao cấp, chế độ tem phiếu không đủ nuôi các con, bà cô phải buôn thêm hàng vải, kiếm đồng ra đồng vào. Nhưng việc vận chuyển vải nếu bị đội thị trường phát hiện sẽ phạt rất nặng.
 
Giữa lúc tình thế nan giải, Châu xung phong giúp bằng cách quấn vải vào người, mang ra chợ cho cô bán. Sự liều lĩnh và láu lỉnh của cậu bé đã giúp gia đình nhà người cô qua được đận khó khăn. Nhưng điều được lớn hơn cả với Châu khi ấy, có lẽ chính là những chuyến đi.
 
Những chuyến đi Bắc - Nam với một câu bé còn tuổi thiếu niên thực sự là những chuyến đi “khám phá thế giới” và mở mang đầu óc. Nó giúp cho cậu bé cứng cáp và vững vàng hơn trong những bước đường trưởng thành sau này.
 
Khi tôi kể điều này với những đứa cháu của mình, chúng đã thực sự kinh ngạc. Bởi trong số ấy, có những cô cậu đã 12, 13 nhưng chưa một lần dám ra bến xe tự mua vé về quê. Chúng chỉ dám đi khi có bố mẹ làm bảo mẫu kèm bên. Chúng chưa thể làm việc đơn giản hơn là ra chợ mua rau, mua thức ăn cho một bữa cơm gia đình.
 
Cuộc sống của chúng là sáng bố mẹ đưa tới trường, phát cho tiền ăn trưa, chiều học thêm tại nhà cô giáo rồi tối bố mẹ đón về. Lịch trình sắp sẵn ấy khiến chúng trở thành những cỗ máy thụ động và ì ạch. Góp phần hình thành sự thụ động ấy của đám trẻ, có lỗi của chính người lớn.
 
Ở trường hợp của Lê Hải Châu: hoặc anh có sự may mắn là cha mẹ khuyến khích sự “dấn thân” của anh; hoặc chính anh đã chủ động thiết lập một cuộc sống cho riêng mình, thoát ra ngoài sự sắp đặt của cha mẹ.
 
Cái cây chỉ thực sự khoẻ mạnh khi nó được tắm mình trong nắng gió, chứ không phải núp vào những bóng râm, và né gió lớn. “Cái cây” Lê Hải Châu đã sớm bước ra đời, sẵn sàng đương đầu với những rủi ro, để tự mình học cách đứng lên. Chính tính cách ấy hình thành nên “văn hoá kinh doanh” của Lê Hải Châu nói riêng và sau này là Tập đoàn Chu Việt mà anh làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc.
 
Sẽ là thiếu sót nếu “bước đường dấn thân” của anh không kể đến những năm tháng làm nhiệm vụ tại Trường Sa. Đó có thể gọi là một câu chuyện hi hữu và cảm động. Vì khi đó anh mới 15 tuổi, chưa đủ tuổi nhập ngũ. Ở tuổi ấy, bạn bè của anh nô nức chọn trường đại học, mơ ước một công việc ở Sở nọ Viện kia… thì Châu lại muốn đi bộ đội.
 
Cha anh cũng là một người lính. Việc một người con nối nghiệp cha cũng không phải là điều lạ. Cha anh hoàn toàn ủng hộ điều ấy. Và ông lấy làm mừng vì người con mới 15 tuổi đã muốn góp phần nhỏ bé của mình vào công cuộc bảo vệ đất nước. Tuy nhiên ông chỉ biết đến điều này, khi Châu đã thực sự đứng vào trong hàng ngũ của người người chiến sĩ.
 
Để được nhập ngũ, Lê Hải Châu trốn ra Phú Khánh (nay là tỉnh Khánh Hòa ), khai báo mất giấy tờ và xin được nhập ngũ. Anh biết nếu làm đơn xin nhập ngũ ở gần nhà, nguy cơ bị phát giác ra tuổi thật là rất cao. Như vậy anh không có cơ hội thực hiện mơ ước của mình. Vậy là kế hoạch di chuyển địa bàn được Châu âm thầm tiến hành.
 
Nhìn khuôn mặt già trước tuổi và đen sạm của Châu, những cán bộ làm công tác tuyển tân binh năm ấy không ai nghĩ Châu mới chỉ 15 tuổi. Họ trân trọng những thanh niên nhiệt huyết. Và họ đã đón nhận Châu.
 
Nhập ngũ, Lê Hải Châu được làm quen với một cuộc sống hoàn toàn mới: nề nếp, chỉnh chu, chấp hành nghiêm kỉ luật. Đó là một môi trường tốt cho anh rèn luyện và hoàn thiện bản thân. Ít lâu sau thời gian huấn luyện, anh được đơn vị điều ra đảo Phan Vinh, thuộc Quần đảo Trường Sa để làm nhiệm vụ.
 
Kể về những năm tháng khó quên ấy, Lê Hải Châu luôn rất tự hào. Cuộc đời chiến sĩ nơi đảo xa, chỉ có trời và nước, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn trăm bề càng giúp anh hiểu hơn giá trị của cuộc sống và trách nhiệm của một công dân với Tổ quốc. Những ngày tháng gian lao ấy, nghĩa tình đồng đội đã tiếp theo sức mạnh cho anh, khiến anh vợi bớt nỗi nhớ đất liền. Chỉ mấy năm thôi nhưng anh đã đạt được rất nhiều thành tích không ngờ : 2 Bằng khen, 3 Giấy khen, và huy hiệu chiến sĩ thi đua 3 năm liền, Huy hiệu chiến sĩ vẻ vang...
 
Và sau này, dù đã ra quân, theo đuổi nghiệp kinh doanh, nhưng cho đến nay anh vẫn luôn xác định mình là một người lính. Những gì có thể giúp được cho anh em bộ đội, anh đều sẵn lòng. Không chỉ với tư cách một doanh nhân thành đạt, mà với tư cách một người đồng đội. Chính vì thế trong những năm qua anh luôn ưu tiên tài trợ cho các hoạt động, phong trào của cựu chiến binh cả nước, cũng chính từ đó anh thường xuyên nhận được Bằng khen của Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Hội Cựu chiến binh của các tỉnh thành trên cả nước.
 
Đứng lên từ những thất bại
 
Sinh năm 1969, tuổi Kỷ Dậu, nên khá lận đận. Dấn thân vào con đường kinh doanh khi tuổi mới đôi mươi, không kinh nghiệm, không qua trường lớp, anh xác định mình vừa làm vừa học. Anh tâm sự: Con người không sợ thất bại, chỉ sợ không có quyết tâm, không kiên trì. Vậy là vừa tự mày mò, vừa làm, Lê Hải Châu phát minh ra máy làm kem que, pháo nhựa dùng trong lễ cưới, gạch không nung từ cát biển…
 
Không ít lần việc sản xuất đổ bể, nợ nần không trả được, công ty bị phá sản; đơn thư nặc danh, vu cáo anh gửi đi khắp nơi. Và nỗi đau lớn nhất chính là người bạn đời - người đồng cam cộng khổ với anh bấy lâu - đã lặng lẽ xách vali ra đi…
 
Những nỗi đau dồn dập kéo đến với anh. Người khác rơi vào tình cảnh ê chề ấy, có lẽ là buông tay cho số phận. Nhưng không một lời oán thán, không một lời đổ tại cho sự may rủi, anh lại kiên cường đứng lên, làm lại từ con số 0. Mặc những nghi kị dèm pha, mặc những khó khăn đang giăng lưới phía trước, Lê Hải Châu luôn vững tin rằng: chính mình sẽ tạo ra số phận của mình.
 
“Thương trường là chiến trường” - anh thấm điều ấy từ chính những vấp váp, trải nghiệm đau thương của bản thân. Phẩm chất của người lính khi chuyển sang mặt trận mới đã giúp anh vượt qua thử thách.
 
Công ty Chu Việt (tên đầy đủ là Công ty cổ phần Tài chính Đầu tư Xây dựng Chu Việt) có thể coi là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của Lê Hải Châu. Với vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc, Lê Hải Châu quyết tâm điều hành Công ty “một mình một ngựa” lao vào mặt trận tiêu dùng mới, đó là lần đầu tiên trên thị trường Việt Nam xuất hiện các sản phẩm từ ngựa, bao gồm thịt ngựa, xúc xích ngựa, giò ngựa...
 
Vị tổng giám đốc “mì gói”
 
Không nhâm nhi café sáng và dùng điểm tâm trong các nhà hàng máy lạnh, vị Chủ tịch của tập đoàn Chu Việt có thói quen dùng… mì gói ngay tại văn phòng, giữa ngổn ngang giấy tờ và chuông điện thoại đổ réo rắt.
 
“Mỗi ngày tôi chỉ ngủ được chừng 3 tiếng.”
 
“Tại vì khó ngủ?”
 
“Không, tại vì không có thời gian để ngủ”.
 
Xoay trần từ sáng sớm đến tối mịt, điện thoại luôn ở tình trạng quá tải các cuộc gọi, không ít bạn bè thắc mắc: sức lực nào khiến Lê Hải Châu có thể bền bỉ được đến thế? Vừa nghiên cứu để cho ra các sản phẩm mới; vừa đi thăm dò, phát triển thị trường, Tổng giám đốc Lê Hải Châu có lẽ hợp với câu hát rằng “đời người là những chuyến đi”.
 
Đầu tháng 6 vừa qua, khi không khí World Cup làm nóng cả hành tinh, thì Lê Hải Châu lại dẫn quân sang Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan, Italia... Điểm trọng tâm của hành trình lần này là Trung tâm Hội chợ Paris Expo. Trong những hành trình sang xứ người anh luôn tận dụng thời gian để đi chợ, dạo trung tâm mua sắm, nghiên cứu sản vật địa phương, thói quen ăn uống tiêu dùng của dân bản địa, nhãn mác hàng hóa thực phẩm, dược phẩm, tên và địa chỉ các công ty thực phẩm có danh tiếng, thu mua hàng mẫu.
 
Sau đó anh sẽ thân chinh đi thăm các cơ sở sản xuất những mặt hàng mà anh thấy có thể có cơ hội làm ăn, chẳng hạn như nhập sản phẩm đó về phân phối tại quê nhà hay mua công nghệ, nhập thiết bị của họ về sản xuất tại Việt Nam. Nhưng điều chủ yếu nhất mà Tổng giám đốc Lê Hải Châu muốn hướng tới, đó đưa thương hiệu Việt, mà cụ thể là những sản phẩm dinh dưỡng đặc biệt và thực phẩm chức năng do Chu Việt sản xuất ra giới thiệu và phân phối tại nước ngoài...
 
Cách kinh doanh của Lê Hải Châu cũng lạ. Anh luôn muốn các khách hàng dùng thử sản phẩm trước khi quyết định mua. Khách dùng thử thấy tốt, đòi… thử nữa. Một lời cảm ơn đôi khi cũng không có. Nhưng anh không giận, chỉ buồn.
 
Có khách hàng chê bao bì của sản phẩm chưa đẹp, anh phân trần: tại muốn hạ giá thành sản phẩm tới mức thấp nhất, giúp nhiều người có điều kiện mua được sản phẩm của Chu Việt, chứ không muốn biến sản phẩm công ty thành thứ hàng mã sặc sỡ chỉ để biếu tặng cho sang.
 
Có người trách: sao không đưa hàng của công ty vào hệ thống siêu thị? Anh phân trần: Đã định đưa, nhưng thấy việc đảm bảo các điều kiện kĩ thuật như kho bãi, đảm bảo điều kiện cấp đông cho sản phẩm không đạt nên không thể đưa vào được. Khách hàng sử dụng sản phẩm không đảm bảo đúng quy cách có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ, điều ấy trái với nguyên tắc kinh doanh của công ty.
 
Vậy là tự anh khước từ cơ hội thu lợi nhuận bạc tỷ, để bảo vệ người tiêu dùng. Đó là phong cách của Lê Hải Châu.
 
Chia tay Lê Hải Châu ra về tôi thật tâm đắc với một câu mà Lê Hải Châu nói: “Khi mình sinh ra đời mình KHÓC còn mọi người CƯỜI. Mình sống sao để mai này có mất đi mình CƯỜI còn mọi người khóc tiếc thương. Chính vì thế mình còn sống chớ đem đến những nỗi buồn giận mà hãy đem đến cho tất cả mọi người niềm vui và hạnh phúc”...
 
Phía sau người nổi tiếng: Vị Tổng giám đốc “mì gói” - 2
Ông Châu (bên trái) với Giáo sư tại nhà thuốc Đồng Nhân Đường tại Trung Quốc