1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Vụ tập đoàn Anh sang kiện doanh nghiệp Việt Nam:

“Phần thắng sẽ thuộc về nguyên đơn!”

Ra toà thì chắc chắn phần thắng thuộc về Interbrand, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đổi tên để không còn chữ Interbrand trong tên thương mại của công ty mình.

Như đã đưa tin, hai doanh nghiệp tại TP.HCM là công ty cổ phần Thương hiệu quốc tế (Interbrand JSC) và công ty Truyền thông thương hiệu quốc tế (Inter Brand Media Co., Ltd) vừa bị Interbrand Group (Anh quốc) kiện ra toà án TP.HCM vì dùng từ “Interbrand” được cho là nổi tiếng.

 

Nói về vụ kiện này, ông Nguyễn Thanh Hồng, trưởng phòng Thực thi và giải quyết khiếu nại, cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) Việt Nam bình luận: do trình độ pháp luật của ta chưa cao như ở nước ngoài nên mới có chuyện tranh cãi rồi phải “đáo tụng đình”.
 

Các bị đơn nói họ không “ăn cắp” nhãn hiệu của Interbrand Group, vì công ty họ thành lập trước thời điểm Interbrand Group được cục SHTT Việt Nam cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam (ngày 6/5/2010)?

 

Interbrand Group là nhãn hiệu nổi tiếng và được bảo hộ theo điều 6bis Công ước Paris. Theo đó, nhãn hiệu nổi tiếng không cần phải đăng ký vẫn được bảo hộ. Việc đăng ký không tạo ra nhãn hiệu nổi tiếng. Những nhãn hiệu đã đăng ký rồi có thể bị huỷ vì những nhãn hiệu nổi tiếng, nên việc đăng ký hay chưa không phải quan trọng.

 

Đại diện Inter Brand Media cho rằng họ có cơ sở pháp lý để yêu cầu huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ của Interbrand Group tại Việt Nam?

 

Không có chuyện huỷ được văn bằng bảo hộ của Interbrand Group tại Việt Nam. Theo pháp luật Việt Nam, những nhãn hiệu nổi tiếng cũng có thể bị chấm dứt hiệu lực, bị huỷ nếu không sử dụng ở Việt Nam. Việc huỷ ở đây phải hiểu là huỷ phần bình thường của nhãn hiệu chứ không phải huỷ phần nổi tiếng của nhãn hiệu nổi tiếng. Interbrand Group đã nổi tiếng trên thế giới và sử dụng nhãn hiệu này ở Việt Nam từ năm 2001. Họ đã có rất nhiều hoạt động tại Việt Nam cho đến thời điểm này. Hơn nữa, toàn cầu hoá rồi, doanh nghiệp mình không thể nói rằng vì nhãn hiệu đó chưa vào Việt Nam, vì khái niệm vào hay chưa vào không có ý nghĩa với thời đại internet.

 

Nếu Inter Brand Media sử dụng nhãn hiệu này từ năm 1999 thì có thể coi đó là cơ sở, vì năm 2001 Interbrand Group mới vào Việt Nam. Song, hai nhãn hiệu trùng nhau toàn bộ, lại cùng trùng nhau lĩnh vực hoạt động - lĩnh vực đó từ trước tới nay ở Việt Nam chưa có - thì làm gì có chuyện anh không sao chép?

 

Như vậy tất cả các công ty ở Việt Nam sử dụng từ Interbrand trong tên thương mại, tên viết tắt tiếng Anh hay tên miền đều xâm phạm quyền của Interbrand?

 

Việc xác định vi phạm hay không còn tuỳ theo quan hệ của các tên thương mại này với nhãn hiệu nổi tiếng Interbrand. Nếu các tên viết tắt tiếng Anh, tên thương mại trùng hoặc liên quan đến lĩnh vực hoạt động của nhãn hiệu nổi tiếng thì không được. Theo nguyên tắc chung của luật SHTT thì nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ rộng hơn nhãn hiệu thông thường. Nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ theo hai cách tiếp cận: tương tự gây nhầm lẫn và làm tổn hại hình ảnh của nhãn hiệu. Nhãn hiệu thông thường chỉ được bảo hộ ở khía cạnh tương tự gây nhầm lẫn.

 

Các doanh nghiệp ta vẫn chưa “tâm phục khẩu phục”. Họ nói rằng nhãn hiệu Interbrand chưa thực sự được biết đến rộng rãi ở Việt Nam. Họ minh chứng việc nước mắm Phú Quốc hay cà phê Buôn Ma Thuột bị mất thương hiệu ở nước ngoài là do ta chậm chân?

 

Gọi Interbrand là nhãn hiệu nổi tiếng có thể không phù hợp với cách suy nghĩ của người Việt Nam chứ không phải không hợp lý theo nguyên tắc của luật SHTT. Người Việt Nam hiểu từ nổi tiếng nghĩa là người người, nhà nhà phải biết đến.

 

Trong khi đó nhãn hiệu Interbrand là nhãn hiệu nổi tiếng trong lĩnh vực định giá và tư vấn xây dựng thương hiệu. Lĩnh vực này - người sử dụng cuối cùng - nghĩa là người tiêu dùng bình thường có thể không thể biết được. Trường hợp này có thể gọi Interbrand là nhãn hiệu được sử dụng rộng rãi là đủ. Chỉ cần là nhãn hiệu sử dụng rộng rãi thôi đã đủ để Interbrand thắng rồi.

 

Nếu doanh nghiệp ta dẫn các trường hợp như Phú Quốc hay Buôn Ma Thuột để so sánh với trường hợp này, thì chúng tôi cũng phải nói thật là nếu trong trường hợp các doanh nghiệp Việt Nam đăng ký sử dụng nhãn hiệu có chữ Interbrand trước năm 2001 - trước khi Interbrand vào Việt Nam - thì có thể họ sẽ được bảo hộ - vì khi đó chúng ta chưa đủ hiểu biết pháp lý để ngăn chặn, dù nhãn hiệu này đã nổi tiếng ở nhiều nước trên thế giới. Các doanh nhân của ta cũng nên đặt câu hỏi rằng: nếu không coi Interbrand nổi tiếng ở Việt Nam thì liệu mình có bắt Trung Quốc phải công nhận nhãn hiệu Phú Quốc hay Buôn Ma Thuột là nhãn hiệu nổi tiếng hay không?

 

Về pháp lý là đã rõ ràng, vậy theo ông vì sao thụ lý từ năm 2010 mà tới nay toà án vẫn chưa đưa vụ việc ra xét xử?

 

Nếu vụ này ở nước ngoài thì quá đơn giản, doanh nghiệp Việt Nam thua “đứt đuôi con nòng nọc”, nhưng trình độ pháp luật của ta chưa cao như ở nước ngoài nên mới có chuyện tranh cãi rồi phải đáo tụng đình. Ở nước ngoài, án lệ về trường hợp này rất nhiều. Như Anh quốc thì họ có lịch sử hàng trăm năm về SHTT nên Interbrand chỉ cần lôi lại các vụ cũ, từng thắng ở nơi khác là mình đã thua rồi.

 

Ông Đỗ Đức Vân Hồng là thẩm phán tốt nhất của Việt Nam về SHTT, nhưng tôi cho rằng để tuyên những vụ này đòi hỏi phải có tính chất tiên phong, đây là vụ chưa có tiền lệ. Từ xưa tới nay toà thường tuyên các vụ đã rõ ràng, với vụ này vừa dính đến xác lập quyền và lại là nhãn hiệu nổi tiếng. Thẩm phán Việt Nam xử vụ này hơi khó, ông Hồng có thể xử được nhưng cấp phúc thẩm có thể không hiểu. Vấn đề không phải là một cá nhân mà là một hệ thống.

 

Theo ông, ứng xử nào được xem là khôn ngoan đối với các doanh nghiệp đang bị Interbrand Group bắt phải “đáo tụng đình”?

 

Ra toà thì chắc chắn phần thắng thuộc về Interbrand, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đổi tên để không còn chữ Interbrand trong tên thương mại của công ty mình. Tôi cho rằng doanh nghiệp ta khôn ngoan nhất là nên hoà hoãn, để phía bên kia chấp nhận cho dùng tên tiếng Việt. Còn cứ để chùng chình như hiện nay có thể toà khó xử nhưng doanh nghiệp ta sẽ bị gắn cái mác ăn cắp, ăn trộm thương hiệu của người khác, như thế không hay chút nào.

 

 Cục SHTT ngày 23/12/2009 đã từng ra quyết định từ chối đơn đăng ký nhãn hiệu “INTERBRAND CORPORATION sánh bước thành công” của công ty cổ phần Thương hiệu quốc tế mặc dù công ty này nộp đơn trước (năm 2006) đơn đăng ký nhãn hiệu của INTERBRAND Group được nộp ở Việt Nam. Lý do từ chối là bởi nhãn hiệu mà công ty cổ phần thương hiệu quốc tế xin đăng ký trùng với nhãn hiệu nổi tiếng Interbrand.

 

Ông Nguyễn Thanh Hồng, trưởng phòng Thực thi và giải quyết khiếu nại, cục SHTT Việt Nam cho biết, cục này thường xuyên khuyến cáo: để không “dính” phải những vụ kiện tụng phiền phức có thể ảnh hưởng tới uy tín kinh doanh trên thương trường, đã đến lúc doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu các thông tin về quyền khi quyết định lựa chọn nhãn hiệu hay tên thương mại cho mình. Cục SHTT hiện nay đã đưa các dữ liệu về đăng ký nhãn hiệu lên mạng internet. Doanh nghiệp có thể dễ dàng tra cứu khi gõ vào địa chỉ www. noip.gov.vn. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể tra cứu các thông tin về nhãn hiệu hay nhãn hiệu nổi tiếng trên trang web của tổ chức SHTT thế giới www. wipo.int.

 

Theo Sơn Phương
SGTT