1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Nợ xấu của ngân hàng nào cao nhất?

(Dân trí) - Số liệu vừa công bố của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước cho thấy, con số nợ xấu của 4 “đại gia” ngân hàng đã lên tới hơn 46.600 tỷ đồng. Trong đó, nợ xấu toàn hệ thống Agribank hơn 27.800 tỷ đồng.

Nợ xấu ngân hàng đang phình to (ảnh minh họa).
Nợ xấu ngân hàng đang phình to (ảnh minh họa).

Nợ xấu 4 “đại gia” ngân hàng hơn 46.600 tỷ đồng

Theo công bố của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), tính đến ngày 31/12/2012, nợ xấu toàn hệ thống Agribank hơn 27.800 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ xấu 5,8% trên tổng dư nợ.

Cũng tính đến 31/12/2012, tổng dư nợ cho vay (cả ngoại tệ quy đổi VND) đạt 480.453 tỷ đồng, tăng 36.576 tỷ đồng (tương đương 8,2%) so với cuối năm 2011, đạt mục tiêu tăng trưởng dư nợ từ 8% - 10% đề ra năm 2012. Dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 320.075 tỷ đồng, tăng 37.082 tỷ đồng (+13,1%) so với cuối năm 2011, chiếm tỷ lệ gần 70% tổng dư nợ cho vay, cao hơn mức tăng dư nợ bình quân...

Còn theo Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV), dư nợ tín dụng đạt 324.218 tỷ đồng, tăng trưởng 16,2%; nợ xấu ở mức 2,77% so với tổng dư nợ, tương đương 8.980 tỷ đồng. BIDV cho biết đã trích dự phòng rủi ro khoảng 6.730 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính quý IV/2012 của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương (VietcomBank) cho biết, ngân hàng mẹ Vietcombank đạt 10.702 tỷ đồng thu nhập lãi thuần và 4.269 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm lần lượt 12% và 5,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến ngày 31/12/2012, giá trị cho vay khác hàng tại Vietcombank là 239.773 tỷ đồng, tăng trưởng 15,23% so với đầu năm. Trong đó, nợ xấu là 5.398 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 2,25%. Còn giá trị tiền gửi của khách hàng tại ngày 31/12 là 285.197 tỷ đồng, tăng 24,15%.

Cũng tính đến ngày 31/12/2012, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VietinBank) đạt 8.213 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế; Tổng tài sản của ngân hàng tăng 9,8% lên trên 505 nghìn tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tín dụng tăng 13,3% và nguồn vốn tăng 9,4%. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng là 1,35%, tương đương khoảng 4.464 tỷ đồng; ROE đạt 19,8%, ROA đạt 1,6%.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Hà Nội cho hay, đến 31/12/2012, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn đạt 896.884 tỷ đồng, tăng 9,13% so với cuối năm 2011. Tổng dư nợ tín dụng của các TCTD trên địa bàn Hà Nội đạt 652.926 tỷ đồng, tăng 11,39% so với 31/12/2011 (cao hơn mức 8,91% của toàn ngành ngân hàng). Trong đó, dư nợ tín dụng VND có tốc độ tăng trưởng khá cao (16,2%), chiếm 72,83%; dư nợ tín dụng ngoại tệ tăng 0,27%, chiếm 27,17%.

Tuy nhiên, hoạt động tín dụng vẫn gặp khó khăn, nợ xấu có xu hướng tăng cao, nhiều doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn của ngân hàng. Tính đến 31/12/2012, tỷ lệ nợ xấu trên địa bàn là 5,04%, tăng 1,63% so với 31/12/2011.

NHNN chi nhánh Hà Nội cho biết, năm 2013 sẽ chỉ đạo các TCTD thúc đẩy tín dụng tăng trưởng ngay trong qúy I/2013, đảm bảo tăng trưởng tín dụng của địa bàn khoảng 12 - 14% so với cuối năm 2012.

Phân loại nợ chặt chẽ hơn

Trong thông điệp đầu năm của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình, vị “tổng tư lệnh” ngành cho rằng: Năm 2013, nền kinh tế nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nhiệm vụ đặt ra đối với ngành ngân hàng rất nặng nề, trong đó trọng tâm là thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng cường quản lý thị trường vàng, thị trường ngoại tệ.

Đồng thời, NHNN tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng đảm bảo đến năm 2015 phát triển hệ thống tín dụng theo hướng hiện đại, an toàn, hiệu quả và hội nhập vào kinh tế thế giới.

Hiện tại, NHNN đã ban hành Thông tư 02 quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo đó, việc phân loại nợ để trích lập dự phòng cụ thể được quy định lại theo hướng siết chặt hơn so với Quyết định 493 và Quyết định 18.

Nợ nhóm 1 và Nợ nhóm 2 hầu như vẫn giữ như các quy định trước đây. Tuy nhiên, với các khoản nợ xấu (nợ nhóm 3, 4 và 5) đã được Ngân hàng Nhà nước bổ sung thêm nhiều đối tượng. Tỷ lệ nợ xấu sẽ được tính bằng tỷ lệ giữa nợ xấu so với tổng nợ từ nhóm 1 đến nhóm 5, còn quyết định 493 trước đây không quy định cụ thể cách tính này.

Các mức dự phòng cụ thể được trích cho các nhóm nợ từ 1 đến 5 vẫn giữ nguyên so với quy định tại Quyết định 493 là 0%, 5%, 20%, 50% và 100%. Mức dự phòng chung vẫn giữ nguyên là 0,75% tổng dư nợ từ nhóm 1 đến nhóm 4.

Nguyễn Hiền