1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Những CEO dở nhất năm 2011

(Dân trí) - Thiên tai, khủng hoảng kinh tế đã gây ra không ít khó khăn cho việc kinh doanh của các nghiệp đoàn trong năm 2011. Để vượt qua khủng hoảng, các CEO buộc phải đưa ra nhiều quyết định quan trọng. Và không ít trong số đó là những sai lầm nghiêm trọng.

Dưới đây là danh sách 10 CEO dở nhất năm 2011 do tạp chí Forbes đưa ra.

 

1. Masataka Shimizu

Công ty: Tokyo Electric Power Co. (Tepco)

 

Những CEO dở nhất năm 2011 - 1
Sau khi xảy ra thảm họa động đất và sóng thần hồi tháng 3 tại Nhật Bản vừa qua là những vụ nổ tại các lò phản ứng lỗi thời của tập đoàn điện lực Tokyo (Tepco) đã gây ra rò rỉ phóng xạ tồi tệ nhất kể từ thảm họa nguyên tử Chernobyl (Ukraine) năm 1986. Kể từ đó, ông Masataka Shimizu - Chủ tịch Tepco ít xuất hiện trước công chúng và ông từ chức hồi tháng 5 vừa rồi.

 

Sau khi để xảy ra rò rỉ phóng xạ, hãng điều hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 này đã tạm bồi thường một phần cho người dân chạy nạn do sự cố hạt nhân ở nhà máy này. Tổng số tiền dự chi ban đầu lên tới 50 tỷ Yen. Vì số tiền bồi thường của Tepco có thể lên tới hàng nghìn tỷ yen nên công ty này đã đề nghị sự giúp đỡ từ phía Chính phủ. Đồng thời, công ty này cũng đã rao bán các nhà xưởng và bất động sản của công ty trị giá tương đương 100 tỷ yen thuộc sở hữu của tập đoàn để trang trải khoản nợ lớn mà công ty này đang gánh vác.

 

Cùng ngày ông Shimizu tuyên bố từ chức, Tepco đã công bố mức lỗ ròng hàng năm là 125.000 tỷ yen (15 tỷ USD). Đây là mức thua lỗ kỷ lục đối với một doanh nghiệp phi tài chính của Nhật Bản.

 

2. William Weldon

Công ty: Johnson & Johnson (J&J)

 

Những CEO dở nhất năm 2011 - 2
Trong năm 2011, hãng dược phẩm J&J tiếp tục phải thu hồi sản phẩm và vẫn chưa tìm được cách loại bỏ hai chất gây ung thư trong sản phẩm dành cho trẻ em tại Mỹ của mình.

 

Hồi tháng 4/2010, Johnson & Johnson đã thu hồi 136 triệu chai Tylenol cho trẻ em, Benadryl, Motrin, và hàng tá các sản phẩm khác. Gần đây nhất công ty này tiếp tục cho thu hồi 57.000 chai Topamax, một loại thuốc chống động kinh. Nguồn gốc rắc rối của các sản phẩm như Tylenol và Motrin được xác định là tại các nhà máy điều hành bởi công ty con McNeil ở Pennsylvania và Puerto Rico. Ngay sau vụ việc này doanh số của sản phẩm Tylenol giảm đến 90%.

 

3. Rupert Murdoch

Công ty: News Corp

 

Những CEO dở nhất năm 2011 - 3
Năm 2011 đã xảy ra vụ bê bối truyền thông lớn nhất nước Anh khi những tờ báo lá cải ở Anh thuộc quyền sở hữu của ông trùm truyền thông Rupert Murdoch bị phát hiện đã sử dụng các thám tử tư và chuyên gia tin tặc thuộc đủ thành phần để moi móc thông tin đời tư, bí mật của những người nổi tiếng. Sau vụ bê bối này, News Corp. buộc phải dừng News of the World, một trong những báo lá cải lâu đời và bán chạy nhất nước Anh, và hàng nghìn người lao động mất việc làm. Rupert Murdoch đã không thể giải quyết được vụ bê bối, giải pháp của ông bị chỉ trích là chỉ ngăn chặn chứ không là sửa chữa.

 

4. Michael Lazaridis và Jim Balsillie

Công ty: Research in Motion (RIM)
 
Những CEO dở nhất năm 2011 - 4
Năm 2011, điện thoại BlackBerry và máy tính bảng PlayBook của RIM tiếp tục mất thị trường cho đối thủ cạnh tranh là iPhone,iPad của Apple và các sản phẩm sử dụng hệ điều hành Android của Google. Đến nay, cổ phiếu của RIM đã giảm 70%.

 

Những khó khăn của RIM là do vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt của các đối thủ và sự chậm trễ trong việc ra mắt hệ điều hành 2.0 cho Playbook.

 

5. Reed Hastings

Công ty: Netflix

 

Những CEO dở nhất năm 2011 - 5
Hai quyết định sai lầm của Hastings đã khiến công ty cho thuê băng đĩa nổi tiếng Netflix chao đảo. Vào tháng 7 vừa qua, sau khi đối thủ cạnh tranh lớn nhất của công ty là Blockbuster phá sản, Netflix quyết định tăng 60% phí hàng tháng. Sau quyết định đó, rất nhiều khách hàng đã hủy đăng ký dịch vụ. Để khắc phục tình hình, Giám đốc điều hành Reed Hastings bất ngờ đưa ra tuyên bố Netflix được tách ra làm hai. Tuy nhiên khách hàng liên tục phàn nàn về việc chia tách này do gặp phải nhiều khó khăn trong quá trình sử dụng dịch vụ. Netflix cuối cùng đã hủy bỏ kế hoạch này sau một tháng thực hiện.

 

Trong vòng ba tháng tăng phí, Netflix mất ít nhất 800.000 khách hàng. Cổ phiếu của công ty đã sụt giảm một cách thê thảm từ 304 USD xuống còn 71 USD. Vào tháng 11, công ty cho biết kinh doanh của công ty sẽ tiếp tục gặp khó khăn cho đến hết năm 2012.

 

6. Léo Apotheker

Công ty: Hewlett Packard (HP)

 

Những CEO dở nhất năm 2011 - 6
Chỉ trong 11 tháng giữ chức CEO của HP, Apotheker đã khiến giá cổ phiếu của công này xuống 47% bằng hàng loạt những quyết định sai lầm như ngừng cung cấp thiết bị máy tính bảng HP sau vài tháng tung ra thị trường, hay trả đến 11,7 tỷ USD khi mua lại một công ty phần mềm Anh. HP đã công bố sẽ rút lui hoàn toàn khỏi thị trường kinh doanh máy tính bảng. Sau chưa đầy một năm tại vị, Leo Apotheker đã bị tước quyền CEO của HP.

 

7. Jon Corzine

Công ty: MF Global

 

Những CEO dở nhất năm 2011 - 7
Quyết định đầu tư 11,5 tỷ USD (phần lớn trong số tiền đầu tư này là từ vay mượn mà có được) vào trái phiếu châu Âu thất bại thảm hại do cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực này. Tồi tệ nữa là, để cố gắng giải quyết tình trạng tiền mặt giảm nghiêm trọng, công ty này đã dùng tới tiền của tài khoản của khách hàng.

 

Theo báo cáo của Cục Điều tra Liên bang Mỹ, hơn 1 tỷ USD trong các tài khoản của khách hàng đã bị mất tích. Điều này đã khiến cho hãng môi giới chứng khoán hàng đầu của Mỹ MF Global trở thành nạn nhân đầu tiên của cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng tiền chung châu Âu sau khi chính thức tuyên bố phá sản hôm 31/10 vừa qua. Ngay sau đó, Jon Corzine cũng đã tuyên bố từ chức.

 

8. Brian Moynihan

Công ty: Bank of America

 

Những CEO dở nhất năm 2011 - 8
Cuối tháng 9/2011, ngân hàng Bank of America công bố một kế hoạch thu phí 5 USD/tháng đối với các khách hàng sử dụng thẻ ghi nợ. Mức phí này được xem là một trong những lý do làm cuộc biểu tình “Chiếm Phố Wall” trở nên căng thẳng hơn. Nhiều người biểu tình đã tràn vào các chi nhánh của ngân hàng này trên khắp nước Mỹ đã bày tỏ sự phản đối kế hoạch thu phí. Chính Tổng thống Obama cũng đã gọi mức phí 5 USD này là “một quyết định kinh doanh sai lầm”. Đầu tháng 11 vừa qua, Bank of America đã hủy bỏ quyết định trên, nhưng tình hình vẫn tiếp tục xấu đi. Cổ phiếu của ngân hàng trượt dốc thể thảm từ mức 15 USD hồi cuối tháng 1 xuống còn 5 USD. Chỉ trong vòng 1 tháng, Bank of America cùng các ngân hàng lớn khác đã mất tới 650.000 tài khoản khách hàng.

 

Ngọc Trang

Theo Forbes