1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Nhọc nhằn tái định cư cho dự án thủy điện

(Dân trí) - Thừa đất ở nhưng thiếu đất canh tác, đào hàng trăm giếng dự án song dân vẫn không có nước sinh hoạt, thiếu lương thực lúc giáp hạt… Đó là những bất cập của người dân gặp phải khi dành đất cho dự án thủy điện để tái định cư ở nơi mới.

Khó khăn đủ bề
 
Để giảm thiểu tác động bất lợi và ổn định cuộc sống cho người dân bị thu hồi đất và tái định cư, chủ trương chung của Đảng và Nhà nước xác định công tác di dân tái định cư (TĐC) là hợp phần quan trọng trong các dự án xây dựng công trình thủy điện và nhấn mạnh rằng công tác TĐC phải “đảm bảo cuộc sống vùng TĐC tốt hơn hoặc ít nhất là bằng nơi ở cũ”.
 
Tuy nhiên, với tính chất và đặc điểm của công trình thủy điện được xây dựng chủ yếu ở khu vực thuộc địa bàn khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống theo cộng đồng và có phong tục tập quán canh tác, văn hóa truyền thống đa dạng, nên việc thu hồi đất làm nảy sinh nhiều vấn đề kinh tế - xã hội, mai một bản sắc văn hoá và tranh chấp tài nguyên liên quan đến người dân có đất bị thu hồi...
 
Nhọc nhằn tái định cư cho dự án thủy điện - 1

Cuộc sống nơi tái định cư của người dân trong các dự án thủy điện (ảnh: Dân Việt)

Ông Hà Văn Ý - Chủ tịch UBND xã Yên Hòa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, cho biết: “Do dự án tái định cư cho dân còn thiếu tập trung, triển khai chậm, một số loại cây trồng vật nuôi được đầu tư chưa phù hợp với điều điều kiện canh tác và chăn nuôi nên hiệu quả kinh tế rất thấp. Đường sá đi lại ở vùng tái định cư quá khó khăn nên các sản phẩm hàng hóa do nông dân sản xuất ra khó tiêu thụ, thu nhập của người dân không ổn định.

Sau 30 năm tái định cư, đời sống của người dân vùng lòng hồ Sông Đà vẫn gặp rất nhiều khó khăn; kinh tế - xã hội chậm phát triển; tình trạng thiếu lương thực lúc giáp hạt vẫn còn phổ biến; tỷ lệ hộ nghèo còn cao (chiếm 63%); nhiều hộ phải chuyển vào miền Nam, Tây Nguyên để sinh sống”.

Còn tại vùng Tây Nguyên - nơi các dự án thủy điện đã và đang được xây dựng, cuộc sống của những người dân phải dời nhà dành đất cho dự án khi đến các vùng TĐC có những điều kiện về nhà ở, điện, đường, trường học, trạm y tế… cơ bản ổn định cuộc sống và tư tưởng.

Nhưng, từ thực tế tổ chức TĐC, ông Nguyễn Văn Niệm - Chủ tịch UBND xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum nêu lên nhiều vấn đề còn bất cập, tồn tại ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống của các hộ dân tái định cư.

“Đất ở cộng với đất vườn TĐC chỉ có 400m2 là quá ít, không phù hợp với hộ gia đình là người dân tộc thiểu số có từ 6 - 10 nhân khẩu trở lên, nên các hộ gia đình không thể bố trí cho con cái tách hộ lập vườn. Người dân không thể bố trí chuồng trại để chăn nuôi, phát triển kinh tế vườn và các vấn đề liên quan đến tổ chức sinh hoạt văn hóa bản sắc của gia đình với cộng đồng.

Mật độ giếng nước sinh hoạt quá dày, đơn cử như thôn Đăk Wơk của xã Hơ Moong có 220 hộ tái định cư trên 8,8ha đất, nhưng có tới 220 cái giếng nước trên 1 quả đồi nhỏ cao hơn mực nước lòng hồ thủy điện 30m nên tình trạng thiếu nước sinh hoạt xảy ra thường xuyên” - ông Niệm chỉ rõ.

Ngoài vấn đề thiếu quỹ đất sản xuất và đầu tư cây con chưa hợp lý, ông Niệm khẳng định: “Chế độ hỗ trợ tái định cư khi một hộ di dời về nơi ở mới 12 tháng lương thực và 3 triệu đồng cho công tác khuyến nông trong 3 năm đầu là chưa đủ mạnh để hộ dân TĐC ổn định đời sống và phát triển kinh tế gia đình”.

Chia thêm đất, tăng đầu tư

Nói về nguyên nhân của thực tế TĐC, ông Nguyên Công Quân - Ban quản lý Dự án 747/472 Hòa Bình cho rằng: “Phần đông người dân phải di chuyển từ nơi đất tốt sang vùng ít đất, đất xấu và thiếu nước, trong khi đó tỷ suất đầu từ cho phát triển sản xuất chỉ chiếm 4,8% tổng vốn TĐC. Đây là bất cập lớn về chính sách. Cùng với đó, nhiều dự án quá gấp về tiến độ đã dẫn tới thời gian di chuyển và ổn định đời sống người dân quá ngắn khiến người dân mang tâm trạng lo lắng, hoang mang ”.
 
Nhọc nhằn tái định cư cho dự án thủy điện - 2
Ông Nguyễn Văn Niệm - Chủ tịch UBND xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum

Liên quan đến vấn đề đất vườn, ông Nguyễn Văn Niệm - Chủ tịch UBND xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, nhấn mạnh: “Nên gắn liền với sản xuất Nông nghiệp và chia cho 1 hộ dân TĐC khoảng từ 1.000 - 2.000m2 đất, trong đó ngoài đất ở người dân có thể phát triển kinh tế vườn và giải quyết các vấn đề khác; đất nông nghiệp từ 2 - 3ha, đất sản xuất không xa làng quá 3km. Ngoài ra, thay vì hỗ trợ cho hộ tái định cư 24 tháng lương thực thì nên hỗ trợ đến khi họ thật sự ổn định (3 - 5 năm).

Về nước sạch, nên khảo sát kỹ lưỡng chứ không nên xây dựng ồ ạt cho xong hàng trăm giếng dự án nhưng dân không có nước để dùng, nếu có điều kiện nên xây dựng hệ thống nước tự chảy hoặc giếng khoan”.

Theo ông Hà Văn Ý - Chủ tịch UBND xã Yên Hòa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình: “Cần phải có sự đầu tư bằng các chương trình dự án, xây dựng cơ sở hạ tầng đầu tư phát triển sản xuất, đầu tư hỗ trợ các loại cây con phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng địa phương tạo thành vùng hàng hóa tập trung; gắn liền thị trường tiêu thụ với chế biến sản phẩm để người dân có thu nhập ổn định.

Ngoài ra, nên đào tạo nghề tại chỗ nhằm giải quyết việc làm cho người lao động, có chính sách trợ cước trợ giá đối với sản phẩm do người nông dân sản xuất ra và nâng mức đầu tư cho công tác trồng và bảo vệ rừng phòng hộ Sông Đà”.

Bên cạnh đó, các tổ chức, đơn vị được giao nhiệm vụ phải có trách nhiệm đến cùng về toàn bộ quá trình di dân, TĐC liên quan đến các vấn đề về nhà ở, hạ tầng, thủy lợi, đền bù… để đảm bảo đời sống của người dân dời nhà dành đất cho thủy điện khi đến nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ.
 

Trong giai đoạn 1995- 2009, đã có 22 công trình lớn được xây dựng trên cả nước, chiếm dụng tới 81.622 ha đất và buộc phải di dời, tái định cư (TĐC) 39.777 hộ gia đình với 193.780 nhân khẩu. Trong đó số hộ nghèo và là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 85%, gấp hơn 3 lần so với giai đoạn trước.

Kết quả tổng hợp từ các quy hoạch phát triển thuỷ điện của Bộ Công thương (theo tổng sơ đồ VI và quy hoạch của các địa phương), tổng số công trình thuỷ điện cả nước dự kiến xây dựng khoảng 1021 công trình phân bố ở 36 tỉnh với tổng công suất thiết kế khoảng hơn 24 nghìn MW.

Quỳnh Anh