1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Nhìn lại thương vụ chuyển nhượng trị giá 90 triệu USD của Bia Huế

(Dân trí) - Vào tháng 12/2011, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã quyết định chuyển nhượng lại 50% phần vốn góp trong Công ty TNHH Bia Huế cho đối tác Carlsberg International A/S, thu về 1.875 tỷ đồng. Đây được xem là thương vụ thành công nhất của tỉnh trong năm 2011.

Trước khi chuyển nhượng, Bia Huế vốn là công ty TNHH 2 thành viên. Phía Việt Nam, đại diện là Công ty TNHH Nhà nước 1 thành viên Xổ số kiến thiết tỉnh Thừa Thiên Huế. Phía nước ngoài là tập đoàn Carlsberg International A/S. Mỗi bên góp 9,854 triệu USD, chiếm 50% vốn đều lệ công ty liên doanh. Thời hạn hoạt động là 30 năm, kể từ ngày 6/4/1994.

Từ lúc thành lập năm 1994 đến nay, Bia Huế là công ty làm ăn phát triển, luôn dẫn đầu trong việc đóng góp nguồn nguồn ngân sách của Tỉnh, bình quân chiếm từ 1/3 tổng thu ngân sách hàng năm của tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhằm thực hiện yêu cầu của tỉnh ủy để đổi mới, phát triển các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn, từ năm 2009, tỉnh đã có chủ trương chuyển phần vốn góp tại công ty TNHH Bia Huế.

Nhìn lại thương vụ chuyển nhượng trị giá 90 triệu USD của Bia Huế  - 1
Công ty TNHH Bia Huế

Nhằm xác định giá chuyển nhượng, tỉnh đã thuê đơn vị tư vấn định giá là liên doanh giữa Công ty TNHH Kiểm toán và định giá Việt Nam với công ty TNHH Dịch vụ kiểm toán và tư vấn UHI (Hà Nội); đồng thời tổ chức đấu thầu rộng rãi. Sau khi giá tư vấn được đề xuất là 840 tỷ đồng, tương đương 40 triệu USD, cộng với số vốn góp ban đầu là 9,854 triệu USD và tính luôn quá trình tăng trưởng theo thời gian, tỉnh đã ra con số chuyển nhượng phần vốn cho đối tác là 1.875 tỷ đồng, tương đương khoảng 90 triệu USD - giá này đã bao gồm giá trị lợi thế kinh doanh, trong đó có giá trị thương hiệu (đây là mức giá 50% phần vốn của Bia Huế tại thời điểm năm 2011).

Theo các điều lệ liên doanh đã ký kết cộng với Luật doanh nghiệp ở điều 44 quy định việc “Chuyển nhượng phần vốn góp”: tỉnh Thừa Thiên - Huế (là đơn vị đối tác thứ nhất) phải: 1.Chào bán phần vốn cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện; 2.Chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là thành viên nếu các thành viên còn lại của công ty không mua hoặc không mua hết trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày chào bán.

Chủ trương chuyển nhượng của tỉnh Thừa Thiên - Huế đã được công khai theo quy định và sự thống nhất giữa UBND tỉnh và thường trực HĐND tỉnh dưới sự chỉ đạo của Thường vụ tỉnh ủy. Nhận thấy Carlsberg International A/S  là đối tác thứ 2 của tỉnh và hội đủ được rất nhiều yếu tố để chuyển nhượng phần vốn như: Là tập đoàn bia lớn thứ 4 thế giới và tập đoàn bia hàng đầu khu vực châu Âu, châu Á; Carlsberg là nhãn hiệu bia cao cấp quốc tế; Là nhà đầu tư có tiềm lực và kinh nghiệm trong sản xuất, tiếp thị bia... Việc chuyển nhượng cho Carlsberg International A/S được đảm bảo trong yêu cầu của tỉnh là nâng công suất Bia Huế lên 350 triệu lít/năm vào năm 2015 và phấn đấu đạt 1 tỷ lít/năm cho giai đoạn kế tiếp.

Khi Bia Huế trở thành 100% vốn nước ngoài, nhà đầu tư sẽ chủ động mở rộng thị trường và sản xuất kinh doanh. Điều này cũng phù hợp trong tình hình cạnh tranh khốc liệt giữa các hãng bia trong nước khi mà Công ty TNHH Bia Huế chỉ chiếm khoảng 8% thị phần bia Việt Nam. Muốn tồn tại và phát triển chỉ có một cách duy nhất là phải mở rộng công suất, đầu tư vào thương hiệu, chất lượng sản phẩm v.v… nhằm đạt mục tiêu chiến lược đề ra là chiếm 15-20% thị phần bia nội địa trong những năm tới.

Để thực hiện điều này, 2 đối tác là tỉnh Thừa Thiên - Huế và tập đoàn Carlsberg phải đóng góp thêm vốn. Tuy nhiên, nguồn vốn quá lớn nên tỉnh không thể đóng vào được trong điều kiện toàn tỉnh phải dốc toàn lực thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và đô thị theo kết luận 48/KL-BCT của Bộ Chính trị nhằm tiến lên thành phố trực thuộc Trung ương trong vài năm tới.

Vì vậy, sau khi đã cân nhắc lựa chọn kỹ trong nhiều phương án, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định chuyển nhượng toàn bộ phần góp vốn cho đối tác là phương án tối ưu, đem lại nhiều lợi ích nhất cho cả tỉnh Thừa Thiên Huế, tập đoàn Carlsberg, Bia Huế cũng như hàng ngàn lao động của Công ty và hệ thống phân phối của Bia Huế trên toàn quốc. Đặc biệt, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ có một nguồn ngân sách không hề nhỏ: 1.875 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này sẽ được tỉnh dùng để đầu tư nhiều dự án công trình trọng điểm. Mặt khác, khi tăng công suất và sản lượng tiêu thụ của Bia Huế, tỉnh sẽ có lợi thêm khi việc thu ngân sách về thuế sẽ được tăng cao. Bên cạnh đó, còn thúc đẩy các doanh nghiệp, cơ sở hoạt động phụ trợ có điều kiện phát triển, tạo ra thêm nhiều công ăn việc làm, tăng sức cạnh tranh nhân lực có chuyên môn cao cho tỉnh Thừa Thiên Huế…

Nhìn lại thương vụ chuyển nhượng trị giá 90 triệu USD của Bia Huế  - 2
Lễ ký kết giữa UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và tập đoàn Carlsberg International A/S về việc tỉnh chuyển nhượng lại 50% cổ phần vốn góp trong công ty TNHH Bia Huế cho tập đoàn này

Bên lề câu chuyện, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn nhanh với ông Nguyễn Mậu Chi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bia Huế, người trực tiếp dẫn dắt “con tàu” Bia Huế - nguồn thu ngân sách chính của tỉnh Thừa Thiên Huế - để làm rõ hơn một số khía cạnh của câu chuyện này.

Cty Bia Huế đã chính thức chuyển nhượng 50% cổ phần còn lại cho Carlsberg. Đó có phải là quyết định đúng lúc hay không, thưa ông?

Công ty Bia Huế bắt đầu hoạt động từ năm 1990, đến nay đã được 21 năm. Lịch sử hình thành và phát triển của Công ty trải qua 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ 1990 đến 1994, Bia Huế thuộc sở hữu của Việt Nam 100%, có quy mô ban đầu khá nhỏ với công suất 3 triệu lít bia/năm, sản phẩm chủ yếu là bia Huda luôn được thị trường tích cực đón nhận, nên nguồn cung thường không đáp ứng kịp nhu cầu của thị trường.

Bia Huế đứng trước yêu cầu khách quan là phải đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng thị trường. Trong điều kiện khó khăn vào giai đoạn đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định Bia Huế liên doanh với tập đoàn Bia Carlsberg, nhằm giải quyết vấn đề vốn đầu tư, tìm kiếm công nghệ sản xuất cùng kinh nghiệm và năng lực quản lý kinh doanh hàng đầu của Châu Âu với mục tiêu đưa Bia Huế phát triển nhanh hơn nữa. Tôi cho đó là một quyết định đúng đắn của Lãnh đạo Tỉnh thời kỳ đó.

Giai đoạn 2 từ 1994 đến 2011, Bia Huế là doanh nghiệp liên doanh với sở hữu vốn góp mỗi bên 50%. Giai đoạn này Bia Huế đã không ngừng phát triển, công suất và sản lượng tiêu thụ đã tăng từ 15 triệu lít lên đến xấp xỉ 200 triệu lít vào năm 2010, thị trường liên tục được mở rộng, sản phẩm đa dạng phong phú, thương hiệu ngày càng lớn mạnh, đóng góp ngân sách luôn dẫn đầu toàn tỉnh. Đến nay, Bia Huế đã trở thành một trong những công ty bia hàng đầu Việt Nam.

Tuy nhiên, một lần nữa Bia Huế lại đứng trước những thách thức lớn - nhưng đồng thời cũng mở ra những cơ hội lớn - đó là, mặc dù có những bước phát triển khá nhanh, nhưng Bia Huế phải đối mặt với nền kinh tế khó khăn và đặc biệt là áp lực cạnh tranh vô cùng khốc liệt trên thị trường bia trong nước cũng như quốc tế. Muốn đủ sức cạnh tranh với mục tiêu nâng cao thị phần từ 8% hiện tại lên 15% thị phần bia Việt Nam vào năm 2015, Bia Huế cần được tiếp tục đẩy mạnh đầu tư.

Nhìn lại thương vụ chuyển nhượng trị giá 90 triệu USD của Bia Huế  - 3

Ông Nguyễn Mậu Chi, Tổng giám đốc Công ty TNHH Bia Huế

Trong điều kiện là một công ty liên doanh, mỗi bên sở hữu 50% vốn, thì việc đầu tư đòi hỏi hai bên phải bỏ vốn ngang nhau. Nếu một bên không có khả năng góp thêm vốn sẽ kìm hãm bên kia, hệ quả là Công ty không thể phát triển và có nguy cơ bị đẩy lùi trong cuộc cạnh tranh quyết liệt với các hãng bia lớn khác. Trong tình hình kinh tế và ngân sách khó khăn,  tỉnh TT Huế đã quyết định bán phần vốn của mình cho phía Carlsberg, đây được ví như một sự “cởi trói” cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho Bia Huế phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tiếp theo.

Quyết định sáng suốt, kịp thời và đúng thời cơ này đã mở ra giai đoạn 3 cho Bia Huế, với 100% vốn nước ngoài, hiện đang ở thời kỳ đầu tiên với những tiền đề cơ sở vững chắc hứa hẹn sẽ tạo ra bước phát triển đột phá trong những năm đến.

Ông vui lòng cho biết thêm về quá trình mua bán cổ phần của tỉnh Thừa Thiên - Huế và tập đoàn Carlsberg International A/S? 

Trên thực tế, việc đàm phán mua bán phần vốn này đã được triển khai từ hơn 2 năm nay. Hai bên đã thuê đơn vị tư vấn độc lập để phân tích, đánh giá, thẩm định và định giá từ các hạn mục nội dung cụ thể cho đến tổng giá trị hữu hình và vô hình của Công ty. Đến giai đoạn thương thảo giá cả và các điều kiện mua bán, mỗi bên đã thuê một công ty tư vấn khác nhau tham gia đàm phán. Các đơn vị tư vấn đã thực thi theo đúng chuẩn mực và quy trình chuyển nhượng vốn quốc tế, căn cứ quy định của pháp luật Việt Nam, tình hình kinh tế - thị trường và thực tế của Bia Huế để đưa những cơ sở hợp lý, khách quan khoa học tư vấn cho các bên trong quá trình đàm phán. Sau một thời gian thương lượng giá kéo dài nhằm “cò kè bớt một thêm hai”, có lúc diễn ra khá căng thẳng, hai bên đã thống nhất được một mức giá phù hợp theo nguyên tắc “thuận mua vừa bán”.

Dưới góc độ kinh tế, với số tiền mua 50% vốn góp mà Carlsberg đã đầu tư vừa qua, nếu các năm tiếp theo vẫn đạt mốc lợi nhuận “đỉnh” như năm 2010 (là năm mà Bia Huế đạt lợi nhuận sau thuế cao nhất trong suốt gần 17 năm liên doanh), thì phải mất hơn 12 năm nữa Carlsberg mới có thể thu hồi được lại số vốn này, chưa tính đến các yếu tố như trượt giá, chi phí cơ hội,… Như vậy có thể thấy là giá bán phần vốn của phía Việt Nam (1.875 tỷ đồng) trong Công ty là có lời cho tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Nhìn lại thương vụ chuyển nhượng trị giá 90 triệu USD của Bia Huế  - 4

Với vai trò là Chủ tịch Hội doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế và Tổng giám đốc Cty TNHH Bia Huế, ông nghĩ tỉnh Thừa Thiên-Huế (sau này là Thành phố Huế - thành phố trực thuộc Trung ương) sẽ được những lợi ích gì khi bán toàn bộ CP của Cty TNHH Bia Huế cho Carlsberg?

Với sự chuyển đổi hình thức sở hữu công ty Bia Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ có được những lợi ích chính như sau:  

Thứ nhất, sau khi thoát khỏi cơ chế liên doanh, Bia Huế sẽ nhận được sự chủ động đầu tư mạnh mẽ từ phía tập đoàn Carlsberg. Điều này cũng đã có trong điều kiện cam kết đi kèm khi mua lại, Carlsberg sẽ phải đầu tư để nâng công suất của Bia Huế lên 350 triệu lít/năm trước năm 2015, đồng thời phải đầu tư mạnh cho thị trường, thương hiệu nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh. Là cánh chim đầu đàn của Thừa Thiên Huế, khi Bia Huế phát triển sẽ góp phần thúc đẩy nền kinh tế - xã hội của Tỉnh đi lên, đồng thời đóng góp ngân sách cho Tỉnh cũng ngày một lớn hơn.

Thứ hai, Tỉnh sẽ thu về được ngay một khoản tiền lớn để đầu tư cho các dự án phát triển cũng như các công trình hạ tầng thiết yếu, đặc biệt trong thời điểm nguồn vốn đầu tư từ Trung ương đang hạn chế.

Thứ ba, các doanh nghiệp, cơ sở, đơn vị hoạt động phụ trợ cho Bia Huế có cơ hội cùng phát triển hơn nữa. Lực lượng lao động sẽ được thu hút, tạo thêm nhiều công ăn việc làm mới…

Trân trọng cảm ơn Ông đã dành thời gian cho Dân trí với cuộc trao đổi này.

 
Phong Hiền