1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Thu hút đầu tư tại Miền Trung:

Nhiều tiềm năng nhưng chưa khai thác hết

(Dân trí) - “Môi trường đầu tư của miền Trung rất tiềm năng với lợi thế “phần cứng, phần mềm” nhưng vì nhiều lý do cả khách quan và chủ quan mà chưa khai thác hết”.

 
Nhiều tiềm năng nhưng chưa khai thác hết - 1
Quang cảnh buổi Hội thảo.

Nhiều chuyên gia kinh tế đã nhận định như vậy tại “Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản” do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) và UBND TP Đà Nẵng tổ chức sáng nay 14/8.

Lợi thế “phần cứng, phần mềm” của miền Trung

Theo ông Lê Hữu Quang Huy, Phó Vụ trưởng - Giám đốc Trung tâm xúc tiến miền Trung, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, môi trường đầu tư miền Trung có nhiều lợi thế về “phần cứng”.

Thứ nhất, miền Trung giữ vị trí chiến lược trên trục giao thông quốc gia Bắc - Nam về đường sắt, đường bộ, đường biển và đường hàng không. Đặc biệt, khu vực này là điểm cuối (cảng Tiên Sa - Đà Nẵng) của tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây

Tính đến cuối năm 2008, mặc dù chịu tác động mạnh của cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng Nhật Bản vẫn là nhà đầu lớn thứ 3 tại Việt Nam với 105 dự án và số vốn đăng ký đạt trên 7,2 tỷ USD.

Trong 6 tháng đầu năm 2009, Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam 35 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 94 triệu USD. Tại Đà Nẵng hiện đã có 34 dự án của các Nhật Bản với trên 178 USD chiếm gần 7% vốn đăng ký các dự án trực tiếp nước ngoài vào thành phố.

Thứ hai, miền Trung có một hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đang trên đà phát triển nhanh chóng bao gồm đường bộ (hệ thống đường trục Bắc - Nam, đường cao tốc tương lai), cảng hàng không (hiện có 8 sân bay), cảng biển (có nhiều vịnh nước sâu mà kín gió).

Thứ ba, trong khi cả nước có 13 khu kinh tế với cơ sở hạ tầng hoàn thiện và cơ chế thông thoáng thì miền Trung đã “sở hữu” tới 7 khu kinh tế. Đó là nhưng trụ cột có thể đẩy mạnh thu hút đầu tư.

Ngoài ra, miền Trung còn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, phong phú cả về nông, lâm, thủy sản… Có nhiều bờ biển dài 1.500km với nhiều bãi biển và vịnh đẹp như bãi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng) hay vịnh Nha Trang.

Ông Huy cũng nêu ra các yếu tố “phần mềm” tác động đến môi trường đầu tư như: Sau 20 năm đổi mới đất nước, khu vực miền Trung đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ trong đó tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá cao và ổn định (năm 2008 đạt 12%, đuổi kịp khu vực Đồng bằng sông Hồng, cao hơn mức bình quân của cả nước gần 4%).

Thêm vào đó, miền Trung còn có một lực lượng lao động dồi dào phần lớn là lớp trẻ, cần cù, hiếu học và có khả năng tiếp cận nhanh với công nghệ hiện đại. Chi phí về nhân công tại miền Trung thấp hơn so với nhiều khu vực khác. Giá thuê đất trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, văn phòng… cũng cạnh tranh hơn khu vực phía Bắc, phía Nam.

Còn theo Hiệp hội các doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng thì điểm thuận lợi của miền Trung để thu hút đầu tư (so với Hà Nội và TPHCM) là dễ đảm bảo nguồn lao động ở nhiều trình độ. Ngoài ra Đà Nẵng cũng có các trường đại học lớn nên dễ đảm bảo cho những sinh viên tốt nghiệp trở thành những ứng viên cán bộ trong tương lai.

Còn những “rào cản” nào?

Thuận lợi như vậy nhưng theo Hiệp hội các doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng thì điểm hạn chế của miền Trung cũng chính là về cơ sở hạ tầng và yếu tố con người. Các doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng chi phí vận chuyển ở miền Trung cao; việc cung cấp tại chỗ nguyên liệu còn khó khăn; chưa trang bị cơ sở xử lý nước thải trong khu công nghiệp…

Thêm vào đó, việc tuyển dụng phiên dịch tiếng Nhật, quản lý trung gian tại Đà Nẵng rất khó khăn; tinh thần làm việc của người lao động kém, không ham muốn phát triển và kiếm tiền; không nhiều như Hà Nội và TPHCM nhưng hàng năm cũng phát sinh vài vụ tranh chấp lao động…

Còn theo ông Huy, những “rào cản” trong việc thu hút các nhà đầu tư vào miền Trung là do thiếu đồng bộ và nhất quán giữa luật chung và luật chuyên ngành, dẫn đến cách hiểu khác nhau gây khó khăn trong hướng dẫn các doanh nghiệp xử lý các vấn đề phát sinh. Công tác quy hoạch còn thiếu và yếu, bên cạnh đó là việc thiếu vắng các công cụ, quy định hữu hiệu để quản lý và giám sát thực hiện quy hoạch.

Hơn nữa thiếu hụt nguồn lực đã qua đào tạo đặc biệt (công nhân kỹ thuật lành nghề) là tình trạng khá phổ biến nhất là các khu kinh tế mới hình thành cũng là một trong những “rào cản” được ông Huy nêu ra.

“Hoạt động xúc tiến đầu tư cấp vùng đã có nhiều cố gắng và đổi mới cả về nội dung và phương pháp tiến hành nhưng nhìn chung hoạt động này còn nhiều bất cập, thiếu tính chuyên nghiệp, hiệu quả chưa cao và gây lãng phí về nhân lực”, ông Huy nhấn mạnh.

Từ đó, ông Huy đưa ra các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư như: Khẩn trương rà soát pháp luật và chính sách đầu tư, kinh doanh để sửa đổi, bổ sung nội dung không đồng bộ, thiếu nhất quán. Tranh thủ tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng.

Tiếp đến là phải tập trung đào tạo nguồn nhân lực nhằm nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo bằng mức chung của cả nước vào năm 2010 (khoảng 40% lực lượng lao động). Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trung ương và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để nghiên cứu và vận động thu hút đầu tư đối với các tập đoàn và đối tác trọng điểm.

Khánh Hồng