1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Nhiều doanh nghiệp “kêu trời” vì hàng giả, hàng nhái lộng hành

(Dân trí) - Đại diện nhiều doanh nghiệp tại TPHCM cho biết, họ quá cô đơn trong công cuộc bảo vệ thương hiệu, chống nạn hàng gian, hàng nhái. Thậm chí, sự đùn đẩy của các cơ quan chức năng khiến doanh nghiệp... kêu trời không thấu.

Start-up "khóc ròng" vì bị doanh nghiệp lớn... ăn cắp thương hiệu

Phát biểu tại hội thảo “Tăng cường công tác phòng, chống hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp” diễn ra ngày 21/11, ông Nguyễn Ngọc Tý, đại diện thương hiệu Nón Sơn cho biết, doanh nghiệp ông đang rất lo lắng vì hàng giả, hàng nhái thương hiệu này hoành hành khắp nơi. Các cơ sở khác làm mũ bảo hiểm nhái của Nón Sơn với chất lượng không đảm bảo nhưng vẫn bán ra với giá thành bằng với Nón Sơn chính hiệu.

Cụ thể, một chiếc nón nhái thương hiệu Nón Sơn được bán giá 320.000 đồng, bằng với giá thành sản phẩm. Trong khi đó, giá thành sản xuất một chiếc nón kém chất lượng như hàng giả chỉ rơi vào khoảng chưa đến 100.000 đồng.

Nhiều doanh nghiệp “kêu trời” vì hàng giả, hàng nhái lộng hành
Nhiều doanh nghiệp “kêu trời” vì hàng giả, hàng nhái lộng hành

Theo vị đại diện của Nón Sơn, doanh nghiệp này cũng từng phát hiện ra nhiều cơ sở sản xuất hàng giả, hàng nhái và phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý. Tuy nhiên, có vụ việc khiếu nại kéo dài đến 2 năm chưa giải quyết xong do thủ tục rườm rà khiến doanh nghiệp phải theo đuổi vụ việc mất rất nhiều thời gian, công sức.

Anh Phạm Lê Tuấn Nghĩa, đại diện nhãn hiệu PHINN café chia sẻ, thương hiệu này vừa mới khởi nghiệp cách đây không lâu. Việc duy trì hoạt động cho một doanh nghiệp mới là vô cùng gian nan và khó khăn. Thế nhưng, gần đây, một trong những thương hiệu cà phê hàng đầu của Việt Nam lại đang có dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu mà anh Nghĩa đã đăng ký.

Trên hộp và gói sản phẩm của thương hiệu lớn nói trên có ghi dòng chữ “café PHINN” và hình ảnh có yếu tố xâm phạm quyền đối với doanh nghiệp của anh Nghĩa. Các sản phẩm có dấu hiệu vi phạm được bày bán tại nhiều cửa hàng, siêu thị.

Anh Nghĩa là một doanh nghiệp Start-up, có nhiều sáng kiến độc đáo. Thế nhưng, việc nhãn hiệu của mình dù đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ vẫn bị doanh nghiệp lớn có tiếng trong ngành cà phê xâm phạm một cách trắng trợn.

"Nhiều lần gửi thư khuyến cáo nhưng doanh nghiệp vẫn phớt lờ, thậm chí tìm mọi thủ đoạn để cướp cho bằng được nhãn hiệu của tôi. Làm doanh nghiệp, lo bảo vệ mình đã khó thì còn thời gian, tâm sức đâu mà phát triển kinh doanh", anh Nghĩa bức xúc.

Nhiều doanh nghiệp cũng tỏ ý mong muốn các cơ quan chức năng liên quan cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa để bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn chân chính. Cần có biện pháp xử lý mạnh mẽ nếu phát hiện cơ sở làm hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Việc này nhằm tăng tính răn đe và kéo giảm vấn nạn hàng giả, hàng nhái hoành hành.

Cứ có tên tuổi là bị giả

Theo ông Trần Giang Khuê, Phó trưởng đại diện Văn phòng của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam tại TPHCM, muốn xử lý được những cơ sở làm hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ thì cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng. Người tiêu dùng cũng cần lên tiếng mạnh mẽ để các ngành chức năng vào cuộc.

Hiện nay, chỉ cần thương hiệu nào có tên tuổi thì ngay sau đó có hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Điều này ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp, giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và khiến người tiêu dùng mất lòng tin vào sản phẩm chính hiệu.

Một chiếc nón nhái thương hiệu Nón Sơn được bán giá 320.000 đồng, bằng với giá sản phẩm thật.
Một chiếc nón nhái thương hiệu Nón Sơn được bán giá 320.000 đồng, bằng với giá sản phẩm thật.

Trong công tác xử lý vi phạm, các doanh nghiệp hay chọn biện pháp xử lý hành chính vì cách xử lý này nhanh chóng và ngay lập tức chặn được hành vi xâm phạm.

Tuy nhiên, biện pháp hành chính lại không bồi thường được thiệt hại cho doanh nghiệp “kêu cứu”. Chính vì thế, nếu doanh nghiệp yêu cầu bồi thường thì phải qua tòa án dân sự, mà ra tòa án thì phải làm theo thủ tục tố tụng nên sẽ kéo dài, mất nhiều thời gian.

Ông Khuê mong muốn, các cơ quan như tòa án cũng cần nâng cao năng lực chuyên môn để có thể tự phán xét, quyết định mà không cần phải tham khảo thêm ý kiến từ các cơ quan như Cục Sở hữu trí tuệ nhằm không mất nhiều thời gian của các doanh nghiệp.

Theo thống kê, từ năm 2014 đến tháng 10/2017, lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 44.500 vụ việc về hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ.

Chỉ tính riêng 10 tháng năm 2017, cả nước phát hiện hơn 3.800 vụ, trong đó có những vụ việc lớn được cơ quan chức năng đưa ra ánh sáng như: thuốc giả của VN Pharma, lụa Trung Quốc đóng mác Việt Nam của Khaisilk hay lô mỹ phẩm không rõ nhãn mác của TS Group…

Các cơ quan chức năng cho rằng, những vụ việc cộm cán nói trên chỉ là “phần nổi”, thực tế số vụ hàng giả, hàng nhái với mức độ nghiêm trọng là rất lớn, phổ biến trong mọi ngành nghề, lĩnh vực, trên mọi địa bàn.

Công Quang