1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Nguồn vốn HTLS “tiếp sức” nền kinh tế

(Dân trí) - Chương trình hỗ trợ lãi suất (HTLS) 4% của Chính phủ đang được triển khai và đã có một số kết quả nhất định. Đặc biệt, nguồn vốn trung và dài hạn đã bắt đầu “chảy” vào tiếp sức cho nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất và kích cầu tiêu dùng.

Sau gần ba tháng triển khai, Ngân hàng Quốc tế (VIB) đã hỗ trợ lãi suất cho 618 khách hàng doanh nghiệp, giải ngân hơn 5.000 tỷ đồng. Dự kiến doanh số giải ngân hỗ trợ vốn ngắn hạn của toàn bộ chương trình đến 31/12/2009 đạt khoảng 28.000 tỷ đồng, nhiều hơn dự kiến ban đầu là 3.000 tỷ đồng.
 
Hiện nay, VIB đang tiếp tục tích cực triển khai chương trình hỗ trợ cho vay trung dài hạn của Chính phủ. Dự kiến đến 31/12, VIB sẽ giải ngân khoảng 6.000 tỷ đồng vốn vay trung dài hạn được hỗ trợ lãi suất để mua sắm tài sản cố định và cho các dự án đầu tư của doanh nghiệp.
 
Còn theo ông Đặng Minh Hải, Phó Giám đốc chi nhánh Hà Nội của Ngân hàng An Bình (ABBank), với gói HTLS trung và dài hạn của Chính phủ, chi nhánh này đã giải ngân 100 tỷ đồng. Do có một thời gian triển khai gói hỗ trợ lãi suất ngắn hạn nên quá trình triển khai gói hỗ trợ lãi suất thứ 2 đã thuận lợi và nhanh chóng hơn.
 
Vị đại diện của ABBank cũng cho biết: Tính chung về tốc độ giải ngân gói HTLS thứ nhất, bình quân doanh số giải ngân trong hai tháng vừa qua tăng 60 - 70% so với tháng 1.
 
Tính đến nay, ABBank đã giải ngân được 1.300 tỷ từ gói kích cầu thứ nhất, với gần 300 khách hàng được duyệt hồ sơ vay vốn. “Theo đánh giá của tôi, tiến độ này khá nhanh so với mặt bằng chung, vì chủ yếu nguồn vốn giải ngân từ các ngân hàng quốc doanh, khối ngân hàng thương mại vẫn còn khá khiêm tốn”, ông Hải nói.
 
Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất với các khoản vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam đến ngày 23/4 là 254.900 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay của nhóm NHTM nhà nước và Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương là 187.660 tỷ đồng; nhóm ngân hàng thương mại cổ phần là 55.245 tỷ đồng; nhóm ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và ngân hàng 100% vốn nước ngoài là 11.042 tỷ đồng; công ty tài chính là 953 tỷ đồng.
 
Nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện chương trình cho vay HTLS, Thanh tra NHNN đã có công văn số 2832/NHNN-TTR yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) chú ý thực hiện một số nội dung khi triển khai thực hiện chương trình.
 
Ban lãnh đạo TCTD có trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ để giảm thiểu rủi ro trong hoạt động cho vay hỗ trợ lãi suất; tăng cường kiểm soát quy trình cấp tín dụng, tăng cường giám sát khoản vay.
 
Như vậy, cùng với việc hỗ trợ lãi suất trong cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, Chính phủ đã thực hiện hàng loạt các biện pháp kích cầu đồng bộ như: miễn, giảm, giãn thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, tăng lương tối thiểu, đầu tư, hỗ trợ mạnh cho nông nghiệp…
 
Tổng số tiền dành cho gói kích cầu toàn diện nền kinh tế của Chính phủ sẽ lên tới 8 tỷ USD, tức là hơn 140.000 tỷ đồng. Tác động ban đầu và nổi bật nhất của hàng loạt chính sách kích cầu là niềm tin của dân chúng, doanh nghiệp, ngân hàng vào nền kinh tế, chủ trương của Chính phủ.
 
Một điểm đáng chú ý là nhờ những biện pháp kích cầu đồng bộ này, nhiều doanh nghiệp đã đứng vững, mở rộng được sản suất kinh doanh trong bối cảnh nền kinh tế trong và ngoài nước đầy khó khăn, biến động. Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng giữ được đội ngũ lao động của mình, trực tiếp góp phần giảm bớt áp lực thất nghiệp, tạo sự ổn định cho xã hội.
 
Nguyễn Hiền