1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Người thân chủ tịch Sacombank: Buông ngân hàng, bắt mía đường

Nhóm người thân của ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (STB), gần đây đang tìm cách thoái vốn khỏi STB.

Trong một diễn biến khác, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2012 của Công ty Đường Biên Hòa (BHS) tổ chức vào ngày 20/4 vừa qua, vợ ông Thành là bà Huỳnh Bích Ngọc, Chủ tịch Công ty Thành Thành Công, đã được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị BHS, thay cho bà Phạm Thị Sum.

 

Đặc biệt, ông Thành cũng có mặt tại đại hội này và đã chia sẻ sự quan tâm của ông về ngành mía đường và triển vọng của BHS. Những diễn biến trên cho thấy có lẽ gia đình ông Thành đang muốn buông ngân hàng và nhìn sang mía đường.
 
Người thân chủ tịch Sacombank: Buông ngân hàng, bắt mía đường

 

Thoái vốn khỏi STB

 

Chuyện rút vốn khỏi STB của nhóm người thân ông Thành đang diễn ra khá rầm rộ. Mới đây, Công ty Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (SCR), do con trai ông Thành là Đặng Hồng Anh làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị, đã đăng ký bán hết 17,3 triệu cổ phiếu STB trong thời gian từ ngày 17/4 – 17/6/2012.

 

Ở một động thái khác, Công ty Thành Thành Công đã bán hơn 22 triệu cổ phiếu STB vào ngày 20/4. Trước đó vài ngày, Bourbon Tây Ninh (SBT), do bà Ngọc làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị, cũng đã bán toàn bộ 7,5 triệu cổ phiếu STB.

 

Tổng số cổ phiếu mà các tổ chức trên đăng ký bán là 46,8 triệu đơn vị, tương đương gần 5% cổ phần. Tính đến cuối năm 2011, với tư cách cá nhân, ông Thành và ông Đặng Hồng Anh, mỗi người nắm gần 4% cổ phần. Có thể họ cũng đã bán ra hết số cổ phiếu nắm giữ, sau những lùm xùm phân chia quyền lực rốt ráo tại STB vào đầu năm 2012.

 

Còn nhớ, cuối tháng 2/2012, Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Việt Nam – Eximbank (EIB) công bố đã nắm hơn 51% quyền biểu quyết tại STB. Dù sở hữu chính danh chỉ hơn 15% cổ phần (gồm EIB và Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn Exim).

 

Và nếu không còn nắm quyền, tức không còn là cổ đông nội bộ mà chỉ là cổ đông bình thường, việc ông Thành âm thầm bán ra cổ phần mà không cần công bố là điều rất có thể. Bởi lẽ, khi những người trong nhóm ông Thành đã đăng ký thoái hết vốn khỏi STB thì số cổ phần của ông và con trai có giữ lại cũng không giúp được gì nhiều vào lúc này”.

 

Cuối tháng 2/2012, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (EIB) cho biết đã nắm hơn 51% quyền biểu quyết tại STB, dù sở hữu cổ phần chính danh chỉ hơn 15% (gồm EIB và Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn Exim).

 

Việc muốn rút vốn khỏi STB của nhóm ông Thành trái ngược hoàn toàn với những nỗ lực níu giữ STB trước đó. Chẳng hạn, cuối tháng 7 năm ngoái, SBT và Thành Thành Công lần lượt mua vào 7,5 triệu và gần 15 triệu cổ phiếu STB. Hay trong tháng 9/2011, 2 công ty con của Thành Thành Công là Đường Ninh Hòa (NHS) và Công ty Đặng Huỳnh đã mua vào tổng cộng hơn 9 triệu cổ phiếu STB nữa. Ngoài ra, khi SCR vừa bán ra 7,3 triệu cổ phiếu STB (5/9-5/11/2011) cũng là lúc SBT công bố mua vào thành công (1/8-30/9/2011) tương đương lượng cổ phiếu này.

 

Qua những động thái trên, có thể thấy nhóm của ông Thành đang dần buông STB. Đầu tháng 1 năm nay, BHS đã bán toàn bộ hơn 1,4 triệu cổ phiếu STB. Như vừa nêu, SCR, SBT và Thành Thành Công cũng đã đăng ký bán hết 46,8 triệu cổ phiếu STB. Nếu tính luôn gần 8% cổ phần (khoảng 78 triệu cổ phiếu) mà ông Thành và con trai ông nắm giữ thì nhóm của ông sẽ bán ra gần 130 triệu cổ phiếu STB.

 

Giá cổ phiếu STB những ngày gần đây dao động quanh mức 25.000 đồng/cổ phiếu. Và khi một đơn vị mua cổ phần để nắm quyền ở đơn vị khác, họ thường trả giá cao hơn giá thị trường. Nếu ước tính giá này ở mức 30.000 đồng/cổ phiếu thì tổng số tiền mà nhóm ông Thành thu về sau khi rút hết vốn sẽ tương đương 3.900 tỉ đồng. Ông Thành sẽ làm gì với số tiền này?

 

Dồn sức vào mía đường

 

Sự quan tâm của nhóm ông Thành ở ngành mía đường thể hiện qua các khoản đầu tư mà Thành Thành Công đang mở rộng. Cũng cần nói thêm là cổ phần sở hữu tại các công ty mía đường không chỉ có Thành Thành Công, mà còn có những đại diện khác có liên quan đến gia đình ông Thành. Chẳng hạn tại BHS, được đề cử vào Hội đồng Quản trị ngoài bà Ngọc và con gái là Đặng Huỳnh Ức My, còn có ông Thái Văn Chuyện đến từ SCR và ông Phạm Đình Mạnh Thu từ STB.

 

Đây là hình thức sở hữu kiểu “nhóm cổ đông” thường thấy trong các vụ thâu tóm doanh nghiệp. Bởi vậy, khó tính được tỉ lệ sở hữu thực sự của gia đình ông Thành hiện nay tại các công ty mía đường. Nhưng trước mắt, nhóm này đã hiện diện ít nhất ở 4 công ty mía đường niêm yết là SBT, BHS, NHS và Mía đường Nhiệt điện Gia Lai (SEC). Theo báo cáo tài chính của 4 công ty trên, tính đến nay, sở hữu của nhóm ông Thành tại SBT là hơn 65%, BHS hơn 38%, NHS trên 41% và SEC hơn 21%.

 

Tuy nhiên, theo thống kê của một chuyên viên phân tích tại một quỹ đầu tư trong nước (không muốn nêu tên), nhóm ông Thành đang nắm cổ phần tại 18/40 công ty mía đường trên cả nước. Trong đó, sở hữu trên 35% là ở 8 công ty.

 

Vị này cũng cho biết thêm, thông qua sở hữu cổ phần tại công ty mẹ là Công ty Điện Gia Lai, tỉ lệ sở hữu thực tại SEC của nhóm ông Thành đã lên đến 80%. Đồng thời, sở hữu tại BHS cũng là 70%. Bằng chứng là tại Đại hội cổ đông của BHS, hơn 70% cổ phần đã phủ quyết 2 nội dung được trình và chỉ thông qua theo hướng có lợi cho các thành viên Hội đồng Quản trị mới (4/5 người thuộc nhóm ông Thành).

 

“Họ còn vươn đến những công ty mía đường chưa niêm yết khác như Mía đường La Ngà, Mía đường Quảng Ngãi...”, vị này cho biết.

 

Như vậy, trong 6 công ty mía đường niêm yết, nhóm ông Thành chỉ chưa có mặt tại Đường Lam Sơn (LSS) và Đường Kon Tum (KTS). Dựa vào tỉ lệ sở hữu chi phối tại các công ty mía đường, có thể nói họ có ảnh hưởng khá lớn trong tổng sản lượng cung đường cả nước.

 

Sản lượng đường sản xuất dự báo trong năm 2012 tại SBT là 95.000 tấn, NHS là 35.000 tấn, BHS 39.000 tấn và SEC 42.500 tấn. Như vậy, tổng cộng, nhóm ông Thành có thể chi phối sản lượng khoảng 211.000 tấn đường. Con số này khá nhỏ so với tổng cung đường (bằng hơn 13% trong khoảng 1,57 triệu tấn đường cung cho năm 2012).

 

“Tuy nhiên, nếu tính trên sản lượng cả những công ty đường chưa niêm yết mà nhóm này sở hữu, tỉ lệ chi phối về sản lượng đã trên 30%”, chuyên viên nói trên tính toán.

 

Ông Thành đã có những ngày tháng đứng ở cương vị lãnh đạo trong ngành ngân hàng. Giờ đây ông lại bước tiếp trên một lĩnh vực mới: mía đường. Những quyết tâm mà ông thể hiện tại Đại hội cổ đông của BHS vừa qua cho thấy nhóm của ông sẽ còn đầu tư nhiều vào ngành này. Và tỉ lệ 30% kia chắc chắn sẽ còn tăng lên trong thời gian tới.

 

Theo Ngọc Dương

NCĐT