1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Ngoại hối đi vào ổn định

Thị trường mua bán ngoại tệ liên ngân hàng hiện đang trầm lắng. Theo một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, nguyên nhân có thể do bên mua không còn nhu cầu, hoặc bên bán muốn găm giữ ngoại tệ không bán ra.

Tuy nhiên, theo một lãnh đạo một ngân hàng thương mại nhà nước, không phải là các ngân hàng trong nước muốn găm giữ ngoại tệ, mà do các chi nhánh ngân hàng nước ngoài - những người mua tích cực nhất trên thị trường này trong thời gian vừa qua - đã trở nên thờ ơ với ngoại tệ.

Trên thực tế, trước khi Ngân hàng Nhà nước chính thức đưa ra một số biện pháp bình ổn thị trường, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã luôn đặt mua ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại trong nước với tỷ giá cao hơn rất nhiều so với tỷ giá chính thức được phép giao dịch.

Thậm chí, có những giao dịch mà khối này đặt mua còn cao hơn cả tỷ giá trên thị trường tự do. Theo đánh giá của một chuyên gia, việc cầu ngoại tệ của các chi nhánh ngân hàng nước ngoài tăng mạnh, ngoài những mục đích phục vụ khách hàng, không loại trừ yếu tố đầu cơ.

Và như vậy, khi Ngân hàng Nhà nước đưa ra các biện pháp điều hành tỷ giá, khiến khả năng kiếm lợi từ đầu cơ ngoại tệ không còn, thì họ thờ ơ với ngoại tệ cũng là điều dễ hiểu.

Trên thị trường, việc Ngân hàng Nhà nước tiến hành giám sát chặt chẽ hơn việc mua bán, kinh doanh ngoại tệ của các ngân hàng cũng như của các đại lý thu đổi ngoại tệ cũng đã góp phần ổn định thị trường. Hiện nay, hầu như không còn tình trạng ngân hàng bán ngoại tệ cho các doanh nghiệp với tỷ giá “trên trời” như trước đây.

Tuy nhiên, theo nhận định của một lãnh đạo ngân hàng thương mại nhà nước, các doanh nghiệp xuất khẩu và các doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ hiện vẫn ngập ngừng trong việc bán ngoại tệ cho ngân hàng và có tâm lý chờ đợi các diễn biến về tỷ giá trong thời gian sắp tới trước khi đi đến quyết định.

Hiện nay, theo phản ánh của một số ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngoại tệ của các ngân hàng và gần đây, các ngân hàng thương mại đã bán ngoại tệ nhiều hơn cho các doanh nghiệp nhập khẩu.

Ngoài các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu, khí đốt, các doanh nghiệp nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu như phân bón, dược phẩm nay cũng được đáp ứng đủ về ngoại tệ.

Tuy nhiên, theo đánh giá của một chuyên gia ngân hàng, việc các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn găm giữ ngoại tệ trong lúc nhu cầu của các doanh nghiệp nhập khẩu còn lớn có thể tạo nên sự mất cân đối nhất định trên thị trường ngoại hối.

Và như vậy, sẽ tốt hơn nếu lượng ngoại tệ này được bán lại cho hệ thống ngân hàng, thay vì để dưới dạng tiền gửi bằng ngoại tệ như hiện nay.

Điều này sẽ giúp hệ thống ngân hàng có thêm nguồn ngoại tệ đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, đồng thời góp phần giảm bớt tình trạng đô-la hoá trong nền kinh tế, khi mà lượng tiền gửi bằng ngoại tệ chiếm tỷ trọng đáng kể trong hệ thống ngân hàng.

Theo Vũ Giang
Báo Đầu tư