1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Nghề nuôi biển Việt Nam có thể thu đến 15 tỷ USD mỗi năm

Doãn Công

(Dân trí) - Các chuyên gia cho rằng nếu tháo gỡ được điểm nghẽn chính sách, nghề nuôi biển thì Việt Nam có thể đạt doanh thu từ 10 đến 15 tỷ USD là chuyện trong tầm tay.

Nghề nuôi biển, ngư dân đang tự làm tự chịu

Ngày 14/2, tại Bình Định diễn ra Hội thảo "Nghề nuôi biển: chuyển đổi từ truyền thống sang công nghiệp" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh này phối hợp cùng một số đơn vị đồng tổ chức.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thủy sản, nuôi biển và doanh nghiệp đã chỉ ra những thách thức với nghề nuôi biển tại Việt Nam, trong đó vấn đề làm nóng nghị trường vẫn là tháo gỡ điểm nghẽn về chính sách.

Nghề nuôi biển Việt Nam có thể thu đến 15 tỷ USD mỗi năm - 1

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân trao đổi tại hội thảo (Ảnh: Doãn Công).

Theo ông Trần Công Khôi, Phó vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản), tổng diện tích tiềm năng nuôi biển ở nước ta khoảng 500.000ha với các đối tượng nuôi biển phong phú gồm các nhóm cá biển, nhóm nhuyễn thể, nhóm rong tảo biển.

Năm 2023, ngành thủy sản đặt mục tiêu diện tích nuôi biển cả nước đạt 85.000ha, với 10 triệu m3 lồng nuôi, sản lượng ước đạt 850.000 tấn.

Ông Khôi cho hay hiện có khoảng 7.400 cơ sở nuôi biển với gần 249.000 lồng/bè, trong đó 6.500 cơ sở gần bờ, nuôi xa bờ còn ít. Trong khi đó, các mô hình nuôi biển công nghiệp đòi hỏi vốn lớn nên hiện chỉ có một số ít doanh nghiệp đầu tư.

Nghề nuôi biển Việt Nam có thể thu đến 15 tỷ USD mỗi năm - 2

PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (Ảnh: Doãn Công).

"Nghề nuôi biển còn tự phát, thiếu quy hoạch, cơ sở hạ tầng hạn chế, trình độ kỹ thuật sản xuất chưa cao nên sản xuất kém hiệu quả, ô nhiễm môi trường, thiếu bền vững, dịch bệnh, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, bão gió; công nghệ lồng nuôi chưa đáp ứng; lao động tham gia nuôi cá lồng trên biển thiếu số lượng và về khoa học kỹ thuật, thiếu kinh nghiệm trong vận hành", ông Khôi nói.

PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, cho rằng, có đến 99,9% mô hình nuôi biển tại Việt Nam là quy mô hộ gia đình, tự phát, manh mún, thiếu chuỗi liên kết. Vì vậy, ngành nuôi biển cần sớm chuyển sang nuôi công nghiệp để tăng sức cạnh tranh, giảm ô nhiễm môi trường.

Nghề nuôi biển Việt Nam có thể thu đến 15 tỷ USD mỗi năm - 3

PGS.TS Võ Sĩ Tuấn, thành viên Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ Việt Nam, nguyên viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang (Ảnh: Doãn Công).

Trong khi đó, PGS.TS Võ Sĩ Tuấn, Thành viên Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ Việt Nam, nguyên viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, cho rằng nuôi biển truyền thống thường nhỏ lẻ, manh mún, không theo quy hoạch, ô nhiễm môi trường, rủi ro cao. Như Phú Yên, chỉ một đêm ngư dân nuôi tôm hùm mất 70 tỷ đồng do thiếu nguồn oxy.

Sớm quy hoạch, giao khu vực biển lâu dài cho dân

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, muốn doanh nghiệp, người dân đầu tư một cách bài bản thì giao khu vực biển nuôi trồng lâu dài, ít nhất 20 năm, 30 năm nếu không người dân mãi mãi nuôi lồng thủ công.

Nghề nuôi biển Việt Nam có thể thu đến 15 tỷ USD mỗi năm - 4

Dự án nuôi biển 200 triệu USD được đầu tư theo công nghệ của Mỹ triển khai tại vùng biển Khánh Hòa (Ảnh: T.B.).

"Luật thủy sản 2017 quy định thời hạn giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân nuôi trồng hải sản đến 30 năm, gia hạn đến 20 năm. Luật có rồi nhưng đến nay chưa được thực hiện. Các chính sách phát triển nuôi biển Việt Nam có gần như đầy đủ nhưng chưa được thực thi đồng bộ ở các địa phương", ông Dũng nói.

Ông Dũng đưa ra so sánh, Việt Nam có 1.000km2 có tiềm năng phát triển nuôi cá biển. Năng suất nuôi cá biển ở vùng nhiệt đới đạt gần 10.000-12.000 tấn/ha/năm thì Việt Nam có thể nuôi đến 10 triệu tấn cá biển.

Như cá tra, Việt Nam xuất hơn 1 triệu tấn, đã đạt doanh thu 2,5 tỷ USD. Nếu phát triển tốt tiềm năng, lợi thế thì mục tiêu đạt được từ 10-15 tỷ USD mỗi năm là chuyện trong tầm tay.

Nghề nuôi biển Việt Nam có thể thu đến 15 tỷ USD mỗi năm - 5

Các chuyên gia cho rằng cần tích hợp nuôi biển với các ngành kinh tế biển khác như du lịch, dầu khí, nhựa, điện gió, vận tải biển (Ảnh: Ngô Thu).

Ông Dũng cũng đề nghị trong thể chế phát triển nuôi biển công nghiệp, phải coi doanh nghiệp là chủ thể. Cùng với đó là chính sách rõ ràng để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, tạo chuỗi sản xuất.

"Đơn giản hóa các thủ tục, có chính sách rõ ràng để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư. Đừng bắt doanh nghiệp phải chạy ra bộ này bộ kia để xin phép. Trong phạm vi của địa phương giải quyết được thì xử lý", ông Dũng nói thêm.

Phát biểu tại hội thảo, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân ghi nhận những vướng mắc trong phát triển thủy sản nói chung, ngành nuôi biển nói riêng.

"Trong phạm vi quy định thẩm quyền, giao biển theo hải lý (từ 6 hải lý cấp tỉnh, 3 hải lý cấp huyện) để linh động phát triển các dự án nuôi biển. Trước mắt, các địa phương ven biển cần tổ chức lại sản xuất, hoạt động khai thác thủy sản ven bờ để tránh tận diệt, lãng phí tài nguyên biển. Trong đó, tổ chức lại các bãi giống, cắm mốc, giao biển cho cộng đồng, hộ gia đình và sớm thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã ven biển", ông Luân nói.

Trung tâm nuôi biển công nghiệp của cả nước

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận có điều kiện tương đồng với nhau để phát triển thành trung tâm nuôi biển công nghiệp của Việt Nam trong tương lai gần.

Mặc dù không thuận lợi như Quảng Ninh, nơi có nhiều hòn đảo tạo ra vùng nước tĩnh; tuy nhiên, với vùng biển 4 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, ra xa bờ chỉ vài chục mét là nước sâu - điều kiện tiên quyết để phát triển nuôi biển công nghiệp thuận lợi. Vậy nên cần có liên kết vùng giữa các tỉnh này.