1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Ngân hàng vào cuộc đua “phục vụ” doanh nghiệp SME

Không cần đợi đến khi những tín hiệu phục hồi từ nền kinh tế bắt đầu rõ nét, các ngân hàng đã âm thầm trang bị đầy đủ những công cụ và “vũ khí” hỗ trợ cho cuộc đua mới được dự báo khá khốc liệt và đòi hỏi cần có chiến lược dài hơi từ rất sớm.

Những tín hiệu khởi sắc đáng mừng

Theo dữ liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh và Cơ sở dữ liệu quốc gia, đã có hơn 19 nghìn doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập, trong khi đó số DN tạm ngừng hoạt động của cả nước là hơn 16 nghìn đơn vị, cộng với khoảng hơn 2.500 đơn vị hoàn tất thủ tục giải thể trong quý I năm 2015.

Tư vấn khách hàng vay tín chấp.
Tư vấn khách hàng vay tín chấp.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Điều đáng chú ý là, cũng trong quý này, có khoảng hơn 5 nghìn DN ngừng hoạt động đã hoạt động trở lại, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2014. Đây là con số đáng khích lệ, cho thấy tín hiệu tốt của nền kinh tế đã tạo thêm cơ hội đầu tư, kinh doanh cho những doanh nghiệp đang gặp khó khăn.

Đây cũng chính là cơ hội cho các tổ chức tài chính vào cuộc mạnh mẽ hơn để khẳng định vai trò hỗ trợ, cung cấp giải pháp, giúp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế và tạo niềm tin cho DN trở lại “đường đua” đầy hấp dẫn nhưng luôn ẩn chứa rủi ro và không thiếu những “cạm bẫy” thường trực này.

Ngân hàng vào cuộc đua: Lặng lẽ nhưng quyết liệt

Không cần phải đợi đến khi những tín hiệu phục hồi từ nền kinh tế đã bắt đầu rõ nét (thể hiện qua những con số vốn đăng ký mới tăng 13,5% so với cùng kỳ 2014 và số vốn đăng ký tăng thêm đạt gấp rưỡi số vốn đăng ký mới, đạt gần 173 nghìn tỷ đồng), các ngân hàng đã âm thầm trang bị đầy đủ những công cụ và “vũ khí” hỗ trợ cho cuộc đua mới được dự báo khá khốc liệt và đòi hỏi cần có chiến lược dài hơi từ rất sớm.

Quay trở lại sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán kéo dài, hàng loạt ngân hàng đã tung ra những chương trình hứa hẹn sức hấp dẫn lớn đối với DN, đặc biệt là với khối các DN Nhỏ và vừa (SME).

SeaBank bước vào cuộc đua với những ưu đãi về lãi suất cho vay ngắn hạn, từ 7,5% đối với tiền VND và từ 3,5% đối với USD, ngoài ra còn có các ưu đãi về phí dịch vụ và ưu đãi khi chuyển tiền. VietCapital Bank đã ngay lập tức “chào sân” với mức lãi suất chỉ từ 6,5%, với tổng mức tín dụng dành cho chương trình là 1.000 tỷ đồng. Nếu xét đến con số tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong quý I năm 2015 là 5,8 tỷ đồng, thì tổng mức tín dụng này tương đương với việc giúp ra đời thêm hơn 1.600 DN nữa.

Ngân hàng ABBank lại chọn hướng tiếp cận hơi khác, không đánh trực tiếp vào các tiêu chí dễ nhìn thấy như hạn mức tín dụng và lãi suất, ngân hàng này đã đánh dấu vai trò của mình trong phân khúc này bằng cách ký kết hợp đồng tư vấn dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh cho SME với IFC (Tổ chức Tài chính quốc tế), và đặt mục tiêu tăng dư nợ phân khúc này lên 60% tổng dư nợ khối khách hàng DN của ngân hàng.

Không chịu đứng ngoài cuộc nhìn các ngân hàng nhỏ với lợi thế linh hoạt đang từng bước chiếm lĩnh thị trường SME, các ngân hàng lớn cũng đã “lên tiếng” nhằm khẳng định khả năng đa dạng hóa sản phẩm và xóa bỏ định kiến chỉ chú ý tới các DN lớn. Tiêu biểu cho khối này có Ngân hàng Quân đội (MB) đã mạnh mẽ tuyên bố sẽ dành hơn 20 nghìn tỷ đồng dư nợ tín dụng để tập trung hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho phân khúc SME trong năm 2015.

Trong hàng ngũ các ngân hàng TMCP top trên có Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đang âm thầm len lỏi chiếm giữ vị trí đầu bảng của phân khúc này. Ngân hàng này đã từng tuyên bố phân khúc SME chính là 1 trong 2 phân khúc trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh doanh của ngân hàng.

Theo thống kê thì riêng trong năm 2014, VPBank đã có tới 20 chương trình sản phẩm dành riêng cho phân khúc này. Không những tập trung đầu tư về lượng, VPBank còn thể hiện sự đầu tư lớn về chất, bằng việc ký kết hợp đồng hợp tác dài hạn với VCCI (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) – tổ chức quốc gia của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam, đơn vị có nhiệm vụ chính là tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp – để đem đến cho DN cơ hội tiếp cận vốn ngân hàng và nâng cao khả năng quản lý dòng tiền của đơn vị.

Ngân hàng này vừa qua đã triển khai hai sản phẩm được dự đoán sẽ độc chiếm thị trường bởi tính linh hoạt và đánh trúng “chỗ khó” của DN.

Đầu tiên phải kể đến chương trình Cho vay đảm bảo bằng bất động sản. Bất động sản bao giờ cũng là dạng tài sản thế chấp được ưu tiên nhất khi làm hồ sơ vay vốn ngân hàng, do đó hầu như ngân hàng nào cũng chấp nhận loại tài sản đảm bảo này. Điểm khác biệt ở đây là VPBank xét cho vay tới 90% giá trị của tài sản đảm bảo, với hạn mức tín dụng tối đa lên tới 20 tỷ đồng, còn thời gian vay có thể kéo dài tới 25 năm. Với các DN không có khả năng thế chấp bằng bất động sản thì có thể lựa chọn giải pháp Tín dụng thông minh (Smart Credit).

Điểm đáng chú ý của sản phẩm này là VPBank chấp nhận đa dạng loại hình tài sản đảm bảo, ngay cả hàng hóa và quyền đòi nợ cũng được coi là tài sản đảm bảo hợp lệ, thậm chí DN được quyền vay tín chấp nếu không có tài sản đảm bảo nào khả dụng trong thời điểm đang rất cần vốn để phục vụ kinh doanh. Hạn mức tín dụng tối đa cho sản phẩm này cũng là 20 tỷ đồng và thời gian vay lên tới 10 năm.

Theo đánh giá, với sự nhập cuộc ngày càng mạnh mẽ và thiết thực của các ngân hàng, tăng trưởng tín dụng thời gian tới sẽ có nhiều đột phá.

PV

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”