1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Ngân hàng tăng lãi suất: Cuộc đua không mong đợi

Điều bất ngờ là hầu hết các ngân hàng (NH) cũng như các chuyên gia đều cho rằng, nhìn vào các xu hướng tác động thì lãi suất NH thời gian qua phải giảm. Nhưng trên thực tế, vì nhiều lý do hầu hết các NH đều tăng lãi suất. Hiệu ứng “đôminô” này đã đẩy các NH vào một cuộc đua hoàn toàn không mong đợi.

Thoả thuận bị phá bỏ

 

Theo nghị quyết của Đại hội đồng Hiệp hội Ngân hàng VN, hàng tháng, các NH đều phải “ngồi” lại với nhau để thống nhất về lãi suất huy động tiền gửi, nhằm duy trì hoạt động bình ổn của các NH.

 

Mức lãi suất thoả thuận hiện hành (0,65%/tháng đối với kỳ hạn 6 tháng, 0,7%/tháng đối với kỳ hạn 12 tháng, 0,2%/tháng đối với tổ chức và 0,25%/tháng đối với tiền gửi không kỳ hạn của dân cư) đã được áp dụng từ 15/9/2005.

 

Gần 1 năm qua, thoả thuận vẫn chỉ là thoả thuận và các NH đều đã liên tục bằng nhiều cách xé rào. Dù tỏ ra khá nghiêm túc trong việc thực hiện mức lãi suất đã cam kết, nhưng lãi suất ở những kỳ hạn không cam kết (13 tháng, 7 tháng, 5 tháng, trái phiếu, kỳ phiếu...) lại liên tục bị đẩy lên.

 

Ông Trương Đình Song (Hiệp hội Ngân hàng) cho rằng, đây là “thủ thuật” lách của các nhà quản lý nhằm đưa ra mức lãi suất cạnh tranh hơn cho NH mình, giữ ổn định thị phần và đảm bảo thanh khoản nguồn vốn.

 

Ông Vũ Viết Ngoạn-Tổng Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương VN (VCB)-cũng thừa nhận: Trên thực tế, lãi suất của các NH vẫn cao do sử dụng các công cụ phát hành khác: Kỳ phiếu, trái phiếu...và điều này thật khó lý giải trong bối cảnh cung-cầu vốn hiện nay.

 

Không cần thiết, vẫn phải làm

 

Ông Lê Đắc Sơn, Tổng Giám đốc VP Bank thì cho rằng, các NH tăng lãi suất vào thời điểm hiện nay là việc làm phù hợp, dễ hiểu và hết sức bình thường theo diễn biến thị trường. Nguyên nhân do từ đầu năm đến nay, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã nhiều lần tăng lãi suất và hiện lãi suất USD của FED đã đạt 5%/năm. Đây chính là sức ép khiến các NH trong nước phải điều chỉnh lãi suất USD.

 

Và một khi lãi suất USD tăng, lãi suất VND cũng buộc phải điều chỉnh tăng theo. Bên cạnh đó, theo quy luật hàng năm, 6 tháng đầu năm là thời kỳ bắt đầu chu kỳ sản xuất kinh doanh trong năm, do đó, nhu cầu vay vốn của DN và dân cư thường tăng rất mạnh. Để đảm bảo nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay, các NH thường phải tìm mọi cách để tăng vốn huy động và tăng lãi suất là biện pháp thường được các NH sử dụng.

 

Khác với thông lệ, “cuộc đua” lãi suất lần này dường như diễn ra mạnh hơn ở các NHTM quốc doanh. Ông Ngoạn thừa nhận rằng: “Gần đây, các NHTM quốc doanh có vẻ tích cực hơn trong việc phát hành chứng chỉ tiền gửi”-hình thức có thể xé rào tăng lãi suất.

 

Ông Lê Đắc Sơn lý giải động thái này do chênh lệch lãi suất giữa NHTM quốc doanh và NHTM cổ phần đã khiến một nguồn vốn huy động đáng kể từ dân cư được chuyển dịch sang các NHTM cổ phần.

 

Thị phần của các NHTM quốc doanh dần bị các NHTM cổ phần chia sẻ. Nhận thức được điều này, các NHTM quốc doanh đã phải nhanh chóng điều chỉnh tăng lãi suất huy động để giữ cho nguồn vốn huy động của mình được ổn định. Và vì thế, dù không muốn, lãi suất huy động của các NHTM vẫn phải tăng lên.

 

Từ góc độ của các NHTM quốc doanh, ông Phạm Huy Hùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Công thương VN (ICB) cho rằng: Trong khi vốn đầu vào của các NH đang tăng mạnh (34% so với cùng kỳ năm trước) nhưng dư nợ chỉ tăng 16%, các NH thừa vốn, không cho vay ra được thì việc đua nhau đẩy lãi suất lên là vô lý.

 

Chính điều này sẽ làm giảm hiệu quả chung của hoạt động NH, “người” phải gánh chịu cuối cùng là các DN và nền kinh tế.

 

Theo Hạnh Phương

Báo Lao động