1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Ngân hàng ráo riết tăng vốn điều lệ những tháng cuối năm

Thảo Thu

(Dân trí) - Việc tăng khả năng phòng thủ thanh khoản, hay nói cách khác là tăng độ vững mạnh của bảng tổng kết tài sản qua việc tăng vốn điều lệ, sẽ nâng cao năng lực quản trị rủi ro trong hoạt động ngân hàng.

MSB mới đây được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu, tỷ lệ 30%.

Nhà băng này sẽ phát hành thêm tối đa 458,25 triệu cổ phiếu, tổng giá là 4.582,5 tỷ đồng. Lượng cổ phiếu lưu hành sau tăng là 1.985,75 triệu đơn vị.

Trước đó, Hội đồng quản trị MSB đã ra Nghị quyết về việc tăng vốn điều lệ lên 20.000 tỷ đồng, thông qua phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, với tỷ lệ 30% và phát hành tối đa 14,25 triệu cổ phiếu cho người lao động từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Ngân hàng ồ ạt tăng vốn

Không riêng MSB, hàng loạt nhà băng cũng được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn qua hình thức phát hành cổ phiếu thưởng.

Eximbank sau hơn một thập kỷ sẽ được tăng vốn điều lệ thêm tối đa 2.459 tỷ đồng, thông qua chia cổ tức bằng 245,8 triệu cổ phiếu. Lần gần nhất trước đó Eximbank tăng vốn là năm 2011, thông qua việc chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 17%. Vốn điều lệ của Eximbank sau phát hành dự kiến sẽ tăng lên hơn 14.814 tỷ đồng.

MB cũng tăng vốn bằng hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận sau thuế để lại lũy kế của năm 2021. Tỷ lệ thực hiện quyền là 20%. MB hiện có 3,77 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, tương ứng vốn điều lệ hơn 37.700 tỷ đồng. Như vậy, vốn điều lệ nhà băng này sẽ tăng lên hơn 45.339 tỷ đồng, tương đương thêm 7.556 tỷ đồng.

Hay SHB cũng cho biết Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận thay đổi vốn điều lệ của ngân hàng lên 26.674 tỷ đồng. SHB thậm chí có kế hoạch nâng vốn điều lệ lên mức 36.459 tỷ đồng trong năm nay, để nằm trong top 3 nhà băng tư nhân lớn nhất về vốn.

Cơ quan quản lý cũng đã chấp thuận cho HDBank tăng vốn điều lệ thêm tối đa 5.030 tỷ đồng, nâng số vốn điều lệ của nhà băng này từ 20.273 tỷ đồng lên 25.303 tỷ đồng thông qua phát hành hơn 503 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2021, với tỷ lệ 25%.

VPBank cũng sẽ phát hành hơn 2,2 tỷ cổ phiếu chia cổ phiếu thưởng, tỷ lệ 2:1 cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn điều lệ từ 45.056 tỷ đồng lên 67.434 tỷ đồng.

Nhiều ngân hàng vẫn đang xây dựng kế hoạch và thực hiện tăng vốn, cho thấy "cuộc đua" này của các ngân hàng sẽ chưa dừng lại và còn tiếp tục diễn ra mạnh trong năm tới.

Ngân hàng ráo riết tăng vốn điều lệ những tháng cuối năm - 1

"Cuộc đua" tăng vốn của các ngân hàng sẽ chưa dừng lại và còn tiếp tục diễn ra mạnh trong năm tới (Ảnh: Tiến Tuấn).

Hàng tỷ cổ phiếu sẽ lên sàn chứng khoán

Từ đầu năm, danh sách các ngân hàng được chấp thuận tăng vốn điều lệ còn có những cái tên như Nam A Bank thêm 1.900 tỷ đồng lên mức 8.464 tỷ đồng, Kienlongbank thêm hơn 578 tỷ đồng lên 4.231,2 tỷ đồng, Techcombank thêm 63,2 tỷ đồng lên hơn 35.172 tỷ đồng, OCB tăng vốn thêm 58,8 tỷ đồng lên 13.758 tỷ đồng, ACB tăng thêm 6.754 tỷ đồng lên 33.774 tỷ đồng, SeABank tăng thêm 3.211 tỷ đồng lên gần 19.809 tỷ đồng...

Mức vốn điều lệ tăng thêm sẽ giúp ngành ngân hàng nói chung mở rộng đáng kể dư nợ tín dụng trong nền kinh tế. Tương ứng với đó, lượng cung cổ phiếu ngành ngân hàng sẽ tăng số lượng lớn trên thị trường chứng khoán.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh phải rốt ráo xử lý nợ xấu những tháng cuối năm, việc tăng khả năng phòng thủ thanh khoản, hay nói cách khác là tăng độ vững mạnh của bảng tổng kết tài sản qua việc nâng vốn điều lệ sẽ nâng cao năng lực quản trị rủi ro trong hoạt động ngân hàng. Đồng thời, năng lực đầu tư phát triển hệ thống, mở rộng mạng lưới chi nhánh và tăng cường đầu tư... 

Theo một số chuyên gia tài chính, tăng vốn còn là yêu cầu tất yếu để các ngân hàng đáp ứng các tiêu chuẩn quản trị rủi ro ngày càng khắt khe, trước hết là mục đích đảm bảo tỷ lệ vốn an toàn (CAR) theo đúng quy định. Chậm nhất đến ngày 1/1/2023, các ngân hàng phải thực hiện tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel II.

Ngân hàng ráo riết tăng vốn điều lệ những tháng cuối năm - 2

Mức vốn điều lệ tăng thêm sẽ giúp ngành ngân hàng nói chung mở rộng đáng kể dư nợ tín dụng trong nền kinh tế (Ảnh: Mạnh Quân).

Việc tăng vốn, ngoài ra cũng góp phần tăng cường năng lực tài chính cho các ngân hàng, gia tăng nguồn vốn trung dài hạn để mở rộng hoạt động kinh doanh khi tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn được siết chặt lại. Theo lộ trình, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng sẽ từ mức 40% năm 2020 xuống 30% từ đầu tháng 10 tới.

Nhiệm vụ này cũng quan trọng trong Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, đến năm 2025, nhóm ngân hàng có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô lớn phải có vốn điều lệ tối thiểu 15.000 tỷ đồng. Trong khi đó, nhóm ngân hàng có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh quy mô nhỏ, trung bình và ngân hàng thương mại có vốn nước ngoài, vốn điều lệ tối thiểu đạt 5.000 tỷ đồng.