1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Ngân hàng Mỹ bị điều tra vì ưu ái con quan chức Trung Quốc

(Dân trí) - JPMorgan Chase, ngân hàng lớn nhất nước Mỹ đang bị chính quyền liên bang Mỹ điều tra vì hành vi hối lộ quan chức Trung Quốc, bằng việc ưu ái tuyển dụng con của các quan chức tại đây để đổi lại những hợp đồng “béo bở”.

JPMorgan Chase đang liên tục bị cơ quan chức năng Mỹ “sờ gáy”
JPMorgan Chase đang liên tục bị cơ quan chức năng Mỹ “sờ gáy”

Thông tin vừa được tờ New York Times đăng tải, dẫn một bản báo cáo mật của cơ quan chức năng. Một trong những ví dụ được chỉ ra đó là JPMorgan Chase đã tuyển dụng con trai của ông Tang Shuangning, cựu lãnh đạo cơ quan quản lý ngành ngân hàng Trung Quốc, người hiện là chủ tịch tập đoàn tài chính quốc doanh China Everbright Group.

Sau khi tuyển dụng con trai của ông Shuangning, ngân hàng này đã nhận được nhiều gói hợp đồng từ China Everbright Group, trong đó có việc tư vấn cho một công ty con của tập đoàn này tiến hành cổ phần hóa.

Văn phòng tại Hồng Kông của JP Morgan Chase cũng đã tuyển dụng con gái của một quan chức ngành đường sắt Trung Quốc. Vị quan chức này sau đó bị bắt với cáo buộc đã “bán” các hợp đồng của chính phủ để đổi lại các khoản hối lộ bằng tiền mặt, các tài liệu của chính phủ và công luận cho biết.

Con gái của vị quan chức này tới JPMorgan vào một khoảng thời gian có lợi cho ngân hàng có trụ sở tại New York: Tập đoàn đường sắt Trung Quốc, một công ty xây dựng quốc doanh chuyên xây dựng đường sắt cho chính phủ Trung Quốc, đang trong quá trình lựa chọn JP Morgan để tư vấn về kế hoạch niêm yết. Đây là một bước đi thường thấy tại Trung Quốc đối với các doanh nghiệp có mối liên hệ với chính phủ. Nhờ sự giúp đỡ của JP Morgan, China Railway đã huy động được hơn 5 tỷ USD khi IPO năm 2007.

Trọng tâm của cuộc điều tra dân sự bởi đội chống hối lộ, thuộc Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC) trước đây chưa từng được công bố. Trong bản công bố thông tin định kỳ hàng quý hồi tháng này, JP Morgan chỉ đề cập một cách mù mờ về vụ việc là: “SEC đã tìm hiểu thông tin về việc JP Morgan tuyển dụng một số cựu nhân viên nhất định tại Hồng Koong và mối quan hệ làm ăn với một số khách hàng”.

Hồi tháng 5, theo một bản sao tài liệu mật của chính phủ, đội chống hối lộ của SEC đã yêu cầu JP Morgan cung cấp một bộ hồ sơ về Tang Xiaoning, con trai của ông Tang Shuangning, người từ năm 2007 là chủ tịch của China Everbright Group. Trước đó, ông Tang Shuangning là phó chủ tịch của Cơ quan quản lý ngành ngân hàng Trung Quốc.

Cơ quan trên cũng đặt ra những câu hỏi về việc tuyển dụng Zhang Xixi, con gái của quan chức ngành đường sắt. Ngoài ra SEC cũng tìm kiếm “các tài liệu đủ để xác định toàn bộ những người liên quan đến quyết định tuyển dụng” nữ nhân viên này.

Mặc dù tài liệu của chính phủ Mỹ chưa chứng minh một cách rõ ràng mối liên hệ giữa việc tuyển dụng của JP Morgan với khả năng giành các hợp đồng kinh tế của ngân hàng này, hoặc việc người được tuyển dụng không đủ tiêu chuẩn. Hơn nữa, hồ sơ cũng chưa cho thấy các nhân viên này giúp ngân hàng có được những hợp đồng đó. Đến nay JP Morgan chưa bị cáo buộc tội danh nào.

Tuy nhiên, yêu cầu của SEC được vạch ra trong tài liệu mật cho thấy phần nào chiến lược tuyển dụng rộng hơn của chi nhánh ngân hàng này tại Trung Quốc. Cơ quan chức năng nghi ngờ rằng JP Morgan đã thường xuyên tuyển dụng những ứng viên trẻ tuổi, sinh ra trong những gia đình Trung Quốc có quan hệ rộng, có thể đem đến cho nhà băng này những hợp đồng.

Ngoài con gái của quan chức ngành đường sắt nêu trên, SEC đã đề nghị JP Morgan cung cấp tài liệu về “toàn bộ các nhân viên của JP Morgan, những người đã thực hiện công việc cho Bộ đường sắt Trung Quốc hoặc đại diện cho Bộ này” trong vòng hơn 6 năm gần đây.

Theo New York Times, các công ty đa quốc gia vẫn thường tuyển dụng con của các chính trị gia hàng đầu Trung Quốc. Điều bất thường ở JP Morgan đó là họ tuyển dụng con của lãnh đạo các công ty quốc doanh Trung Quốc.

Ngoài ra, việc chính quyền Mỹ điều tra về hoạt động tuyển dụng này còn hiếm thấy hơn. Chỉ có một vài nhân viên phố Wall từng phải đối mặt với cáo buộc hối lộ, trong đó có một cựu lãnh đạo của ngân hàng Morgan Stanley tại Trung Quốc, người bị kết án hình sự năm 2012 và đã thừa nhận có “tìm cách làm giàu cho mình và một quan chức Trung Quốc”.

Thanh Tùng
Theo New York Times