1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Ngân hàng cổ phần với cái đích 1.000 tỷ đồng

(Dân trí) - Nếu theo đúng lộ trình dự kiến của Ngân hàng Nhà nước thì 1.000 tỷ đồng vốn điều lệ là đích đến của khối ngân hàng cổ phần vào năm 2010. Thế nhưng không cần chờ đến thời điểm đó mà ngay trong năm nay, một loạt ngân hàng cổ phần sẽ đạt đích 1.000 tỷ.

Đứng đầu về quy mô vốn điều lệ hiện nay là Ngân hàng Sài Gòn thương tín (Sacombank) với 1.250 tỷ đồng. Đây cũng là ngân hàng cổ phần duy nhất có quy mô vốn trên 1.000 tỷ tính đến thời điểm này.

Thế mạnh phát triển vốn ở Sacombank có thể thấy từ sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2002, lần đầu tiên Công ty Tài chính quốc tế (IFC) trực thuộc Ngân hàng thế giới (WB) đã đầu tư vào một ngân hàng cổ phần Việt Nam với tỷ lệ 10%/vốn điều lệ và trở thành cổ đông nước ngoài lớn thứ 2 của Sacombank sau Quỹ đầu tư Dragon Financial Holdings (Anh quốc).

Tuần qua, ngân hàng cổ phần quân đội (MB) cũng tuyên bố sẽ tăng gấp đôi vốn chủ sở hữu hiện có để vượt qua mốc 1.000 tỷ đồng. Đây là điều bất ngờ vì trong những năm qua, MB được đánh giá là ngân hàng có quy mô vốn cỡ trung bình, thế nhưng chỉ một bước sẽ tiến thẳng vào tốp ngân hàng cổ phần có quy mô vốn hàng đầu. Ông Lê Văn Bé, Tổng giám đốc MB cho biết sẽ thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu bổ sung vốn vào tháng 3 tới.

Trước MB không lâu, ACB cũng đã tuyên bố vượt qua mốc 1.000 tỷ vốn điều lệ trong năm 2006, lên đến 1.300 tỷ đồng. Đây là ngân hàng tiêu biểu cho sức mạnh nội lực và cũng là ngân hàng hoạt động hiệu quả nhất trong khối ngân hàng cổ phần trong năm vừa qua. Nhiều nhà đầu tư cho rằng con số 1.300 tỷ đồng vốn điều lệ đối với ACB là hoàn toàn bình thường.

Sự kiện ngân hàng cổ phần kỹ thương Techcombank bán 10% vốn điều lệ cho Ngân hàng Hồng Công Thượng Hải (HSBC) vào cuối năm 2005 vừa qua được đông đảo giới đầu tư chú ý, bởi ngay sau đó, ngân hàng cổ phần lớn thứ ba ở Việt Nam này đã thông báo tăng vốn lên trên 830 tỷ đồng. Trong năm nay ngân hàng này sẽ tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng.

Tiếp sau các đại gia trên sự chú ý của giới đầu tư hiện đang tập trung vào ngân hàng Ngoài quốc doanh VPBank khi có thông tin VPBank đang đàm phán với Ngân hàng OCBC (Singapore) để bán 10% vốn. Có thể đây là một bước quan trọng trong kế hoạch tăng vốn lên 700 tỷ đồng trong thời gian tới của ngân hàng cùng với kế hoạch phát hành cổ phiếu.

Tuy nhiên, trong trường hợp muốn bán cổ phần cho các tổ chức tín dụng nước ngoài, có thể VPBank sẽ phải tăng vốn trước. Vốn điều lệ của ngân hàng này hiện ở mức 250 tỷ đồng, trong khi dự thảo quy chế tổ chức tín dụng nước ngoài mua cổ phần của ngân hàng thương mại trong nước (sắp được ban hành) quy định vốn điều lệ phải từ 500 tỷ đồng trở lên.

Ông Lê Đắc Sơn, Tổng Giám đốc VPBank cho biết dự kiến trong năm 2006, các chỉ tiêu căn bản của VPBank sẽ tăng tối thiểu 30%. Để tăng sức cạnh tranh đồng thời mở rộng mạng lưới ra khắp các tỉnh thành trong cả nước VPBank sẽ ra mắt sản phẩm thẻ tín dụng Master Card VPBank và tiếp tục tăng vốn điều lệ của ngân hàng để tổng tài sản của VPBank đạt 1.000 tỷ đồng.

Xem ra cuộc đua gia nhập "Câu lạc bộ 1.000 tỷ đồng" giữa các ngân hàng cổ phần đang sôi động. Theo nhận định của các chuyên gia ngân hàng, đây là cuộc đua buộc các đối thủ phải nhập cuộc để tồn tại.

Hạnh Vũ