1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Nền tảng doanh nghiệp và chiến lược phát triển bền vững

Theo ông Nguyễn Khoa Mỹ, Giám đốc Truyền thông và đối ngoại Coca Cola Việt Nam, nền tảng vững chắc cho thành công của doanh nghiệp chính là những giá trị mang đến cho cộng đồng và đất nước thông qua chiến lược phát triển bền vững.

Phóng viên (PV): Ông có thể chia sẻ quan điểm cho biết đâu là yếu tố nền tảng cốt lõi cho một chiến lược phát triển bền vững thật sự?

Ông Nguyễn Khoa Mỹ (Ông NKM): Khái niệm trách nhiệm xã hội trước đây chỉ được hiểu theo nghĩa hẹp là các hoạt động xã hội. Qua thời gian, khái niệm ấy được định nghĩa theo 1 cách rộng hơn là phát triển bền vững, đó là sự tổng hòa trách nhiệm giữa các bên liên quan, trong đó có doanh nghiệp, cộng đồng, các tổ chức xã hội và cả các cơ quan quản lý. Nói ngắn gọn hơn, nền tảng cốt lõi của 1 chiến lược phát triển bền vững thực sự là thông hiểu nhu cầu, cơ hội thách thức của một đất nước, một xã hội nơi doanh nghiệp đó đang hoạt động. Khi hiểu được nhu cầu này, doanh nghiệp phải tìm ra được điểm chung mà doanh nghiệp có thể tham gia, đóng góp hoặc giải quyết được, góp phần tạo nên giá trị cho cả cộng đồng và chính doanh nghiệp ấy.

PV: Làm thế nào để cân bằng giữa những mục tiêu kinh doanh và các giá trị xã hội đóng góp của doanh nghiệp, liệu rằng điều đó có mâu thuẫn hay không?

Ông NKM: Sẽ không có sự mâu thuẫn giữa mục tiêu kinh doanh và các giá trị xã hội nếu doanh nghiệp luôn đặt mình vào dòng chảy phát triển chung của cộng đồng. Từ vấn đề sản xuất kinh doanh, chất lượng sản phẩm, nhu cầu địa phương, đến quyền lợi của người tiêu dùng, hoặc những thách thức về môi trường như nước sạch, tiết kiệm năng lượng. Bằng cách phát triển bền vững, doanh nghiệp đã tạo giá trị cho chính doanh nghiệp. Như trong ngành sản xuất nước giải khát, chúng tôi dùng nước rất nhiều, khi chúng tôi cắt giảm sử dụng nước thì sẽ tiết kiệm nước cho cộng đồng và giảm chi phí nguyên liệu, tiết kiệm nhiều hơn, hiệu quả kinh doanh sẽ tốt hơn. Vì vậy, đầu tư vào phát triển bền vững cũng chính là đảm bảo cho tương lai của chính doanh nghiệp đó.

Những con số biết nói từ chiến lược phát triển bền vững của Coca-Cola
Những con số biết nói từ chiến lược phát triển bền vững của Coca-Cola

PV: Ông có thể chia sẻ thêm về những hoạt động cụ thể tại Coca Cola nhằm cân bằng mục tiêu kinh doanh và giá trị xã hội như đã chia sẻ?

Ông NKM: Chúng tôi đặt mục tiêu PTBV chính là cốt lõi của mục tiêu kinh doanh. Cụ thể, trong sản xuất kinh doanh, chúng tôi luôn đảm bảo hệ thống sản xuất từ nhà máy, dây chuyền sản xuất, xử lý chất thải, tiếng ồn phải đạt được những chuẩn rất cao của tập đoàn. Đặt mục tiêu giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường trong toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất và hướng đến sử dụng các giải pháp năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời để cung cấp 20-25% tổng nhu cầu sử dụng điện.

Về sản phẩm, chúng tôi có quan niệm thực tiễn là làm gì cũng để phục vụ khách hàng, người tiêu dùng của mình. Mỗi sản phẩm của Coca-Cola khi ra thị trường đều trải qua quy trình kiểm duyệt gắt gao từ khâu nguyên liệu đầu vào, sản xuất đến thành phẩm. Bên cạnh đó, nếu có những yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng, chúng tôi luôn có trách nhiệm hồi đáp, đó là điều vô cùng quan trọng.

Trong hệ thống Coca Cola Việt Nam, chúng tôi có 2.500 nhân viên, hơn 99% là người Việt Nam và là những nhà lãnh đạo của công ty. Tập đoàn Coca-Cola luôn đảm bảo nhân viên được trang bị những kiến thức theo chuẩn toàn cầu, được tạo cơ hội để đổi mới, đưa ra giải pháp mang lại cho Coca-Cola Việt Nam trình độ phát triển không thua kém bất kì chi nhánh nào trên thế giới. Mỗi năm chúng tôi vẫn đang đầu tư 1,4 triệu USD để tuyển dụng và phát triển nguồn nhân lực này.

Chúng tôi xây dựng các chương trình nâng cao năng lực cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với kinh nghiệm, công nghệ để phát triển kinh doanh. Bên cạnh đó, đối với các bạn sinh viên trẻ, chúng tôi có những chuyên gia sẵn sàng cung cấp kiến thức trong những lĩnh vực mà các bạn muốn tìm hiểu. Ngoài ra, chúng tôi có những chương trình xây dựng trung tâm hỗ trợ cộng đồng, cung cấp dịch vụ cơ bản cho người dân ở khu vực khó khăn như cung cấp nước sạch miễn phí, chăm sóc sức khỏe, nâng cao kiến thức, internet…

EKOCENTER - sáng kiến PTBV đem đến các giá trị kết hợp về nước, hỗ trợ sinh kế phụ nữ, nâng cao chất lượng sống cho cộng đồng.
EKOCENTER - sáng kiến PTBV đem đến các giá trị kết hợp về nước, hỗ trợ sinh kế phụ nữ, nâng cao chất lượng sống cho cộng đồng.

PV: Với 100 cái tên vừa được công bố chắc chắn là không đủ để phản ánh hết tình hình các công ty PTBV hiện nay tại Việt Nam? Ông có kỳ vọng gì trong tương lai tới đây cho mô hình doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam?

Ông NKM: Một điều đáng mừng khi VCCI đưa ra hệ thống đánh giá chỉ số phát triển bền vững của doanh nghiệp, họ đã chọn được 100 doanh nghiệp hoạt động PTBV tích cực tại Việt Nam. Mặc dù doanh nghiệp trong khối FDI đóng góp vai trò quan trọng vào tỉ trọng nền kinh tế, nhưng doanh nghiệp trong nước vẫn là nền tảng phát triển kinh tế. Các doanh nghiệp trong nước đang trỗi dậy mạnh mẽ trong hoạt động PTBV. Đó là dấu hiệu đáng mừng khi doanh nghiệp trong nước có sự đầu tư, quan tâm lớn đến việc này.

Dù là 100 hay 1000 doanh nghiệp thì quan trọng hơn đó là nguồn cảm hứng cho rất nhiều doanh nghiệp khác noi theo, xem đó là công thức mới để tồn tại, phát triển và tạo ra giá trị cho chính bản thân mình, cho xã hội.

PV: Cảm ơn những chia sẻ của ông.