1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

NĐT "ngoại" có thể tham gia OTC tỷ lệ 100%

(Dân trí) - Ngày làm việc thứ hai của Hội nghị Thị trường vốn và tài chính, các diễn giả đã xoay quanh chủ đề phát triển và quản lý thị trường OTC. Một tín hiệu vui cho nhóm NĐT "ngoại" là họ có thể tham gia đầu tư vào thị trường này với tỷ lệ 100%.

Theo kế hoạch, Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HaSTC) sẽ tổ chức lại thị trường OTC và đưa các giao dịch tại đây vào "khuôn phép" trong năm nay.

Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc HaSTC cho biết, điểm khác biệt lớn nhất giữa thị trường OTC khi được tổ chức lại so với HaSTC và Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) là tất cả các giao dịch ở thị trường này có thể thực hiện ở tại các công ty chứng khoán vào bất cứ thời điểm nào trong ngày.

Với biên độ giao dịch 20%, thị trường OTC sẽ là mảnh đất màu mỡ, là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư (NĐT).

Không chỉ mang đến nhiều lợi ích cho NĐT trong nước, theo Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng, cơ quan quản lý cũng đang tính toán tới tỷ lệ sở hữu của nhóm NĐT "ngoại" tại thị trường này.

Chủ tịch Vũ Bằng nói: "Có ba khả năng, một là để tỷ lệ vốn của NĐT nước ngoài tham gia vào các công ty đại chúng chưa niêm yết ở mức 30%, hai là 49% và thứ ba là sẽ phân nhóm, có những nhóm mà NĐT nước ngoài có thể tham gia ở mức 100%".

Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), ông Phạm Quang Huy cho rằng: "Khi thị trường OTC được tổ chức, chắc chắn những rủi ro về làm giá sẽ được hạn chế, quyền lợi của nhà đầu tư được đảm bảo".

Theo dự đoán của Trưởng ban Quản lý Phát hành (UBCKNN)Phan Thế Thọ, nhà đầu tư chắc chắn sẽ hào hứng tham gia vì quyền lợi của họ được bảo vệ hơn so với hiện nay.

Vì theo Luật Chứng khoán, tất cả các doanh nghiệp đã đăng ký là công ty đại chúng đều phải thực hiện các nghĩa vụ như công bố công khai minh bạch thông tin (báo cáo tài chính năm có kiểm toán, thông tin bất thường...), cũng như quản trị công ty...

"Mọi công ty đã đăng ký công ty đại chúng nhưng chưa niêm yết đều có quyền tham gia vào thị trường OTC. Tôi cho rằng, công ty nào đã đăng ký làm công ty đại chúng cũng sẽ muốn tham gia vào thị trường này, vì doanh nghiệp nào cũng muốn cổ phiếu của mình có tính thanh khoản cao"- ông Thọ nói.

Còn với NĐT "ngoại", điều mà họ quan tâm nhất là hệ thống giám sát đối với giao dịch và báo giá tại các công ty chứng khoán. Theo một NĐT nước ngoài thì, cách giao dịch thị trường OTC trong thời gian tới sẽ tập trung "quyền lực" vào tay các công ty chứng khoán, bởi NĐT thực hiện giao dịch tại các công ty chứng khoán, cuối mỗi ngày giao dịch, các công ty này chỉ phải báo giá giao dịch về cho HaSTC.

"Hệ thống mà HaSTC đề xuất dễ dẫn đến việc làm giá của các công ty chứng khoán, các công ty này có khả năng thao túng giao dịch" - Một NĐT nước ngoài bày tỏ.

Trước thắc mắc của vị đại diện trên, ông Trần Văn Dũng cho rằng: Giao dịch OTC thực hiện ở các công ty chứng khoán nhưng hàng ngày các đơn vị này phải có báo cáo giá mua, giá bán và khối lượng dư mua, dư bán về HaSTC.

Các chỉ số này sẽ được HaSTC tổng hợp để đưa ra một mức giá mua, giá bán chung cho thị trường. Sau đó, HaSTC chuyển trực tiếp về cho các công ty chứng khoán, công ty chuyển tới NĐT và hiển thị trên bảng điện tử của HaSTC.

Bên cạnh đó, HaSTC cũng sẽ có một hệ thống phân tích, theo dõi để kiểm soát các hoạt động của công ty chứng khoán.

"Qua bảng giao dịch điện tử, NĐT sẽ so sánh với giá chung của thị trường, nếu làm giá họ sẽ biết ngay. Hệ thống này vừa có dáng dấp của thị trường OTC, vừa có dáng dấp của thị trường niêm yết và với cơ chế xác định giá như trên, khả năng làm giá của các công ty chứng khoán sẽ được hạn chế" - ông Dũng nhấn mạnh.

An Hạ