1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Nâng “room” lên 49% hay “bán đứt” ngân hàng yếu kém?

(Dân trí) - Thông tin Việt Nam sẽ nới “room” cho nhà đầu tư ngoại lên 49% cổ phần tại các ngân hàng đang thu hút dư luận. Theo chuyên gia, với ngân hàng nhỏ và yếu, chúng ta có thể xem xét nới “room” lên mức 49% hoặc "bán đứt" cho nhà đầu tư ngoại.

Trả lời phỏng vấn Bloomberg tại New York ngày 27/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Chính phủ có kế hoạch cho phép các công ty nước ngoài sở hữu tới 49% cổ phần của các ngân hàng trong “tương lai gần”.

Hiện tổng “room” nước ngoài tại các ngân hàng bị giới hạn ở mức 30% và một nhà đầu tư nước ngoài không được nắm giữ quá 20% cổ phần của một ngân hàng. Theo đánh giá của một số tổ chức xếp hạng tín nhiệm, sự giới hạn tỷ lệ sở hữu trên có thể làm giảm mối quan tâm của nhà đầu tư (NĐT) ngoại đối với các ngân hàng Việt Nam, nhất là trong bối cảnh hệ thống ngân hàng đang tiến hành tái cơ cấu và mua bán nợ xấu.

Thông tin Việt Nam sẽ nới “room” cho NĐT ngoại lên 49% cổ phần tại các ngân hàng đang thu hút sự chú ý của dư luận, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Có ý kiến còn cho rằng, Việt Nam nên tiến hành nhanh lộ trình nới “room”.

Đánh giá về khả năng nới “room” cho nhà đầu tư ngoại tại các ngân hàng, TS. Vũ Đình Ánh nói: Việc nới “room” cho các nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng Việt Nam là cần thiết nhằm tận dụng nguồn lực từ nước ngoài trong việc tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại. Bởi mục tiêu tái cơ cấu lại để có hệ thống ngân hàng thương mại ổn định, hoạt động lành mạnh thì phải có nguồn lực, không chỉ là nguồn lực trong nước mà cần có sự tham gia của các nguồn lực, các định chế tài chính lớn từ nước ngoài.

Tuy nhiên, theo TS. Vũ Đình Ánh: “Hệ thống tài chính đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế nhưng khá nhạy cảm nên việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài ở mức độ nào cần cân nhắc kỹ. Đối với 1 số trường hợp ngân hàng nhỏ và yếu thì có thể xem xét ở mức 49% hoặc tới 100% - tức là bán ngân hàng cho nhà đầu tư nước ngoài và nhóm nhà đầu tư nước ngoài”.

TS. Vũ Đình Ánh cũng cho rằng, Việt Nam không nên giới hạn “room” chung cho các nhà đầu tư nước ngoài trong ngân hàng quá cao. Nếu nới “room” chung quá lớn, khi nhà đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng quá lớn tại các ngân hàng thương mại cổ phần rồi thông qua đó chi phối cả hệ thống tài chính sẽ là rủi ro lớn.

Chuyên gia đề xuất bán ngân hàng yếu kém cho NĐT ngoại.
Chuyên gia đề xuất bán ngân hàng yếu kém cho NĐT ngoại.

Cùng quan điểm này, TS.Cấn Văn Lực - Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT và Giám đốc Trường Đào tạo BIDV cho rằng: “Theo quan điểm của tôi, chúng ta có thể phân nhóm ngân hàng hoặc tổ chức tài chính để có thể cho phép mức độ nới room khác nhau. Ví dụ như 49% là đối với ngân hàng hoạt động bình thường, còn mức độ cao hơn 70% - 75% cho một số ngân hàng thực sự yếu kém và người ta sẵn sàng mở toang cửa ra để thu hút đầu tư nước ngoài vào tham gia công cuộc quản trị điều hành.

Những ngân hàng yếu kém, vốn của họ không lớn, quản trị điều hành lại có vấn đề, còn các đầu tư nước ngoài nhảy vào đều muốn có được quyền kiểm soát. Trên thực tế cũng cho thấy, những ông chủ mới phải “thay máu” quản lý tại ngân hàng đó mới có kết quả tốt”.

Đồng tình nới “room” cho nhà đầu tư ngoại tham gia vào ngân hàng, nhưng TS.Cấn Văn Lực cho rằng cần phải có lộ trình.

“Nếu việc nới room của chúng ta mở toang sẽ tạo ra cú sốc. Còn nhớ vào năm 2007, khi chúng ta bắt đầu gia nhập WTO, đầu tư FDI đăng ký vào Việt Nam lên tới trên 60 tỷ USD và giải ngân cũng khá lớn. Do đó, chúng ta gặp áp lực lạm phát cùng với tín dụng trong nước tăng nhanh tới 53% cho nên lạm phát của 2008 lên đến 23%. Chúng ta cũng cần phải có những kiểm soát dòng vốn nhất định, đặc biệt trong bối cảnh dòng vốn hay việc quản lý vốn cũng khá khó khăn hơn”, TS.Lực cảnh báo.

Ngoài ra, theo đánh giá của TS.Lực, việc nới “room” cho nhà đầu tư ngoại không đáng lo ngại đối với việc gia tăng sở hữu chéo. Bởi sở hữu chéo đã từng xảy ra tại nước ngoài vào thời gian trước đây, nhưng họ đã kiểm soát được do có cơ chế giám sát rõ ràng, minh bạch.

Đề cập tới thông tin Ngân hàng TMCP Dầu khí toàn cầu (GP.Bank), ngân hàng yếu kém còn lại trong 9 ngân hàng phải tái cơ cấu, đang trong quá trình đàm phán để bán cổ phần cho ngân hàng United Overseas Bank (UOB) của Singapore, TS.Vũ Đình Ánh cho rằng: “Nếu bán được thì GP.Bank nên bán hết cổ phần cho UOB”.

Nhưng UOB đang nắm khoảng 20% cổ phần của một ngân hàng khác tại Việt Nam và theo luật thì nhà đầu tư nước ngoài không được sở hữu vốn cùng lúc tại hai ngân hàng. TS.Ánh cho rằng: Nếu trường hợp UOB muốn mua cổ phần GP.Bank thì có thể thoái vốn tại ngân hàng kia, hoặc sáp nhập 2 ngân hàng lại với nhau.

Với tình huống UOB mua lại 100% cổ phần GP.Bank, liệu GP.Bank có “bán mình” với giá rẻ? Theo đánh giá của TS.Vũ Đình Ánh: Có thể GP.Bank không chỉ đàm phán với một mình UOB mà với một vài đối tác nên giá cả sẽ theo nguyên tắc thị trường.

“Thị trường tài chính là thị trường đặc biệt, không phải mua rồi bán lại mà mua về quản lý nên giá chỉ là một phần trong tổ hợp cam kết của hợp đồng mua bán như: sự tham gia đó có tăng vốn vào không, định hướng của ngân hàng thương mại là ngân hàng bán lẻ hay bán buôn… Đó là chưa kể liên quan tới nghĩa vụ ông chủ mới đối với khoản nợ cũ”, TS.Ánh nói.

Nguyễn Hiền