1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Nâng hạng thị trường chứng khoán: Chìa khóa quan trọng là công nghệ

Toàn Thịnh

(Dân trí) - Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024, công nghệ được chỉ ra là một trong những chìa khóa quan trọng nhất cho mục tiêu nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng khẳng định, phát triển kinh tế thì không thể thiếu thị trường chứng khoán (TTCK). Thủ tướng nêu 6 điểm quan trọng để phát triển TTCK và các vấn đề cần phải tập trung, trong đó có đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại vào công tác vận hành và quản lý đối với TTCK, đưa công nghệ số, công nghệ 4.0 thúc đẩy TTCK…; giải quyết các điểm còn vướng mắc để nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.

Đối với mục tiêu nâng hạng TTCK từ hạng cận biên lên mới nổi, hiện nay, còn một số tiêu chí Việt Nam cần cải thiện để đáp ứng. Nhiều chuyên gia, lãnh đạo các tổ chức tài chính cho rằng Việt Nam cần phải tiếp tục đầu tư, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trên toàn diện từ nền tảng vận hành, giám sát, kết nối dữ liệu, phát hành đến mở rộng sản phẩm tài chính…

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT nhắc đến 100 ngày "giải cứu" sàn HOSE sau sự kiện nghẽn lệnh của sàn này vào giữa năm 2021 để khẳng định vị trí công nghệ. Trong đó, trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế và TTCK.

100 ngày "giải cứu sàn HOSE" là sự kiện được khởi xướng từ sáng kiến của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sovico. Khi đó, tình trạng nghẽn lệnh tại HOSE diễn ra trong suốt hơn nửa năm, từ cuối quý IV/2020 khiến niềm tin của nhà đầu tư trên TTCK sụt giảm.

Nâng hạng thị trường chứng khoán: Chìa khóa quan trọng là công nghệ - 1

Chủ tịch SOVICO Nguyễn Phương Thảo tại cuộc họp với Bộ trưởng Tài chính ngày 15/10/2021.

Tình trạng này được nêu tại hội nghị "Đối thoại 2045" và bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã đề xuất Chính phủ cho phép Sovico cùng FPT cùng nghiên cứu xây dựng hệ thống vận hành nâng cấp, thay thế cỗ máy vận hành được cung cấp từ 20 năm trước.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo và ông Trương Gia Bình đều là lãnh đạo của những doanh nghiệp niêm yết thuộc nhóm VN30 trên HOSE có hàng chục nghìn nhà đầu tư tổ chức và cá nhân trong nước và nước ngoài là cổ đông; có nhiều đóng góp cho sự phát triển của TTCK Việt Nam.

Đầu tháng 7/2021, hệ thống giao dịch mới của HOSE do FPT triển khai, Sovico tài trợ đã chính thức vận hành với năng lực xử lý một ngày 3-5 triệu lệnh, gấp hơn 3 lần hệ thống cũ, bỏ cơ chế phân bổ số lệnh và có thể chỉnh sửa khi gặp sự cố đúng cam kết hoàn thành sau 3 tháng. Đến hiện tại, hệ thống này vẫn được đánh giá vận hành mượt mà và đáp ứng được mọi yêu cầu của thị trường với giao dịch có thời điểm lên tới trên 50.000 tỷ đồng/phiên.

Nâng hạng thị trường chứng khoán: Chìa khóa quan trọng là công nghệ - 2

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trao bằng khen cho Tập đoàn SOVICO và Tập đoàn FPT thành tích xử lý nghẽn lệnh HoSE.

Theo kế hoạch của cơ quan quản lý, tới đây, hệ thống công nghệ HOSE có thể được thay thế bằng công nghệ KRX của Hàn Quốc. Đến đầu 2024, HOSE và các công ty chứng khoán vẫn đang kết nối ở các giai đoạn kiểm thử vận hành KRX.

Việc sẽ sớm đưa KRX vào vận hành cũng được xem là một trong những "chìa khóa" củng cố nền tảng công nghệ hiện đại của TTCK, giúp thị trường Việt Nam ghi điểm trong mắt nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tuy vậy, theo một số chuyên gia trong ngành, đây không phải yếu tố có ý nghĩa tác động mạnh đến câu chuyện nâng hạng TTCK.

Để nâng hạng TTCK lên mới nổi, đáp ứng đủ các tiêu chí của MSCI và FTSE Russell, theo các chuyên gia, là sự ra đời đối sách bù trừ trung tâm của Việt Nam (CCP). Cùng với đó, là định hướng xây dựng trung tâm tài chính quốc tế  được đầu tư ứng dụng công nghệ, số hóa.

Nâng hạng thị trường chứng khoán: Chìa khóa quan trọng là công nghệ - 3

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi (thứ 6 từ trái sang) tặng hoa cảm ơn các thành viên thị trường ngày 28/7/2022.

Tại hội nghị "Đối thoại 2045" năm 2021, Chủ tịch Sovico, bà Nguyễn Thị Phương Thảo từng chia sẻ, doanh nghiệp sẵn sàng tham gia các chương trình lớn của quốc gia, đặc biệt là chuyển đổi số quốc gia toàn diện.

"Doanh nghiệp mong được ủng hộ và động viên để 'sẵn sàng cống hiến, xả thân' với điều kiện nguồn vốn, kinh nghiệm quản trị, quan hệ quốc tế và tài chính sẵn có. Chúng tôi tin rằng với sự giúp ích của doanh nghiệp, chương trình quốc gia phát triển 2045 thậm chí có thể rút ngắn lộ trình tới chục năm", bà Thảo nói.

Những nỗ lực và thành tựu công nghệ đã được minh chứng là nền tảng vững chắc để các doanh nghiệp Việt Nam, với các đầu tàu tiếp tục phát huy sáng tạo, nguồn lực, năng lực của mình trong giai đoạn tiếp theo để hiện thực hóa "Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030" và "Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030".