1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Nâng giá điện và chi phí y tế, lạm phát đầu năm bị đẩy tăng

Mai Chi

(Dân trí) - Trong khi giá điện sinh hoạt phản ánh biến động trễ 1 tháng thì giá thuốc và dịch vụ y tế tăng sau việc một số địa phương triển khai áp dụng giá dịch vụ y tế mới theo Thông tư số 22.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng 0,31% so với tháng trước. Tổng cục Thống kê cho biết nguyên nhân chính là việc một số địa phương thực hiện tăng giá dịch vụ y tế theo Thông tư số 22/2023 của Bộ Y tế, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và giá gạo trong nước tiếp tục tăng theo giá gạo xuất khẩu. 

So với cùng kỳ năm 2023, CPI tháng 1 tăng 3,37%. Lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và giáo dục) tăng 2,72%.

Nâng giá điện và chi phí y tế, lạm phát đầu năm bị đẩy tăng - 1

Tốc độ tăng/giảm chỉ số giá tiêu dùng tại các nhóm hàng trong rổ CPI (Nguồn: GSO).

Cụ thể, trong mức tăng 0,31% của CPI tháng 1 so với tháng trước có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.

Chỉ số giá của nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất với 1,02% làm CPI chung tăng 0,05 điểm phần trăm, trong đó chỉ số giá thuốc các loại tăng 0,09%; dịch vụ khám chữa bệnh ngoại trú tăng 0,89%; dịch vụ khám chữa bệnh nội trú tăng 1,67%.

Giá thuốc và dịch vụ y tế tăng sau khi một số địa phương triển khai áp dụng giá dịch vụ y tế mới theo Thông tư số 22 ngày 17/11/2023 của Bộ Y tế quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp.

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,56% làm CPI chung tăng 0,11 điểm phần trăm, do giá điện sinh hoạt tăng 1,29% so với tháng trước và nhu cầu dùng điện để sưởi ấm tăng khi thời tiết chuyển lạnh.

Cơ quan thống kê cho hay, chỉ số giá điện sinh hoạt tháng 1 phản ánh biến động trễ 1 tháng so với các mặt hàng khác do được tính dựa trên doanh thu và sản lượng tiêu dùng của tháng 12/2023. Bên cạnh đó, EVN đã có Quyết định số 1416 ngày 8/11/2023 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân từ ngày 9/11/2023.

Bên cạnh đó, giá gas cũng tăng 1,69%. Ở chiều ngược lại, giá dầu hỏa giảm 1,24% so với tháng 12/2023 do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá vào ngày 4/1, 11/1, 18/1 và 25/1.

Nhóm giao thông tăng 0,41% làm CPI chung tăng 0,04 điểm phần trăm do chỉ số giá xăng tăng 0,79%; chỉ số giá dầu diesel tăng 1,39%; chỉ số giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 3,64%; phí cầu đường tăng 1,54%...

Nhu cầu dịp Tết Nguyên đán tăng cũng đẩy giá một số nhóm hàng hóa tăng như nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,38%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,22%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,21%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,14%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,11%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,4%

Hai nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm là bưu chính viễn thông giảm 0,05% do các hãng thực hiện các chương trình khuyến mại giảm giá đối với một số loại điện thoại di động và giáo dục giảm 0,12%, trong đó dịch vụ giáo dục giảm 0,15%.

Trước đó, ngày 31/12/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 97 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81 năm 2021, trong đó yêu cầu giữ ổn định mức thu học phí từ năm học 2023-2024 bằng mức thu học phí của năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập. Do đó, một số địa phương đã điều chỉnh giảm mức học phí sau khi đã thu theo Nghị định số 81.