1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Mỹ tạm ngừng đặt hàng dệt may Việt Nam

Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), đến thời điểm này, các khách hàng Mỹ chưa ký hợp đồng cho quý III/2007. Các nhà nhập khẩu đang chờ những phán xét đầu tiên về kết quả giám sát của Bộ Thương mại Mỹ vào tháng 8 tới rồi mới quyết định.

Hiện các nhà nhập khẩu Mỹ đang tạm dừng để theo dõi những diễn biến của việc giám sát tăng trưởng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam từ phía cơ quan giám sát của Mỹ.

Các nhà nhập khẩu đang lo ngại những phản ứng của cơ quan quản lý phía Mỹ gây bất lợi cho việc nhập khẩu và kinh doanh của họ nên chưa vội ký hợp đồng. Nếu trong tháng 8 tới có những nhận xét bất lợi từ Bộ Thương mại Mỹ thì các nhà nhập khẩu có thể rút Việt Nam khỏi danh sách.

Được biết, xuất khẩu dệt may năm 2007 dự kiến đạt 7,35 tỷ USD, tăng khoảng trên 27% so với năm 2006. Thực tế, 5 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng có 24,3%, kim ngạch xuất khẩu bình quân khoảng 537 triệu USD/tháng. Với mức bình quân như vậy, kim ngạch xuất khẩu cả năm chỉ có thể đạt khoảng 6,5 tỷ USD nếu không có sự tăng trưởng mạnh trong những tháng cuối năm.

Tuy nhiên, nếu tình hình hiện nay của thị trường Mỹ không sớm được tháo gỡ thì xuất khẩu dệt may sẽ rất khó khăn để có thể hoàn thành mục tiêu đề ra vì Mỹ hiện chiếm khoảng 55% thị phần xuất khẩu dệt may Việt Nam. Năm 2006, Mỹ nhập khẩu khoảng 3.04 tỷ USD hàng dệt may Việt Nam.

Ngay sau khi Việt Nam gia nhập WTO, Mỹ dỡ bỏ hạn ngạch dệt may nhưng lại áp dụng cơ chế kiểm soát nhập khẩu hàng dệt may từ Việt Nam trong 2 năm 2007-2008 và có khả năng tự điều tra, chống bán phá giá. Điều này đã gây tâm lý lo ngại, bất an cho các nhà nhập khẩu và bán lẻ ở Mỹ và việc tạm ngừng ký hợp đồng với các DN Việt Nam như trên là hậu quả trực tiếp của cơ chế này. Điều này cũng buộc Việt Nam phải áp dụng các biện pháp tự giám sát xuất khẩu trong 2 năm 2007-2008.

Theo Phước Hà
VietNamnet