1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

"Mức tăng giá điện sinh hoạt cao vì chi phí đầu tư lớn"

(Dân trí) - Đề án tăng giá điện được xây dựng theo hướng nâng giá điện sinh hoạt cao hơn giá sản xuất. Ông Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) đã có cuộc trao đổi với báo Dân trí xung quanh vấn đề này.

EVN đang xây dựng đề án tăng giá điện dự kiến 20% vào năm 2009. Tăng một lúc tới 20% có quá vội vã, nhất là trong bối cảnh đời sống của người dân đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay không, thưa ông?

Mức tăng bao nhiêu thì sẽ do Bộ Công Thương họp với tổ liên ngành, đưa ra phương án thống nhất và trình để Chính phủ có quyết định cuối cùng.

Thông tin về việc tăng 20% có thể là “ngưỡng” lớn nhất. Tăng 20% giá điện sẽ tiệm cận đến giá thị trường và giá thành sản xuất điện, song việc tăng bao nhiêu % không đơn giản mà phải xem xét nhiều khía cạnh tác động của giá điện.

Việc điều chỉnh giá điện phải có lộ trình để sao cho ít ảnh hưởng nhấtnhưng vẫn bảo đảm cho các doanh nghiệp hoạt động điện lực được cân bằng tài chính, các đơn vị sản xuất, kinh doanh không bị đội giá thành sản phẩm lên quá cao.

Nhưng vì sao lúc nào ngành điện cũng kêu lỗ, mà giá điện tăng chưa chắc đồng nghĩa với việc người dân sẽ được hưởng dịch vụ cung cấp điện tốt…!

Giá điện phải tính dựa trên bức tranh tài chính chung của ngành điện. Nó phải được xây dựng như thế nào mới thu hút được đầu tư. Với ngành điện thì để ra một sản phẩm (nhà máy điện - PV) rất lâu, phải 5 năm đầu tư thì mới có được.

Để tiến đến thị trường điện cạnh tranh thì cần phải bảo đảm cân đối tài chính cho các doanh nghiệp. Giá điện đầu ra phải điều chỉnh theo thông số đầu vào, cũng không thể giữ vững như 2 - 3 năm nay một giá, không hợp lý.

Đặc thù nữa của ngành điện là thiếu điện sẽ làm ảnh hưởng sinh hoạt và sản xuất nhưng thừa thì cũng chết. Đã cho xây dựng rồi thì phải cho phát điện và bán điện nên không cho phát triển quá nhiều mà phải tính toán sao cho vừa đủ. Cái khó của ngành điện là vừa đủ.

Được biết, đề án tăng giá điện tới đây sẽ theo hướng nâng giá điện sinh hoạt cao hơn giá sản xuất. Vì sao lại như vậy?

Hiện nay giá bán bình quân của điện sinh hoạt và sản xuất là gần ngang nhau. Trong khi đó, chi phí cho điện sản xuất là thấp hơn cho sinh hoạt rất nhiều. Vì đối với sản xuất, ngành điện chỉ bỏ ra chi phí truyền tải đến cấp điện áp trung thế, sau đó bán khối lượng.

Giống như với một khối lượng hàng hóa lớn mà mua ở "kho” sẽ khác với việc xé lẻ khối lượng ấy và giao đến nhiều địa chỉ. Bán điện sinh hoạt là phải đầu tư cho cấp hạ thế và truyền tải, quản lý… rất tốn kém.

Thực tế hiện nay giá thành bán điện sinh hoạt đang thấp hơn giá thành thực tế từ 30 - 40%. Theo chuyên gia tư vấn quốc tế thì giá thành phải từ 1.100 - 1.300 mới đủ. Trong khi đó, hiện nay chúng ta chỉ bán với giá trung bình 850 - 870 đồng/kwh.

Vậy theo ông, việc điều chỉnh giá điện trong năm 2009 có đảm bảo cân đối tài chính cho EVN không? Nơi đang được giao xây dựng đề án tăng giá điện và cũng là nơi vừa có hành động trả lại 13 dự án vì không “kham” nổi?

Việc tăng giá để đảm bảo cân đối tài chính của cả ngành điện chứ không chỉ của riêng doanh nghiệp nào. Cần hiểu ngành điện không chỉ có EVN mà là của tất cả doanh nghiệp phát, chuyển tải, phân phối, kinh doanh điện.

Do đó, trách nhiệm chia sẻ thì thuộc về các doanh nghiệp tham gia ngành điện. Chúng ta đang hướng đến xây dựng thị trường điện cạnh tranh, dự kiến đi vào hoạt động từ cuối 2009, đầu 2010.

Xin cám ơn ông!

Lan Hương