1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Mua xe ô tô chở tiền từ kinh phí sửa chữa đường bộ!

(Dân trí) - Theo kết quả kiểm toán nhà nước (KTNN), trong hai năm 2005-2006, Cục đường bộ đều không hoàn thành dự toán thu… Đáng chú ý KTNN phát hiện 3,9 tỷ đồng rút ra từ quỹ sửa chữa đường để mua hơn 10 ô tô mang danh nghĩa chở tiền!

Dùng tiền sửa chữa đường để mua 13 ô tô

Theo tài liệu của KTNN, trong 2 năm 2005 - 2006 đã có 3,9 tỷ đồng được chi để mua 13 ô tô vận chuyển tiền cho các trạm thu phí. Tuy nhiên, KTNN phát hiện số xe trên không phải là xe chuyên dụng chở tiền, hầu hết các công ty sử dụng xe ô tô vào hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị.

Trong khi đó, KTNN cũng xác định mô hình tổ chức thu phí hiện nay còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn, các trạm thu phí là đơn vị trực thuộc các doanh nghiệp cổ phần hoặc doanh nghiệp công ích.

Lao động thu phí theo định biên và quỹ lương do Cục đường bộ giao. Các công ty này thực hiện hai cơ chế tài chính riêng biệt dẫn đến một số công ty sử dụng số thu phí được để lại sai mục đích, đồng thời chiếm dụng số thu phải nộp NSNN và nộp Quỹ hiện đại hóa…

Cụ thể, số tiền chưa nộp đầy đủ kịp thời số phí đã thu vào NSNN năm 2005 là 19,6 tỷ đồng, năm 2006 là 16,7 tỷ đồng. Các đơn vị còn nợ Quỹ hiện đại hóa của Cục năm 2005 là 25,9 tỷ đồng, năm 2006 là 19,2 tỷ đồng.

Các dự án vay đều phải trả lãi tiền vay rất lớn, hầu hết các dự án phải trả lãi tiền vay từ 30 - 40% so với tiền gốc, cá biệt có dự án lãi tiền vay chiếm tới 50% tiền gốc vay. Trong khi đó, Quỹ hiện đại hóa còn dư 184,7 tỷ đồng, Quỹ khen thưởng của Cục còn 6,1 tỷ đồng chưa sử dụng.

Trong việc lập và giao dự toán, KTNN cũng xác định: Cục đường bộ giao dự toán thu, chi phí sử dụng đường bộ chưa sát thực tế, chưa căn cứ vào dự toán của cấp dưới.

Nhiều tiền nhưng chậm đổi mới

Theo số liệu của Kiểm toán nhà nước (KTNN), năm 2005 các trạm thu phí thu được 1020 tỷ đồng, đạt 97,05% dự toán, bằng 104,14% so với năm 2004. Năm 2006, thực hiện được 1063 tỷ đồng, đạt 99,57% dự toán, bằng 104,5% so với năm 2005.

KTNN kết luận: “cả 2 năm liên tục Cục đường bộ Việt Nam không hoàn thành dự toán thu trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm tăng gần 8% và tăng thu ngân sách từ thuế, phí, lệ phí từ 10% đến 15%. Nếu Cục đường bộ xây dựng dự toán sát với thực tế, tương ứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế và tốc độ tăng thu NSNN và đồng thời với việc áp dụng công nghệ tự động hóa thu phí sẽ chống được thất thu, tăng thu thêm cho NSNN”.

Theo KTNN, số thu phí đường bộ hiện nay chỉ đáp ứng được 30% phí duy tu, bảo dưỡng đường bộ. Nguyên nhân của việc hiệu quả thu phí chưa đạt mục tiêu là do: mô hình tổ chức thu phí còn nhiều bất cập, công nghệ thu phí lạc hậu, chi phí phục vụ hoạt động cao và còn thất thu NSNN…

Các trạm thu phí chủ yếu sử dụng bằng hình thức thủ công, trong đó có 1 trạm thu phí số 2 (tỉnh Bình Phước) áp dụng công nghệ tự động hóa. Với việc áp dụng công nghệ thu tự động đã góp phần tăng thu so với hình thức thủ công là 16%, giảm biên chế 16% trong khi tiền lương tăng 11%.

Đáng lưu ý, theo số liệu của KTNN, Quỹ hiện đại hóa được thành lập từ năm 2003, có số dư là 184,7 tỷ. Trong khi đó, Cục đường bộ vẫn phải vay vốn đầu tư, ước tính lãi suất hàng năm là trên 10 tỷ đồng.

Việc áp dụng công nghệ tự động hóa mang lại kết quả khá ưu việt vừa góp phần tăng thu, tiết kiệm chi NSNN, vừa thể hiện tính văn minh, tiện dụng nhưng việc triển khai hiện đại hóa của Cục đường bộ lại quá chậm đến nay mới hiện đại hóa được 4 trạm.

Theo tính toán, nếu đầu tư hiện đại hóa cho một trạm khoảng 4 tỷ đồng thì số tiền của quỹ hoàn toàn có khả năng đáp ứng vốn cho các trạm còn lại.

KTNN kiện nghị Cục đường bộ Việt Nam xử lý tài chính với số tiền hơn 57 tỷ đồng gồm các khoản nợ đến hết năm 2006, nộp NSNN... chấm dứt việc sử dụng nguồn kinh phí sai quy định của Luật NSNN…

Đồng thời, KTNN cũng đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Cục đường bộ VN kiểm điểm trách nhiệm trong việc quyết định sử dụng nguồn kinh phí sửa chữa đường bộ sai quy định của Luật NSNN, về quyết định mua 13 xe ô tô từ nguồn kinh phí sửa chữa đường bộ.

Phúc Hưng