1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Một loạt bộ ngành và dự án bị tố "ngâm" giải ngân vốn vay ODA

(Dân trí) - Mức giải ngân vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) và các vốn vay ưu đãi khác trong 9 tháng đầu năm 2016 không đồng đều giữa các bộ, ngành và địa phương. Trong đó, đáng chú ý nhiều nơi, giải ngân số vốn được phê duyệt rất thấp, không đạt yêu cầu đề ra, làm chậm phát triển và hoàn chỉnh quy hoạch ngành, địa phương.

Đây là khẳng định của ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tại Hội nghị thúc đẩy giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam được tổ chức chiều nay (18/10) tại Hà Nội.

Một số bộ, địa phương và dự án bị cảnh báo chậm triển khai giải ngân vốn ODA
Một số bộ, địa phương và dự án bị cảnh báo chậm triển khai giải ngân vốn ODA

Ông Phương cho hay, thống kê mới nhất của Bộ KH&ĐT, 9 tháng đầu năm cả nước có 4,9 tỷ USD vốn ODA và các vốn vay ưu đãi của các tổ chức quốc tế, giải ngân hơn 2,68 tỷ USD (trong đó có 160 triệu USD là vốn ODA không hoàn lại các khoản vay khác đều có mức lãi suất nhất định). Tốc độ giải ngân bằng 81,4% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng nói, trong số các bộ ngành và địa phương có mức giải ngân tương đối cao như Bộ GTVT, Hà Nội, TP.HCM, còn nhiều bộ ngành và địa phương có mức giải ngân rất thấp như Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Quảng Ninh, Hưng Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Huế, Đắc Nông, Tây Ninh...

Đáng nói, trong đó có nhiều dự án đầu tư có ảnh hưởng đến phát triển khu vực, liên vùng và phát triển của tỉnh nhưng chậm được triển khai giải ngân, ảnh hưởng đến phát triển như: Dự án tăng cường hệ thống dự báo thời tiết, cảnh báo sớm thuộc dự án Quản lý thiên tai do WB tài trợ; Dự án Quản lý tổng hợp tài nguyên nước sông Mê Kông WB tài trợ; Tăng cường hệ thống dự báo, cảnh báo lũ lụt tại Việt Nam do Italia tài trợ; Xử lý chất thải tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) do chính phủ Đức tài trợ.

Trên thực tế, số vốn ODA và vốn vay ưu đãi (cấp giữa liên chính phủ với nhau) phần lớn là các khoản vay có lãi suất và có thời gian nhất định để giải ngân. Chính phủ giao khoán cho các cơ quan để thống nhất giải ngân các dự án nằm trong kế hoạch vay. Do đó, việc chậm giải ngân không chỉ khiến nguồn vốn này tăng lãi suất trả nợ, trong khi số vốn nằm bất động, mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn và đặc biệt là ảnh hưởng đến kế hoạch và chiến lược phát triển.

Báo cáo của Bộ KH&ĐT chỉ rõ: "Nhiều bộ, ngành và địa phương chưa thực sự quan tâm đến cơ chế giao kế hoạch mới nên việc dự kiến kế hoạch vốn nước ngoài không chính xác, không sát thực tế. Ngoài ra, việc xác định khả năng thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài hàng năm cũng rất khó do chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác như tiến độ giải phóng mặt bằng, thủ tục cấp vốn của nhà tài trợ năng lực của chủ đầu tư và nhà thầu" .

Theo lý giải của ông Phương, ngoài các nguyên nhân chủ quan của các bộ, ngành sở dĩ có tình trạng trên là hiện một số chính sách giải ngân ODA khá rườm rà. Trong đó, vướng mắc lớn là cơ chế tài chính cho vay lại chính quyền địa phương, kéo dài thời gian có hiệu lực của khoản vay. Mặc dù Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ ra Nghị định nhưng còn phức tạp.

"Theo cơ chế cho vay lại, khi các tỉnh có khả năng trả nợ thì mới được vay. Như vậy, các tỉnh nghèo ko trả được nợ sẽ không được vay. Bên cạnh đó, khác biệt về chính sách đền bù và tái định cư khác biệt giữa Việt Nam với các nhà tài trợ cũng khiến vốn không được triển khai", Thứ trưởng Phương nhấn mạnh.

Nguyễn Tuyền