1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

TPHCM:

Một doanh nhân nước ngoài tố bị lừa 190.000 USD

(Dân trí) - Ký 3 hợp đồng mua tiêu đen và chuyển trước 70% giá trị hợp đồng, thế nhưng một doanh nhân nước ngoài đã bị đối tác cắt hợp đồng, từ chối trả tiền cọc. Sau gần 1 năm “chực chờ” lấy lại tiền mà không được, doanh nhân này đang lâm vào cảnh khốn cùng.

Ký hợp đồng, nhận tiền nhưng không giao hàng

Ông Mohammed Lamine, Tổng giám đốc Công ty Soprogia Import - Export, có trụ sở ở Rue Zouaoui Yahia - Cheraga, Angieria vừa gửi đơn đến các cơ quan chức năng Việt Nam tố cáo bà L.T.H, Giám đốc Công ty Đ.H (có trụ sở tại Bình Dương) vì có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt hơn 190.000USD thông qua 3 hợp đồng xuất khẩu tiêu. 

Theo hồ sơ sự việc, thông qua người môi giới, giữa năm 2010, ông Lamine, đại diện công ty Soprogia Import - Export đã ký 3 hợp đồng nhập khẩu hạt tiêu đen với Công ty Đ.H do bà L.T.H làm đại diện. Trong các hợp đồng này, thời gian xác định toàn bộ số hàng phải được giao trong tháng 11/2010. Tổng giá trị 3 lô hàng mà hợp đồng ký kết là 274.725USD.

Thực hiện theo nội dung hợp đồng, ông Lamine đã chuyển vào tài khoản của công ty Đ.H số tiền cọc là 190.265USD (tương đương gần 70% giá trị hợp đồng).

Sau khi nhận tiền, công ty Đ.H chuyển một lô hàng đầu tiên. Nhưng theo ông Lamine, do chất lượng hạt tiêu không đạt vì có nhiều tạp chất nên khi hàng vừa chuẩn bị chuyển lên tàu thì ông Lamine thông báo bà L.T.H là ngừng lại và thay bằng lượng tiêu chất lượng khác. Kể từ đó, công ty Đ.H không chuyển tiêu cho đối tác và cũng không chịu trả lại tiền cọc theo yêu cầu của ông Lamine.

Công ty Đ.H chiếm dụng vốn?!

Trao đổi với Dân trí, ông Lamine cho biết, Công ty Soprogia Import - Export đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của hợp đồng, ứng tiền cọc đầy đủ cho đối tác nhưng đến nay các lô hàng trên vẫn chưa được giao đúng thời hạn. “Chúng tôi yêu cầu trả lại số tiền đã ứng trước nhưng họ cố tình không trả và nêu ra các lý do thiếu chính đáng để kéo dài thời gian chiếm dụng vốn gần 1 năm nay”.

Phía Công ty Đ.H thì cho rằng, ông Lamine đã không thực hiện đúng thỏa thuận về thời gian thanh toán tiền hàng qua tín dụng thư. Hơn nữa, khi hàng đang trên biển thì ông Lamine có văn bản từ chối nhận hàng. “Riêng thỏa thuận giao 13,5 tấn và 27 tấn tiêu của hợp đồng 002, 003 vào ngày 25/1/2011 chưa giao vì bên mua có văn bản từ chối nhận hàng và không mở tín dụng thư thanh toán. Việc không thỏa thuận được buộc công ty phải đưa hàng về. Vụ việc kéo dài đến nay lỗi hoàn toàn thuộc về ông Lamine”, đại diện công ty Đ.H lý giải.

Trong khi đó, ông Lamine cho biết, cái mà công ty Đ.H gọi là văn bản từ chối nhận hàng thực ra chỉ là email điện tử. Trong mail, ông Lamine phàn nàn về lô hàng có “chất lạ” vượt quá 5%. Email ông Lamine viết: “Nếu lô hàng đạt yêu cầu thì tôi sẽ nhận bốc hàng và mở tín dụng thư trực tiếp ngân hàng của Đ.H để tránh phải thông qua bất kỳ ngân hàng trung gian nào. Nếu lô hàng không đạt yêu cầu thì tôi sẽ từ chối nhận hàng và Công ty Đ.H sẽ trả lại tiền và bị phạt 5% như quy định của hợp đồng”.

Một doanh nhân nước ngoài tố bị lừa 190.000 USD - 1
Hàng ngày, ông Lamine chỉ biết ở trong khách sạn và đợi tiền từ công ty Đ.H trả lại để về nước

Ông Lamine khẳng định: “Chúng tôi không có văn bản nào từ chối nhận container tiêu như Đ.H nói, thậm chí còn mong được nhận hàng sớm càng tốt. Theo hợp đồng, số tiền 190.265USD chúng tôi chuyển vào tài khoản đủ để Đ.H mua 67 tấn hạt tiêu đen. Tại thời điểm Đ.H nhận tiền, giá hạt tiêu liên tục tăng cao (5.800USD/tấn), trong khi thời điểm ký hợp đồng giá tiêu trên thị trường chỉ có 3.800USD/tấn. Có lẽ việc giá tiêu tăng cao khiến Đ.H ngưng chuyển hàng cho chúng tôi để bán cho đơn vị khác kiếm lời. Tức đồng nghĩa với công ty chúng tôi thiệt hại tương đương 134.000USD”.

Đến ngày 25/4/2011, với lý do ông Lamine có văn bản từ chối nhận khiến phải đưa hàng trở về, công ty Đ.H đã có văn bản gửi ông Lamine yêu cầu trừ chi phí vận chuyển là 8.000USD (tương đương 162 triệu đồng). Số tiền còn lại 182.265USD, Đức Hạnh sẽ chuyển trả trong khoảng thời gian từ 25 đến 30/5/2011. “Dù biết yêu cầu này là phi lý, song tôi muốn nhanh chóng kết thúc sự việc nên đã đồng ý để họ thực hiện cam kết trả số tiền còn lại. Vậy nhưng đến nay, đã giữa tháng 11/2011, Đ.H vẫn chưa chịu trả” - ông Lamine nói.

Nỗi khổ của người đi đòi nợ

Sau gần một năm công ty Đ.H không giao hàng, không hoàn trả số tiền đã ứng trước, nên ông Lamine nhiều lần bay từ Angieria sang Việt Nam để đòi nợ. Đòi mãi không được, doanh nhân này quyết định ở lại Việt Nam “chầu chực” để được lấy lại tiền chính đáng của mình. Ông Lamine đã gửi đơn lên các cơ quan chức năng như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bình Dương, Đại sứ quán Angieria… cầu cứu.

Ông Lamine kể, khi thấy không ổn và việc bay đi bay về giữa 2 nước tốn kém quá nên ông đành tạm trú lại TPHCM để khi nào đòi được tiền rồi về luôn. Ban đầu, ông còn thuê khách sạn ở Q.1 giá 75USD/ngày, nay hết tiền phải chuyển lên Tân Bình thuê với giá 25USD/ngày. Tiền bạc mỗi ngày một cạn, đường sá không quen, không người thân thích nên ông chỉ biết vào ra khách sạn và chỉ ăn cơm với trứng, cá… Kể từ khi ông qua TPHCM đến nay đã 8 tháng, công ty của ông ở bên nước nhà chỉ là doanh nghiệp nhỏ. Nên khi ông chủ qua Việt Nam, mang cả con dấu để tiện giao dịch thì công ty của ông cũng phải ngưng hoạt động trong suốt 1 năm. Không những thế, thấy ông đi lâu ngày, 2 con nhỏ ngày nào cũng điện thoại khóc lóc, còn vợ thì bán tín bán nghi ông “lập phòng nhì” ở TPHCM. “Có những đêm nhớ vợ, nhớ con… mà không biết làm sao về được khi tiền không còn mà đối tác làm ăn tôi đặt hết niềm tin tưởng lại lừa dối…”, ông Lamine tâm sự.

Không để ảnh hưởng uy tín

Một chuyên gia ngân hàng cho biết, sự việc của ông Lamine là một tranh chấp dân sự. Theo đó, việc mua bán giữa bên A (bên mua) và bên B (bên bán) được thực hiện theo nguyên tắc: A mở tín dụng thư (L/C) tại ngân hàng (NH) của mình, NH này sẽ phát hành L/C tại NH bên B. Khi bên B giao hàng cho A và có đầy đủ các giấy tờ gửi cho NH bên A, lập tức sẽ nhận được tiền từ NH bên B. Thông thường để chắc ăn, bên B thường buộc bên A phải đặt cọc một số tiền, thường là tối thiểu 7% và tối đa 20% trên giá trị hợp đồng tùy sự thương lượng giữa 2 bên. Ở đây, ông Lamine đặt cọc cho Đức Hạnh gần 70% giá trị hợp đồng chứng tỏ có mối quan hệ quen biết và uy tín từ lâu cũng như rất cần hàng.

Còn ông Trần Thiện Cường, Trưởng Ban Quan hệ quốc tế,  Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết đã nhận được đơn thư của ông Lamine và công văn của Đại sứ quán Angieri tại Hà Nội phản ánh về sự việc trên. VCCI đã yêu cầu công ty Đ.H báo cáo sự việc, đề ra biện pháp xử lý thỏa đáng và thời hạn giải quyết dứt điểm để VCCI trả lời Đại sứ quán Angieria. “Nếu không giải quyết tốt  việc này sẽ làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam khi kinh doanh, làm ăn với các đối tác tại thị trường Angieria, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này”, đại diện VCCI cho biết.

Công Quang