1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Méo mặt vì thực phẩm lại tăng giá

(Dân trí) - Lấy cớ cuối năm và thời tiết lạnh kéo dài, giá các loại rau củ và thực phẩm lại đua nhau “leo thang” khiến cho đời sống người công nhân lao động, sinh viên vốn đã chật vật lại càng thêm khó khăn.

Theo khảo sát của PV Dân trí tại các chợ dân sinh, rau tăng 500 – 1.000 đồng/mớ, thịt tăng từ 10.000 – 25.000 đồng/kg. Cua, cá tăng giá nhẹ, gạo theo đà nhích giá lên 5%
 
Méo mặt vì thực phẩm lại tăng giá - 1
Lấy cớ cuối năm và thời tiết lạnh kéo dài, giá các loại rau củ và thực phẩm lại đua nhau “leo thang”.

 

Cụ thể, thịt lợn mông giá 110 nghìn đồng/kg, thịt ba rọi 120 nghìn đồng/kg, sườn 125 nghìn đồng/kg, thịt nạc vai 130 nghìn đồng/kg, thịt thăn 140 nghìn đồng/kg. Giá thịt lợn tăng 10 -15 nghìn đồng/kg. Giá thịt gà công nghiệp tăng từ 70 nghìn đồng/kg lên 75 nghìn đồng/kg, giá gà ta tăng từ 170 nghìn đồng/kg lên 180 nghìn đồng/kg (gà làm sẵn). Thịt bò tăng nhẹ 5.000 đồng/kg, bò thăn 205 nghìn đồng/kg, bò mông 185 nghìn đồng/kg. Các loại cá trắm, rô phi, trôi, mè cũng nhích giá tăng nhẹ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.
 
Giá các loại rau củ cũng thiết lập giá mới tăng từ 500 đồng - 1.000 đồng. Theo đó, giá rau bắp cải 8500 đồng/kg, rau muống 6.000 đồng/mớ, cải mơ 3.000 đồng/mớ, cải ngọt 12.000 đồng/kg, bí xanh 10.000 đồng/kg, xu hào 5.000 đồng/củ, khoai tây 11.500 đồng/kg, cà chua 13.000 đồng/kg, cải cúc 2.500 đồng/mớ, súp lơ xanh 10.000 đồng/chiếc…

 

Giá cả thực phẩm và rau củ tiếp tục leo thang được các tiểu thương giải thích do nhiều hộ gia đình bỏ chăn nuôi lợn vì giá thức ăn gia súc tăng cao. Thời tiết lạnh kéo dài làm cho rau củ khó phát triển, mất nhiều công chăm bón nên giá rau bán buộc phải tăng.

 

Giá xăng dầu tăng, mới đây là giá điện, giá thức ăn hàng ngày và giá nhà trọ nhắc nhở tăng vào đầu năm khiến những công nhân, sinh viên, đặc biệt là những người lao động phổ thông về Hà Nội làm ăn phải méo mặt.

 

“Không biết chúng tôi có trụ nổi không nữa. Đi làm khoán công nhật ở công trường cả ngày mới được 120 nghìn đồng. Ra chợ mua đồ ăn thức uống thấy cái gì cũng tăng giá. Cứ tăng giá thế này, hàng tháng phải chi phí cho tiền nhà trọ, tiền điện nước, tiền xăng xe đi lại…, dù cố tiết kiệm góp nhau 10 nghìn đồng/bữa thì vẫn không đủ tiền mà trang trải, chưa nói đến tiền thuốc men lúc ốm đau... Chúng tôi phải nai lưng ra làm thêm cả thứ 7 và chủ nhật may mới đủ tiền trang trải cuộc sống và có chút tiền gửi về giúp gia đình” - anh Triệu Quang Hanh, công nhân Cty Icon4 chia sẻ.

 

Cũng nỗi khổ phải đi thuê phòng, nhà trọ để ở như những người công nhân, nhiều sinh viên cũng “méo mặt” vì giá thực phẩm đua nhau tăng giá rồi cả giá điện, trong khi đó chủ nhà liên tục nhắc về giá tiền nhà sẽ tăng trong năm mới.

 

Hoàng Liên, Sinh viên trường ĐH Thủy lợi than thở: “Mỗi thứ chỉ cần đắt lên 500 - 1.000 là chúng em đã đủ chết rồi. Tiền ăn, tiền học bố mẹ làm nông nghiệp ở quê gửi xuống không đủ nên hầu như chúng em mỗi đưa kiếm một việc đi làm thêm để trang trải thêm cuộc sống”.

 

Những người lao động phổ thông, trưa đi ăn bữa cơm bình dân cũng xót ruột vì ăn một suất cơm đơn giản cũng phải trả 20 - 25 nghìn đồng. Suất cơm gọi là cho có đủ chất dinh dưỡng thịt và rau, nhưng mới chỉ ăn thế đã quá “sức” chi trả của người lao động.

 

Chị Lương Thị Mài, quê Hưng Yên cho biết: “Tôi đi làm thợ phụ hồ cho người ta, công 130 nghìn đồng/ngày. Trưa không về nhà nấu được, phải ăn suất cơm bình dân ngoài hàng mà giá cả đắt quá. Tuần trước, tôi gọi mua suất cơm 15 nghìn, chủ hàng không bán giá suất cơm đó, thấp nhất phải 20 nghìn/suất. Tôi đành phải gọi suất cơm tăng thêm 5.000 so với mọi hôm để ăn”.

 

SV và những người công nhân, người lao động phổ thông chỉ dám ăn uống tằn tiện và mua bán những đồ dùng thiết yếu phục vụ cho nhu cầu hàng ngày mà không dám nghĩ thêm những nhu cầu khác. Để chống chọi với trượt giá, nhiều SV và người lao động phải làm thêm, tăng ca, thêm giờ…

 

Thanh Xuân