1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Mất cân đối cung cầu, ngân hàng đua tăng huy động

(Dân trí) - “NHNN phải xử lý nhanh, dứt điểm các ngân hàng yếu kém, để không còn ngòi gây ra tình trạng đua lãi suất, hoặc ít nhất cũng hạn chế đáng kể tình trạng này”, TS.Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kiêm đại biểu Quốc hội khuyến nghị.

Mất cân đối cung cầu, ngân hàng đua tăng huy động
TS.Cao Sỹ Kiêm cho rằng: "Để không còn ngòi gây ra tình trạng đua lãi suất cần xử lý nhanh, dứt điểm các ngân hàng yếu kém" (ảnh: Việt Hưng).

Thời gian gần đây, một số ngân hàng đẩy mạnh lãi suất huy động khiến mặt bằng lãi suất có dấu hiệu tăng mạnh trở lại. Theo đánh giá của ông, nguyên nhân vì sao xảy ra hiện tượng này?

Việc tăng lãi suất huy động thời gian qua cho thấy sự mất cân bằng trong cung - cầu vốn của một số ngân hàng. Thực tế vừa qua cũng cho thấy khả năng huy động vốn trên thị trường của một số ngân hàng không đều nhau. Có ngân hàng đang thừa vốn, song hiện vẫn có ngân hàng yếu thanh khoản. Các ngân hàng này khó vay vốn trên thị trường hai, buộc phải huy động vốn trên thị trường một. Để cạnh tranh với các ngân hàng lớn, các ngân hàng này buộc phải nâng cao lãi suất huy động để thu hút người gửi tiền.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã từng lên tiếng, thậm chí xử phạt ngân hàng chạy đua lãi suất huy động nhưng vì sao tình trạng này không chấm dứt, thưa ông?

Để xử lý dứt điểm tình trạng này, NHNN chỉ còn cách là xử lý nhanh, dứt điểm các ngân hàng yếu kém, để không còn ngòi gây ra tình trạng đua lãi suất, hoặc ít nhất cũng hạn chế đáng kể tình trạng này. Ngoài ra, NHNN phải đưa ra chế tài xử lý và xử phạt thật nghiêm tình trạng vượt trần thì mới đủ sức răn đe, ngăn chặn.

Theo mục tiêu mà Chính phủ đặt ra, tăng trưởng GDP năm 2013 đạt 5,5%. Mức tăng này có hợp lý không, thưa ông?

Tôi cho rằng, mức tăng trưởng 5,5% là hợp lý. Bởi hai yếu tố quan trọng nhất để tính GDP là đầu tư và xuất khẩu. Năm 2013, đầu tư nội địa khoảng 29% GDP. Xuất khẩu năm 2012 tăng khoảng 12-113%, nên sang năm đặt mục tiêu tăng trưởng 10% là hoàn toàn khả thi. Vì xuất khẩu của nước ta chủ yếu là nông lâm thủy hải sản- những mặt hàng thế mạnh của nước ta và thế giới lại rất cần.

Hơn nữa, chúng ta cũng phải nỗ lực tăng trưởng GDP năm 2013 cao hơn năm nay, nếu không lực lượng lao động dư thừa ra, sẽ rất phức tạp, ảnh hưởng đến bảo đảm an sinh xã hội.

Còn năm 2012, chúng ta không cố đẩy tăng trưởng lên vì chất lượng tăng trưởng còn có vấn đề, yêu cầu kiểm soát lạm phát cũng rất nặng nề, nếu cố sức thì hậu quả sẽ rất lớn. Để đạt mục tiêu tăng trưởng trong những tháng cuối năm thì giải phóng hàng tồn kho và xử lý nợ quá hạn cần ưu tiên hàng đầu. Trong đó, để các chính sách này có hiệu quả thì đòi hỏi phải có phối hợp tốt hơn giữa các bên liên quan, nhất là ngân hàng và doanh nghiệp phải có phối hợp chặt chẽ hơn để tháo gõ khó khăn về nguồn vốn cho doanh nghiệp.

Còn mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2013 ước đạt 8 -10%?

Tính đến nay, tăng trưởng tín dụng mới đạt khoảng 2,64%. Theo tính toán, tăng trưởng tín dụng cả năm nay cao lắm cũng chỉ đạt 7 - 8%. Tuy nhiên, tôi cho rằng, năm 2013, trên cơ sở cơ cấu hệ thống ngân hàng, hoạch định lại doanh nghiệp, tín dụng sẽ tăng trưởng tốt hơn năm nay, khoảng 8 -10%.

Trong 8 tháng đầu năm 2012, tín dụng tăng trưởng rất thấp vì chúng ta quá thắt chặt tín dụng và nợ xấu tăng quá nhanh. Tuy nhiên, bước sang năm 2013, nợ xấu sẽ được dọn dẹp dần dần, tình trạng doanh nghiệp vi phạm tiêu chuẩn cho vay cũng ít hơn, các doanh nghiệp sau khi sắp xếp lại sẽ khỏe hơn, có khả năng hấp thụ vốn tốt hơn… Nhưng điều này sẽ làm tín dụng tăng mạnh hơn.

- Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hiền (ghi)